T2, 06/07/2020 10:22

Người câu mực đại dương trước nguy cơ giải nghệ

Chưa có đánh giá về bài viết

Nghề câu mực khơi đang gặp nhiều bất lợi về nhiên liệu, giá cả bấp bênh; ngư dân đối diện nguy cơ giải nghệ.

Đã qua thời hoàng kim

Năm 2010, Núi Thành là huyện có nghề câu mực khơi phát triển mạnh nhất tỉnh Quảng Nam, với đội tàu gần 100 chiếc, chiếm trên 90% số tàu câu mực của tỉnh, tổng công suất trên 15.000 CV, giải quyết việc làm cho hơn 2.000 lao động. Đầu năm 2013, số tàu trong toàn tỉnh giảm còn 80 chiếc, giá mực giảm còn 60.000 – 80.000 đồng/kg, chỉ bằng 1/2 so năm 2011.

Tại TP Đà Nẵng, từ năm 1999 – 2002, nghề câu mực đại dương được xem là thời hoàng kim, với trên 200 tàu; nhưng đến đầu năm 2013, đội tàu câu mực chỉ còn 6 chiếc, phần lớn ngư dân đã bán tàu; giá mua gom mực khô quá bấp bênh, từ 150.000 đồng/kg, nay chỉ còn 60.000 đồng/kg, phụ thuộc rất nhiều vào thương lái. Cùng đó, chi phí mỗi chuyến biển của tàu câu mực cao 300 – 700 triệu đồng; chỉ cần 1 – 2 chuyến biển lỗ vốn, chủ tàu đã phải tính bán nhà, bán tàu trả nợ.

Ngư dân Quảng Ngãi hành nghề câu mực – Ảnh: Huy Hùng

Theo nhiều ngư dân làm nghề câu mực, so những ngành nghề như lưới vây, giã cào thì nghề câu mực cần đội ngũ thuyền viên lớn (trên 30 người), cùng với đầu tư tiền, tổn phí cao, do mỗi chuyến ra khơi kéo dài hơn hai tháng, rất khó tìm được bạn câu khi vào chính vụ. Nghề câu mực đại dương cũng chịu tác động từ những bất lợi về thời tiết, sự quấy phá của tàu nước ngoài, giá nguyên liệu… Cùng đó, vấn đề thị trường cho sản phẩm cũng còn nhiều bất cập.

 

Không dễ chuyển đổi nghề

Ông Phan Huy Hoàng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Ngãi cho biết, các năm trước, người dân Trung Quốc không làm nghề câu mực, nên mua hàng của ngư dân Việt Nam nhiều; nhưng năm nay họ cũng đầu tư câu mực, nên giảm hoặc không mua nữa, ngư dân đang rơi vào cảnh khó khăn. Nhiều người phải bán tàu, giải nghệ hoặc chuyển sang nghề khác. Tuy nhiên, việc chuyển đổi nghề khai thác vẫn đang là bài toán khó, bởi chi phí cải hoán tàu mới rất tốn kém (về ngư cụ, cải thiện tàu…). Không chỉ vậy, một tàu câu mực chuyển sang nghề khác thì khoảng 15 lao động thất nghiệp, bởi các nghề khác chỉ cần 10 – 20 lao động một thuyền. Điều quan trọng chính là đầu ra sản phẩm, rất cần những biện pháp hữu hiệu để sản phẩm thủy sản không phụ thuộc quá nhiều vào thị trường nước ngoài, tránh tình trạng giảm giá, ép giá, khiến ngư dân thua lỗ, không còn thiết tha với nghề đi biển vốn rất gian nguy này.

Đã có nhiều chính sách bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tạo thu nhập cho dân. Tuy nhiên, việc chuyển đổi nghề giúp ngư dân ổn định cuộc sống rất cần sự vào cuộc của toàn xã hội, nhất là nguồn kinh phí, đồng thời cần tính toán phù hợp từng đối tượng, ngành nghề.

>> Theo ông Nguyễn Văn Giỏi, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và BVNLTS Quảng Nam, nhiều tàu thuyền ngưng ra biển đồng nghĩa hàng ngàn lao động không việc làm, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống ngư dân, nên càng cần những giải pháp thiết thực.

Phương Chi

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!