T2, 06/07/2020 10:41

Ngư dân xã Nguyễn Việt Khái: Cần hỗ trợ để nâng cao đời sống

Chưa có đánh giá về bài viết

Khai thác thuỷ sản là một nghề truyền thống lâu đời của ngư dân xã Nguyễn Việt Khái (huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau). Sau mỗi chuyến ra khơi, không những đời sống kinh tế của bà con được nâng lên mà còn góp phần làm giàu cho địa phương.

Tuy nhiên, hiện nay ngư dân nơi đây đang gặp rất nhiều khó khăn, nhất là về vốn, từ đó không thể vươn ra khơi xa mà chỉ đánh bắt ven bờ, đặc biệt là xâm phạm vùng cấm đánh bắt.

Biển là nguồn sống

 

Biển là nguồn sống của người dân xã Nguyễn Việt Khái.

Ông Nguyễn Văn Hận, Chủ tịch UBND xã Nguyễn Việt Khái, cho biết, từ đầu năm đến nay, tổng sản lượng khai thác biển và nuôi trồng thuỷ sản của xã Nguyễn Việt Khái ước khoảng 5.360 tấn, đạt 52,29% kế hoạch.

Trong đó, có 2.565 tấn tôm, đạt 56,96% kế hoạch, còn lại là mực, cua, cá và các sản phẩm phụ khác. Trong bối cảnh giá cả leo thang từng ngày, nhất là giá xăng dầu thì năng suất thu nhập như vậy là tạm được.

Với kinh nghiệm nhiều năm trong nghề đi biển, ông Nguyễn Văn Hoàng, ấp Gò Công, là một trong những ngư dân làm ăn có hiệu quả từ biển. Với khoảng 50 chiếc lú đuôi chuột (một loại lú do người dân tự chế tạo), mỗi ngày ông đặt bắt cua, ghẹ gần bờ kiếm được khoảng 2 triệu đồng.

Ông Hoàng chia sẻ: “Tôi chủ yếu đánh bắt gần bờ và chỉ đánh bắt được từ tháng 2-6 âm lịch (vào mùa ghẹ), sau khi trừ chi phí, cũng trang trải được cuộc sống. Tuy nhiên, tôi cũng không muốn đánh bắt kiểu này, vì suốt ngày lo sợ bị bắt. Nhưng để làm ghe lớn vươn ra xa bờ thì tôi không có vốn”.

Nói về cái nghèo, có lẽ hộ gia đình ông Danh Sơn là một trong những gia đình nghèo nhất ở cái cửa biển Gò Công này. Vừa đông con, lại không có phương tiện sản xuất nên quanh năm suốt tháng gia đình ông phải làm thuê để kiếm sống.

Nhờ sự giúp đỡ của bà con lối xóm cho mượn tiền mua phương tiện làm nghề biển nên cuộc sống của ông đã dần thay đổi, vừa qua ông chủ động đăng ký thoát nghèo. Ông Sơn tâm sự: “Lúc trước, gia đình tôi khổ lắm, cơm còn không đủ ăn nên đành phải làm liều đánh bắt ở vùng cấm. Biết làm vậy là vi phạm nhưng cuộc sống khổ quá biết phải làm sao?”.

Theo ông Nguyễn Minh Trí, Trưởng Ban nhân dân ấp Gò Công, hiện nay, trong tổng số 467 hộ dân ở ấp Gò Công có trên 250 hộ sinh sống bằng nghề biển. Trong vài năm trở lại đây có 20 hộ thoát nghèo nhờ đi biển. Theo nhiều ngư dân ở đây, năm nay hầu hết mọi người đều trúng mùa với sản lượng khá.

Tuy nhiên, còn rất nhiều ngư dân đánh bắt vi phạm vùng cấm, điều này làm tổn hại nghiêm trọng đến nguồn lợi thuỷ sản ven bờ. Địa phương vẫn thường xuyên nhắc nhở, cố gắng tuyên truyền cho bà con. Mức xử phạt đối với những phương tiện đánh bắt vi phạm vùng cấm hiện nay cũng rất cao nhưng tình trạng ngư dân vi phạm vẫn còn tái diễn.

Cần sự hỗ trợ

Tại cửa Sào Lưới, một cửa biển lớn của xã Nguyễn Việt Khái, anh Võ Văn Linh, Phó Trưởng Ban nhân dân ấp, đưa chúng tôi đến một xóm có 42 hộ dân cất nhà trong khu vực đê biển Tây, trong đó có 15 hộ nghèo và 10 hộ cận nghèo. Những căn nhà cũ kỹ, xuống cấp nghiêm trọng nằm trong xóm mà người ta vẫn hay gọi là “xóm đảo”.

Sở dĩ có tên gọi đó là do khu này nằm tách biệt, chơi vơi ngay cửa biển. Khi được hỏi về tình hình cuộc sống nơi đây, người phụ nữ có tên Bảnh, than thở: “Cuộc sống người dân ở đây khổ lắm cháu ơi, đi biển bây giờ không khá như lúc trước nữa, hết con nước thì quay vào bờ làm mướn cho người khác, mong kiếm được 2 bữa cơm”.

Điều cần nhất đối với ngư dân xã Nguyễn Việt Khái lúc này chính là sự hỗ trợ từ nhiều phía. Ngư dân không đủ khả năng mua phương tiện đánh bắt xa bờ nên thường đánh bắt vi phạm khu vực cấm (từ bờ ra 6 hải lý), rồi nhiều lần bị bắt, xử phạt nên nghèo lại hoàn nghèo.

Vì vậy, họ rất cần một chính sách hỗ trợ về vốn, cũng như thành lập nghiệp đoàn đánh bắt hải sản để có thể hỗ trợ lẫn nhau trong nghề nghiệp cũng như đời sống.

Bên cạnh đó, ngành chức năng cần sớm xây dựng khu tái định cư để di dời ngư dân sống trên khu vực đê biển Tây đến nơi an toàn, nhất là trong lúc diễn biến của khí hậu ngày càng phức tạp như hiện nay, từ đó giúp họ yên tâm bám biển.

Quách Nguyên

Báo Cà Mau

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!