(TSVN) – Những người chuyên làm nghề buôn thủy sản ở các vùng biển thường được gọi là đầu nậu, giữa đầu nậu và ngư dân có mối gắn kết khó rời. Bởi, đầu nậu là kênh tiêu thụ sản phẩm chính của ngư dân, thậm chí họ còn là nguồn cung ứng vốn để ngư dân sắm “tổn” cho những chuyến ra khơi.
Bình Định là tỉnh có lực lượng tàu cá khá hùng hậu với hơn 6.000 chiếc, trong đó, có hơn 3.000 chiếc công suất lớn chuyên đánh bắt xa bờ, sản lượng đánh bắt hàng năm rất cao. Đơn cử như trong quý I/2021, sản lượng khai thác thủy sản toàn tỉnh ước gần 46.078 tấn, tăng 2,3% so cùng kỳ, riêng khai thác cá ngừ đại dương gần 2.637 tấn. Trong khi đó, đầu nậu luôn là lực lượng tiêu thụ sản phẩm thủy sản chính, bởi vậy giữa ngư dân và đầu nậu có mối gắn kết rất mật thiết.
Theo tâm sự của ngư dân Ngô Văn Chí (SN 1964), chủ tàu cá vỏ thép mang số hiệu BĐ 99759 TS (822 CV) ở phường Hoài Hương (thị xã Hoài Nhơn), từ xưa nay anh chỉ bán thủy sản đánh bắt được cho các đầu nậu. Bởi, trong số hơn 3.000 tàu cá chuyên đánh bắt xa bờ ở Bình Định, chẳng có mấy chiếc ký được hợp đồng bán sản phẩm trực tiếp cho các doanh nghiệp thu mua thủy sản trên địa bàn; mà hầu hết các tàu cá muốn tiêu thụ sản phẩm, buộc phải thông qua trung gian là các đầu nậu. “Nếu tàu của tôi cập về cảng cá Quy Nhơn, thì tôi bán sản phẩm cho những đầu nậu trong đó, nếu cập về cảng cá Đề Gi thì ở đây cũng có đầu nậu thu mua. Cảng cá Quy Nhơn hình thành đã lâu đời nên đầu nậu thu mua cá trong đó nhiều hơn, còn cảng cá Đề Gi mới hình thành nên có lực lượng đầu nậu ít hơn. Giá bán sản phẩm thì ở đâu cũng vậy, cao thấp tùy từng thời điểm nhưng luôn ngang bằng nhau”, ngư dân Chí chia sẻ.
Tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp và ngư dân trong tiêu thụ thủy sản. Ảnh: Nam Anh
Cũng theo anh Chí, giữa ngư dân và đầu nậu không chỉ có quan hệ mua bán, mà giữa họ còn có sự tương trợ lẫn nhau. “Nếu chủ tàu cá nào kẹt tiền trước khi ra khơi, các đầu nậu là bạn hàng thân thiết sẵn sàng cho chủ tàu mượn tiền và ứng tiền đi bạn cho thuyền viên, đồng thời sắm “tổn” cho chuyến biển. Khi tàu cập bờ bán sản phẩm, chủ nậu sẽ trừ số tiền ứng trước đó”, ngư dân Ngô Văn Chí cho hay.
Thậm chí có chủ nậu còn “năm lần bảy lượt” cho ngư dân mượn tiền đóng lại tàu cá, để tiếp tục hành nghề sau những tai nạn trên biển. Ví như trường hợp của ngư dân Nguyễn Chí Thạnh ở thôn Tây, xã An Hải (huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi). Cuối năm 2008, để sở hữu được chiếc tàu cá QNg 6517 TS, anh Thạnh đã phải mượn của một đầu nậu ở huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) đến 400 triệu đồng. Không ai rủi ro như anh Thạnh, từ khi làm chủ chiếc tàu cá, chỉ trong vòng 5 năm mà tàu của anh đã 4 lần bị nạn trên biển. Lần thiệt hại ít nhất cũng hơn trăm triệu, lần nhiều nhất bạc tỷ. Cho đến tàu cá với giá trị tới 1,3 tỷ đồng bị cháy hoàn toàn khi đang trên đường đi ra ngư trường Hoàng Sa, thì anh Thạnh gần như “trắng tay”. Anh Thạnh lại phải nhờ vào đầu nậu, để có tiền sắm phương tiện khác tiếp tục đi đánh bắt.
