Do thiếu nơi vui chơi, giải trí nên không ít ngư dân trẻ ở các vùng biển hiện nay thường tìm đến các quán cà phê, karaoke, rượu, thậm chí cả gái mại dâm… để “xả hơi” sau những ngày đêm lênh đênh trên biển. Hệ quả là không ít người trong số họ đã vướng vào những vụ việc vi phạm pháp luật, những tệ nạn xã hội, thậm chí là mang về cả “án tử” không chỉ cho mình mà cho cả vợ con vì căn bệnh thế kỷ HIV/AISD…
Chơi xả láng mang về “án tử”
Đó là tâm lý chung của nhiều ngư phủ trẻ mà chúng tôi có dịp tiếp xúc tại các ngư cảng ở vùng biển của Đồng bằng sông Cửu Long và miền Trung. Trương Văn Sơn, nhà ở thị trấn Sông Đốc, Cà Mau, người tự xưng là “thợ biển”, năm nay 27 tuổi nhưng đã có gần 10 năm làm nghề ngư phủ tâm sự: “Mỗi khi tàu cá cập bến, chúng tôi không biết đi chơi đâu cả, quanh quẩn toàn các quán rượu, karaoke, cà phê… Mấy đứa có nhà gần thì tranh thủ về thăm gia đình, vợ con, những thằng còn lại chỉ biết giải trí bằng nhậu, chơi bài ăn tiền. Chuyến nào trúng thì đi karaoke ôm…”. Nghe Sơn nói, chúng tôi chợt rùng mình nhớ lại lời kể của một người mẹ đau khổ mới mất đứa con trai vì bệnh HIV/AISD ở một xã đảo. Bà cho biết: “Do nhà nghèo nên mới 16 tuổi, gia đình đã cho nó nghỉ học để đi biển. Những tháng đầu tiên, nó còn mang tiền về nhà đầy đủ nhưng sau đó, số tiền cứ ít dần, ít dần. Hỏi chủ tàu thì họ nói đã ăn chia sòng phẳng, tiền mỗi chuyến cũng kha khá chứ không tệ. Sau mấy đứa bạn mới cho biết, nó ăn chơi nhiều quá nên tiền lĩnh được không đủ để trả nợ các quán nhậu, lấy gì để mang về giúp gia đình. Cứ mỗi lần về nhà là nó lại phì phèo thuốc lá, rủ rê bạn bè uống rượu, trước đây không hề có thói quen này bao giờ. Khi người ta phát hiện nó đã bị bệnh AIDS thì đã muộn…”.
Thành quả sau một chuyến ra khơi…
Có một thực tế đáng lo ngại là lối sống buông thả thường dễ rơi vào người làm nghề ngư phủ do môi trường lao động khá đặc biệt, mỗi chuyến đi biển kéo dài từ 15 đến 20 ngày, thậm chí cả tháng nếu đánh bắt xa bờ. Hàng tháng trời phải lao động vất vả và đối mặt với bốn bề biển cả nên nhu cầu nghỉ ngơi, giải trí để lấy lại sức khoẻ của ngư phủ rất lớn. Thế nhưng, trên các địa bàn có bến dành cho tàu đánh cá ở Đồng bằng sông Cửu Long như: Kiên Lương, Hà Tiên (Kiên Giang); Trần Đề (Sóc Trăng); Sông Đốc (Cà Mau)… hầu như có rất ít tụ điểm vui chơi giải trí đúng nghĩa dành cho ngư phủ trẻ. Ngược lại, các quán nhậu, cà phê, karaoke cùng các tụ điểm giải trí khác ở những nơi này thì lại nhan nhản. Vì thế, cứ sau mỗi lần tàu cập bến, sẵn có tiền được ăn chia, nhiều ngư phủ trẻ chẳng ngần ngại đến những nơi đó để tìm thú vui. Nhưng ít ai ngờ rằng, nơi đó cũng là điểm xuất phát của nhiều hành vi “vi phạm pháp luật”. Thực tế cho thấy, không ít vụ xô xát, đánh lộn, thậm chí gây án mạng xảy ra tại các cảng cá thời gian vừa qua, là do ngư phủ trẻ say rượu gây ra. Có người, do quá chén không làm chủ được bản thân đã phải chịu cảnh tàn tật suốt đời. Chẳng hạn, mới đây nhất là vụ ngư dân trẻ Huỳnh Hải Trọng (20 tuổi), ở thôn Đông, xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi đã dùng xăng tự thiêu vào ngày 2-10-2013 vì lý do vô cùng đơn giản. Trưa hôm đó, Trọng cùng một số ngư dân trong xóm tổ chức nhậu. Đến 16 giờ cùng ngày khi đã ngà ngà say, Trọng về nhà lấy xe máy đi nhậu tiếp với bạn. Lo cho con đi xe máy không an toàn, ông Huỳnh Nhất (50 tuổi), cha của Trọng đã thuyết phục và ngăn cản Trọng nên xảy ra mâu thuẫn. Do uống quá nhiều rượu, đến mức không làm chủ được bản thân, sau một hồi cãi cự với cha, Trọng lấy chai xăng tưới lên người tự thiêu.
