Người dân Bạc Liêu liên kết đánh bắt thủy sản xa bờ

Chưa có đánh giá về bài viết

Bạc Liêu, từ lâu nổi tiếng ở đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) và cả nước với nghề nuôi trồng, đánh bắt thủy sản xa bờ. Tỉnh hiện có đội tàu đánh bắt thủy sản hơn 1.150 chiếc, tổng công suất gần 127.000 CV, hằng năm khai thác hơn 100 nghìn tấn thủy sản các loại. Thời gian gần đây nhiều hộ ngư dân đã năng động, sáng tạo trong khai thác, nhất là liên kết thành lập nhiều tổ hậu cần nghề cá, đem lại hiệu quả…

Chủ trương hợp lòng dân

Sau ba năm thực hiện Chỉ thị 02 của UBND tỉnh về việc liên kết thành lập tổ, đội khai thác thủy sản trên biển, đến nay, Bạc Liêu thành lập được 43 tổ khai thác hải sản gồm 274 chiếc tàu, với hơn 1.500 lao động. Số tàu gia nhập tổ, đội chiếm hơn 24% tổng số tàu trong toàn tỉnh. Mỗi tổ có từ ba chiếc tàu trở lên, theo tiêu chí cùng nghề, cùng ngư trường, cùng địa bàn cư trú, cùng họ hàng, dòng tộc hoặc bạn bè thân thích… Hiện nay, số tổ tàu hậu cần nghề cá này đang hoạt động hết công suất trong việc thu gom hàng hóa của các tàu khai thác mang vào bờ bán và tiếp tế nhiên liệu, ngư lưới cụ, lương thực thực phẩm cho các tàu tiếp tục bám biển khai thác, hạn chế phải vào bờ để bán sản phẩm, giảm tiêu hao nhiên liệu cho mỗi lần ra vào bến…

Đội tàu đánh bắt cá xa bờ ở Bạc Liêu.  

Việc làm nói trên của các tàu hậu cần nghề cá càng có ý nghĩa hơn khi thời gian qua, chi phí cho các chuyến đi đánh bắt thủy sản ngoài khơi xa liên tục tăng giá, nhất là xăng, dầu, nước đá…; trong khi đó, sản phẩm đánh bắt được không tăng, hoặc có tăng cũng không tương xứng giá xăng, dầu. Vì vậy, việc các hộ ngư dân trong tỉnh liên kết thành lập các tổ hậu cần nghề cá là rất cần thiết, không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, mà còn giúp các hộ ngư dân có thêm cơ hội đoàn kết, gắn bó, thương yêu, đùm bọc giúp đỡ nhau trong quá trình đánh bắt thủy sản ngoài đại dương, góp phần bảo vệ chủ quyền vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc…

 

Niềm vui và mong muốn của ngư dân

Ông Hồ Ngọc Thuận, chủ bốn chiếc tàu cào đôi (phường Nhà Mát, TP Bạc Liêu) cho rằng: Ðánh bắt thủy sản xa bờ là một trong những nghề vô cùng vất vả. Với những người chuyên sống bằng nghề đánh bắt trên biển, giữa trùng khơi mênh mông, không ít lúc hiểm nguy do sóng to, gió lớn bất ngờ ập đến, nhiều khi đe dọa đến sinh mạng. Vì vậy, nếu không yêu nghề, yêu biển thì không thể bám nghề này mãi được. Ðáng chú ý, những người làm nghề đánh bắt thủy sản xa bờ như chúng tôi phải có tinh thần đoàn kết, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau như anh em ruột thịt. Tuy nhiên, nhiều năm qua, các tàu cá xa bờ của ngư dân trong tỉnh chưa thật sự gắn kết, hợp tác chặt chẽ với nhau, vẫn mạnh ai người ấy làm, cho nên hiệu quả kinh tế chưa cao, nhất là không có điều kiện tương trợ, giúp nhau lúc gặp sự cố. Ðáng mừng là, ba năm qua, tỉnh có chủ trương và vận động bà con liên kết, thành lập tổ hợp tác, tổ hậu cần nghề cá, cho nên ngư dân tụi tôi cảm thấy vui hơn. Việc làm này không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cao, mà có ra đánh bắt xa bờ cũng thấy yên tâm hơn… Anh Dương Văn Ngoan, Trạm trưởng Trạm Kiểm soát Biên phòng phường Nhà Mát (TP Bạc Liêu) nhận xét: Ba năm qua, nhiều hộ dân ở đây thực hiện liên kết thành lập các tổ, đội hậu cần nghề cá đem lại hiệu quả thiết thực. Tại cửa biển này, từ đầu năm đến nay có gần 90% số tàu hoạt động thường xuyên, tình trạng tàu "nằm bờ" vì đánh bắt thua lỗ giảm hẳn so với các năm trước…