Chủ nậu Nguyễn Thị Trang ở phường Tam Quan Bắc (thị xã Hoài Nhơn) kể: “Năm 2017, tàu cá của ông Trương Tha, một bạn hàng của tôi bị chìm khi hoạt động trên biển, 6 người trên tàu may mắn thoát nạn, tai nạn ấy khiến ông Tha bị thiệt hại hơn 1,4 tỷ đồng. Sau đó tôi không bao giờ nhắc đến khoản tiền ông Tha đã ứng trong chuyến biển ấy. Lần ấy tôi cho luôn ông Tha số tiền 300 triệu đồng đã đưa ứng. Nhiều trường hợp tàu của thân chủ gặp nạn mà chưa liên hệ được tàu đến lai dắt, tôi còn chủ động bỏ tiền ra thuê tàu để chạy ra biển, kịp thời lai dắt tàu gặp nạn vào bờ. Của mất người còn là quý rồi, phải biết nương vào nhau mà sống thì mới bền”.
Bất kể ngày đêm, đầu nậu sẽ túc trực tại bờ, để khi tàu cá của ngư dân cập cảng, đều có ngay chủ nậu gom mua sản phẩm. Có một luật bất thành văn tại các cảng cá là “tàu nào nậu nấy”, mỗi đầu nậu thường làm ăn với từ 20 – 70 chủ tàu cá. Bình quân mỗi mùa trăng, chị Hồ Phan Thị Thắm, chủ nậu ở xã Cát Khánh (huyện Phù Cát) tiêu thụ sản phẩm cho hơn 50 bạn hàng từ Quy Nhơn ra Phù Cát đến tận Hoài Nhơn. “Chủ nậu phải thường xuyên nắm giá thị trường, để tiêu thụ sản phẩm cho chủ tàu với giá tốt, thì ngư dân mới tin tưởng bán sản phẩm cho mình. Chủ nậu nào cũng cho chủ tàu ứng tiền để sắm “tổn”, sau đó sẽ trừ lại khi mua sản phẩm”, chị Thắm bộc bạch.
Ngư dân Ngô Văn Chí chia sẻ: “Chủ nậu thu mua cá của ngư dân thường lãi 1.000 – 2.000 đồng/kg, họ kiếm lãi ít, nên chủ tàu mới tin tưởng mà làm ăn và trở thành bạn hàng”.
Ngư dân Văn Công Việt, chủ 2 chiếc tàu cá công suất lớn, chuyên hành nghề đánh bắt cá ngừ đại dương ở phường Hải Cảng (TP Quy Nhơn, Bình Định) chia sẻ: “Hầu hết các chủ tàu cá đánh bắt xa bờ ở Bình Định chẳng mấy ai kết nối được với các doanh nghiệp chuyên thu mua thủy sản trên địa bàn, nên chẳng thể ký hợp đồng bán sản phẩm trực tiếp cho các doanh nghiệp được. Việc tiêu thụ sản phẩm sau mỗi chuyến biển, đều phải thông qua trung gian là các đầu nậu”.
>> Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan: “Nếu không giải quyết được mối quan hệ giữa ngư dân và đầu nậu thì sinh kế của hơn 3 triệu ngư dân sẽ luôn phập phồng, như kiểu đánh bạc vậy. Tại sao chúng ta không xã hội hóa một phần dịch vụ, để kết nối doanh nghiệp chế biến, bao tiêu sản phẩm với ngư dân”.
Đình Thung