(TSVN) – Trong hơn 2 tháng qua, giá xăng dầu tăng liên tục hơn 3.000 đồng/lít, với tàu khai thác, đánh bắt, mỗi chuyến biển tiêu hao 4.000 – 5.000 lít dầu, chi phí tăng lên không hề nhỏ. Bên cạnh những chuyến biển ra khơi bội thu thì giá nhiên liệu tăng cao cũng là nỗi lo và gánh nặng của ngư dân trước mỗi chuyến ra khơi.
Đầu năm Nhâm Dần, không khí tại cảng Cửa Sót (xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh) trầm lặng, nhiều tàu cá vẫn chưa ra khơi do ảnh hưởng của thời tiết, phần nữa do giá xăng tăng cao, ngư dân sợ chẳng thể bù lỗ. Một ngư dân tại xã Thạch Kim tâm tình, thuyền của ông với công suất 380 CV, bình thường mỗi chuyến phải có 5 – 6 người để đánh bắt nhưng những ngày gần đây không thuê được nhân công do mỗi chuyến biển gần như không có lãi. Càng đi xa càng lỗ nên ông phải chuyển đánh bắt từ xa bờ sang gần bờ. Hải sản đợt này cũng bấp bênh, khó tiêu thụ, trong khi đó giá xăng dầu tăng nên ông cùng các bạn thuyền cũng e ngại đi biển.
Theo các ngư dân, giá hải sản do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên giảm, trong khi đó giá nhiên liệu tăng cao, gần 19.000 đồng/lít nên chi phí mỗi chuyến tàu bị đội lên từ 3 – 4 triệu đồng với những tàu có công suất nhỏ, còn tàu công suất lớn đánh bắt xa bờ chi phí đội lên cả chục triệu đồng. Đối với tàu có công suất lớn từ 820 CV trở lên, mỗi chuyến ra khơi từ 12 – 17 ngày, các chủ tàu phải mất thêm khoảng gần 70 triệu đồng. Trong khi đó, sản lượng khai thác được cũng như giá hải sản hiện nay thấp; trừ các khoản chi phí khác, thì chủ tàu phải bù lỗ. Riêng tại xã Thạch Kim có khoảng trên 100 tàu thuyền công suất lớn, nhưng nay chỉ có 50% hoạt động. Số tàu ra khơi cũng thu nhập thấp, ngày công giờ chỉ từ 50.000 – 100.000 đồng/người, dân không mặn mà với nghề biển.
Ngư dân Trần Văn Lượm, tỉnh Quảng Ngãi cho biết, trước đây, thu nhập của ngư dân mỗi chuyến biển là khoảng 8 – 9 triệu, thì bây giờ khoảng 5 – 7 triệu đồng/tháng. Chi xăng dầu chiếm đến 2/3 tổng chi phí mỗi chuyến biển, chính vì vậy, khi dầu tăng cao thì thu nhập của ngư dân lại càng ít đi, nhiều chủ tàu không đủ tiền trả bạn thuyền.
Giá xăng dầu tăng cao khiến mỗi chuyến biển của ngư dân lại thêm phần khó khăn hơn. Ảnh: Xuân Trường
Ông Huỳnh Công Khanh, một ngư dân tại phường An Thới, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang chia sẻ, kể từ sau khi các nước gỡ bỏ giãn cách xã hội, ngư dân huyện Phú Quốc rất e dè khi muốn ra khơi khai thác hải sản. Bởi giá xăng, dầu vận hành tàu lớn tăng mấy lần, mà giá hải sản khai thác chỉ nhích từng chút một. Ngư dân đối diện với nguy cơ lỗ vốn sau mỗi chuyến biển. Mỗi chuyến biển kéo dài nửa tháng, 2 tàu khai thác của ông Khanh tiêu thụ 5.000 lít dầu diesel, ước tính khoảng 85 triệu đồng, chiếm một nửa chi phí của một chuyến biển. Khi giá xăng dầu tăng mạnh giá hải sản không theo kịp, ngư dân không còn lời để trang trải các chi phí khác.
Khi giá nhiên liệu phục vụ vận hành tàu cá tăng cao, quá trình sản xuất sẽ gặp nhiều bấp bênh. Bởi lợi nhuận giảm, thậm chí lỗ vốn sẽ ảnh hưởng đến xoay vòng vốn và trả các khoản vay ngân hàng khi đóng tàu của ngư dân. Ông Nguyễn Ngọc Hải, một ngư dân tại huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau chia sẻ, nhiều chủ tàu cá tại địa phương đang lúng túng trong việc lựa chọn cho tàu cá nằm bờ hay ra khơi cầm cự, chờ chính quyền địa phương “cầu cứu” Chính phủ về giá xăng dầu.
Thông tin từ Chi cục Thủy sản và Bộ đội Biên phòng Tiền Giang, từ ngày 1 – 15/2, toàn tỉnh chỉ có 373 tàu cá ra khơi; trong đó khu vực thị trấn Vàm Láng là 293 tàu, khu vực sông Cửa Đại 80 tàu. Hàng trăm tàu đang nằm bờ chưa ra khơi và một số tàu ở ngoài khơi Tết không vào bờ. Tỉnh Tiền Giang có đoàn tàu khai thác biển gần 1.500 chiếc, thu hút trên 10.000 ngư phủ, thuyền viên, chủ yếu đánh bắt xa bờ. Một số ngư dân cho biết, sau Tết cổ truyền ngư phủ khan hiếm do phần đông lực lượng này đến các địa phương khác làm thuê và xăng dầu tăng giá, chi phí tăng. Trong khi đó, từ Tết Nguyên đán đến nay, việc đánh bắt không thuận lợi, năng suất đánh bắt không cao như các năm trước. Nhiều ngư dân năm ngoái đánh bắt thua lỗ nên không có vốn để ra khơi.
Giá nhiên liệu tăng cao không chỉ là nỗi lo thường trực của các ngư dân mà đối với các doanh nghiệp chế biến thủy sản cũng đang gặp khó trong việc thu mua nguyên liệu phục vụ sản xuất. Đại diện Công ty TNHH Hải Nam cho biết, từ sau Tết đến nay nguồn nguyên liệu chế biến thủy sản bị chững lại, một phần do biển động liên tục, phần khác do giá xăng dầu tăng đột biến khiến ngư dân không dám mạo hiểm ra khơi vì sợ lỗ, nhất là những ngày gần đây khi giá xăng dầu tăng đến mức kỷ lục thì tình hình càng thê thảm hơn. Riêng Hải Nam hiện đang thiếu nguồn nguyên liệu hải khai thác để phục vụ cho chế biến. Các hợp đồng được đáp ứng tốt cho khách hàng là từ lô hàng sản xuất trước đó.
Trước những khó khăn trên, nhiều ngư dân kiến nghị cơ quan chức năng cần có chính sách bình ổn giá xăng, dầu, tạo điều kiện cho ngư dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi mua sắm phương tiện, ngư lưới cụ… nhằm khuyến khích ngư dân an tâm vươn khơi, bám biển giữa lúc bộn bề khó khăn.
Diệu An