Rời cửa biển phường Nhà Mát (TP Bạc Liêu), chúng tôi đến cửa biển Gành Hào (huyện Ðông Hải), dài hơn 30 km trên tuyến đê biển mới được Trung ương và tỉnh đầu tư rải nhựa phẳng lỳ. Những ngày cuối tháng 5 này ở vùng Tây Nam bắt đầu vào mùa mưa bão. Gió tây thổi mạnh, mang theo hơi nước từ biển, mùi thơm lan tỏa từ hoa mắm, hoa đước thuộc cánh rừng phòng hộ ven biển xanh ngút ngàn. Gặp ông Bùi Công Bê, chủ của hai chiếc tàu cào đôi và là chủ vựa cá ở thị trấn Gành Hào, huyện Ðông Hải,  được ông cho biết: Trong điều kiện giá các mặt hàng đều tăng cao, nhất là xăng, dầu liên tục tăng, nếu cứ kêu than cũng chẳng giải quyết được gì. Thực tế cho thấy, các hộ ngư dân cứ đánh bắt theo kiểu nhỏ lẻ, đánh "du kích" và "ăn mảnh" (đánh bắt thủy sản ngoài khơi một mình) như trước thì không thể mang lại hiệu quả cao. Nhất là khi ở ngoài khơi xa, nếu không may gặp sự cố thì ngư dân khó có điều kiện tương trợ, cưu mang nhau. Vì vậy, việc liên kết thành lập tổ, đội khai thác thủy sản xa bờ và tổ hậu cần nghề cá là hết sức cần thiết, đáp ứng mong mỏi của nhiều ngư dân vùng biển này. Nhờ việc liên kết thành lập các tổ, đội đánh bắt thủy sản xa bờ, nhất là thành lập các tổ hậu cần nghề cá như thời gian gần đây, tính kỹ mỗi tàu cá đánh bắt xa bờ có thể giảm chi phí từ 15 đến 20 triệu đồng  trong một chuyến ra khơi. Nếu như trước đây, mỗi tàu cá chỉ đánh bắt khoảng từ 15 đến 20 ngày phải vào bờ lấy nhiên liệu (dầu) và nước đá, lương thực, bán sản phẩm thì nay mỗi tàu có thể đánh bắt liên tục ngoài khơi xa từ 30 đến 40 ngày. Bằng cách này đã giảm chi phí rất lớn, đem lại hiệu quả cao hơn…

Ðến cửa biển Gành Hào những ngày cuối tháng 5, chúng tôi ghi nhận những thuyền viên nơi đây, ai cũng háo hức, hy vọng vào chuyến đi biển mới. Mỗi người một việc, người thì lấy nước đá, người thì bơm dầu, xếp lưới và chuẩn bị những nhu yếu phẩm. Ai nấy đều tất bật, hứng khởi, chuẩn bị cho một chuyến biển thuận buồm xuôi gió… Trò chuyện với chúng tôi, anh Lâm Hoàng Tân, ở thị trấn Gành Hào (huyện Ðông Hải) cho biết, năm nay anh 42 tuổi thì đã có 28 năm sống bằng nghề ngư phủ (thuyền viên). "Nhiều lúc nhớ nhà, nhớ vợ con lắm, nhưng đi biển quen rồi, xa biển vài ngày mình cảm thấy không chịu nổi. Nếu không có tấm lòng yêu nghề, yêu biển thì chắc có lẽ tôi và nhiều anh em ngư dân nơi đây đã bỏ nghề lâu rồi" – anh Tân bộc bạch.

Ông Lê Ðồng Dương, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Bạc Liêu cho biết: Toàn tỉnh hiện có hơn 1.200 tàu cá, gần 7.000 người chuyên lao động bằng nghề đánh bắt thủy sản, mỗi năm đã đem về cho quê hương hơn 96 nghìn 500 tấn hải sản các loại. Ngoài ra, còn hàng nghìn người chủ yếu sống bằng nghề dịch vụ hậu cần biển. Ðối với ngư dân, biển và nghề đánh bắt thủy sản ngoài khơi gắn bó máu thịt, cho nên họ yêu mến, thiết tha với biển. Tuy nhiên, theo các ngư dân, thu nhập của những người sống bằng nghề biển thực tế chưa cao, chưa tương xứng với công sức, sự vất vả mà ngư dân bỏ ra. Ðáng lưu ý, nhiều ngư phủ và tài công (lái tàu) phần lớn chưa được đào tạo, bồi dưỡng bài bản về kiến thức, chuyên môn nghề đi biển, mà chủ yếu anh em tự học hỏi và rút ra từ kinh nghiệm thực tiễn…

Mục tiêu phấn đấu của Bạc Liêu đến năm 2020, đạt tổng sản lượng thủy sản 334 nghìn tấn, tăng 100 nghìn tấn so với năm 2011, trong đó, sản lượng khai thác đánh bắt thủy sản ngoài khơi 120 nghìn tấn. Tỉnh phấn đấu bình quân tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2012-2015 đạt từ 13 đến 14%, đạt giá trị kim ngạch xuất khẩu từ 250 đến 300 triệu USD, chiếm khoảng 50% kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh. Ðể đạt mục tiêu này, Bạc Liêu cần chú trọng hơn việc phát triển mô hình hợp tác liên kết, thành lập thêm nhiều tổ, đội tàu đánh bắt xa bờ; tổ, đội hậu cần nghề cá thành những tổ khai thác để đi dài ngày hơn, đi xa hơn. Ðồng thời, để tiếp thêm sức mạnh vật chất cũng như tinh thần cho các đội tàu đánh bắt xa bờ, tỉnh và Trung ương cần quan tâm, đầu tư, hỗ trợ vốn để đóng tàu, trang bị máy móc công suất lớn, ngư cụ hiện đại hơn để ngư dân yên tâm đi biển dài ngày, khai thác hiệu quả nguồn lợi, góp phần bảo vệ chủ quyền vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc…

Trọng Duy 

Theo Nhân Dân

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!