Vĩ thanh?
Có lẽ cho đến giờ, chắc hẳn nhiều ngư phủ ở vùng biển Hà Tiên (Kiên Giang) vẫn chưa quên được hình ảnh đám tang vợ một ngư phủ trẻ chết vì HIV/AIDS cánh đây gần 2 năm. Bên quan tài người vợ trẻ (mang bệnh do chồng truyền sang), người chồng không còn đủ sức để gào thét. Anh chỉ còn biết nén từng cơn xúc động: “Em đi rồi ai sẽ bảo bọc cho con. Những ngày qua, con nó nhớ em lắm, cứ khóc hoài đòi mẹ. Ngàn lần anh xin em tha tội…” Nhìn đứa trẻ ngây thơ và nghĩ đến ngày cha nó cũng sẽ chết vì căn bệnh thế kỷ, nhiều người vừa giận người cha, vừa không cầm được nước mắt xót thương cho đứa bé.
Theo báo cáo tham luận tại một hội thảo do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam tổ chức gần đây về tình hình lây nhiễm HIV/AIDS trong những người là ngư dân và làm nghề nuôi trồng thủy hải sản, thì ngư dân, đặc biệt là ngư dân trẻ thuộc một trong những đối tượng có khả năng bị lây nhiễm HIV/AIDS cao do đặc tính nghề nghiệp của họ là nay đây mai đó, khó quản lý. Thống kê của ngành Thủy sản cho biết, toàn ngành hiện có gần 6 triệu lao động thì trong đó có khoảng 33 nghìn người bị nhiễm HIV/AIDS và vẫn đang có chiều hướng tăng lên. Điều này cũng dễ hiểu vì nghề ngư thuộc diện lao động đơn giản, chỉ cần có sức khỏe có thể kiếm được nhiều tiền. Khi rủng rỉnh tiền trong túi, do sống xa nhà nên không ít ngư phủ đã rơi vào lối sống buông thả. Trong khi đó, việc đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hoá tinh thần trong lao động nghề biển nói chung, ngư dân trẻ nói riêng đang là vấn đề bức xúc.
Xuất phát từ thực trạng trên, thiết nghĩ, đối với lao động nghể biển cần thiết phải lập được các câu lạc bộ ngư phủ ở những nơi có nhiều tàu cá cặp bến để ngư phủ trẻ có điều kiện sinh hoạt sau mỗi chuyến ra khơi. Cùng với đó, các địa phương, trong đó có sự hợp sức của ngành văn hoá, thuỷ sản đầu tư xây dựng nơi vui chơi giải trí cho lực lượng lao động trên biển, góp phần xây dựng một lối sống lành mạnh cho ngư phủ. Vẫn biết việc chăm lo đời sống văn hoá tinh thần cho lực lượng lao động hành nghề ngư phủ không phải là chuyện đơn giản song không phải vì khó mà các địa phương “thả nổi” như hiện nay. Về phía các ngư dân trẻ, qua khảo sát, chúng tôi đã ghi nhận được nhiều tâm sự rất “thành thực” như ý kiến của Hồ Văn Lành, một ngư phủ trẻ nhà ở thị xã Rạch Giá: “Giá như có những buổi chiếu phim ở rạp hay những tụ điểm văn nghệ và nhiều câu lạc bộ thể dục thể thao dành cho ngư dân trẻ tại những nơi tàu cá cập bến thì tụi tui sẽ không có nhiều những đêm thâu vô độ với rượu như vậy. Biết là ảnh hưởng đến sức khoẻ, nhưng nếu nằm trên tàu nhìn lên phố hoài thì cũng buồn chán lắm…”. Không biết ước muốn nhỏ nhoi ấy bao giờ đến được với ngư phủ?
>> Thông tin từ Ủy ban phòng chống HIV/AIDS của tỉnh Kiên Giang: Sau ca nhiễm HIV phát hiện đầu tiên vào năm 1993 tại thành phố Rạch Giá, đến nay toàn tỉnh Kiên Giang phát hiện gần 4.200 người nhiễm HIV, trong đó hơn 1.400 bệnh nhân AIDS. Những nơi có số người nhiễm cao nhất là các địa phương ven biển như: TP Rạch Giá, Phú Quốc, Hà Tiên, Kiên Lương, Kiên Hải… Hàng năm, Kiên Giang phát hiện thêm khoảng 300 người nhiễm mới HIV, trong đó, chiếm tỷ lệ khá lớn là các ngư dân… |