Phía sau rào tôn, pa nô, là những bãi cát mênh mông trong nắng. Tuy nhiên, “lớp băng” phủ lên các dự án đang tan. Đang dần hiện ra một khu du lịch xứng tầm quốc tế…
Đặt chân xuống Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh, chúng tôi ngạc nhiên thấy sân bay đông nghẹt khách. Đang mùa hè, chủ yếu khách du lịch. Rất đông người Tây.
Sân bay Cam Ranh vốn được dùng cho quân sự, năm 2004 mới đón chuyến bay dân sự đầu tiên. Giữa năm 2007, sân bay này được nâng cấp thành cảng hàng không quốc tế, lượng khách qua lại tăng vọt. Một hướng dẫn viên du lịch cho biết, hiện sân bay Cam Ranh đã có đường bay thẳng đến Nga, Hàn Quốc, đứng đầu cả nước về diện tích, đứng thứ tư về công suất vận chuyển hành khách.
…Ngồi xe du lịch bảy chỗ vi vút về phía thành phố Nha Trang, chúng tôi ngỡ ngàng thấy bán đảo hoang sơ ngày nào giờ đã có cả hệ thống cơ sở hạ tầng quy củ, đồng bộ, với trục chính là đại lộ Nguyễn Tất Thành có giải phân cách giữa bát ngát vườn hoa.
Một chuyện nữa gây ấn tượng mạnh không kém, nhưng theo hướng ngược lại. Đó là rất nhiều dự án khu du lịch, khu nghỉ dưỡng dọc đại lộ Nguyễn Tất Thành đã quây rào tôn, dựng pa nô, và… chỉ có vậy. Phía sau rào tôn, pa nô, là những bãi cát và triền cây dại mênh mông.
Xe chúng tôi rẽ xuống Bãi Dài, thuộc xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm. Từ Bãi Dài, chúng tôi băng ngang bán đảo, thăm đầm Thủy Triều. Núi non đầm phá vẫn thơ mộng, làng mạc đông đúc hơn xưa. Tuy nhiên, đất khô cằn cát trắng có lẽ phù hợp ngành công nghiệp không khói hơn là trồng trọt. Hầu hết các dự án đều hướng ra biển, nhờ đó phía đầm Thủy Triều vẫn còn nguyên những vườn xoài cổ thụ.
Bãi Dài, khi chiều về
Một người bạn trong chúng tôi là dân Nha Trang kể: Từ khi có đại lộ Nguyễn Tất Thành, khoảng cách giữa cảng hàng không Cam Ranh và thành phố Nha Trang rút ngắn còn 30km. Cơ sở hạ tầng tốt cộng với điều kiện tự nhiên phù hợp phát triển du lịch tạo ra sức hút lớn với các nhà đầu tư. Chỉ trong vài năm, hàng loạt dự án lớn được cấp phép, giao đất. Tiếc rằng đúng lúc khủng hoảng kinh tế, các nhà đầu tư “án binh bất động”.
Những dự án vẫn đang “ngủ quên” trên cát
Hôm sau từ Nha Trang, tôi quay lại Cam Ranh. Tại trụ sở UBND huyện Cam Lâm ẩn giữa rừng xoài cổ thụ, Chủ tịch huyện Nguyễn Thị Thạnh giải đáp vì sao hàng loạt dự án chưa thể khởi động: “Ngoài chuyện kinh tế suy thoái, việc giải phóng mặt bằng đang gặp ít nhiều khó khăn. Sau khi cơ sở hạ tầng được Nhà nước xây dựng, vùng vốn hoang vu này bỗng lên cơn sốt. Dân mình hay sốt ruột. Nhà đầu tư chậm rót vốn, chậm nhận tiền bồi thường, người ta phản ứng. Nhà đầu tư có tiền, đẩy nhanh tiến độ, người ta cũng phản ứng, cho rằng giá đất thị trường lên mà giá đất nhà đầu tư không trả lên theo”. Nữ Chủ tịch nhấn mạnh: “Có một vấn đề người dân đang hiểu nhầm, đó là họ có thể thương lượng với chủ đầu tư. Ở đây, Nhà nước bồi thường giải phóng mặt bằng và giao đất sạch cho chủ đầu tư. Phần chênh lệch giữa giá giao và giá đền bù đất, Nhà nước dùng để bù đắp kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng mà chính người dân được hưởng lợi rất nhiều từ việc phát triển này “.
Tò mò ghé thăm một trong số rất ít dự án đang khởi động với khá nhiều xe, máy chạy đi, chạy lại. Đó là dự án khu đô thị Goldel Bay của nhà đầu tư Hưng Thịnh. Hỏi bài toán vốn trong thời điểm khó khăn này, đại diện chủ đầu tư, ông Lê Trọng Khương cho biết: “Dự án Goldel Bay có diện tích 79 ha. Hưng Thịnh đã ký quỹ và nộp ứng trước tiền chuyển quyền sử dụng đất vào Ngân sách tỉnh, đồng thời ứng vốn thi công Khu dân cư – tái định cư trong diện giải phóng mặt bằng của dự án. Dù còn nhiều khó khăn, Hưng Thịnh sẽ cố gắng thực hiện dự án đúng tiến độ”. Về giải phóng mặt bằng, ông Khương cho biết: “Trên nguyên tắc, chúng tôi được nhận đất sạch, không tham gia bồi thường giải phóng mặt bằng; tuy nhiên, thông qua chính quyền địa phương, chúng tôi đã và đang hỗ trợ thêm cho những người bị ảnh hưởng bởi dự án”.
Nơi tôi đến tiếp theo là Ban quản lý dự án bán đảo Cam Ranh. Trưởng ban Nguyễn Ngọc Loan phấn khởi thông báo “lớp băng” phủ lên các dự án đang tan dần. Trong tổng số hơn 30 nhà đầu tư đã được giao đất, hiện có bảy dự án bắt đầu triển khai xây dựng, như dự án khu nghỉ dưỡng của nhà đầu tư Sao Phương Nam, dự án khu nghỉ dưỡng của nhà đầu tư Vinh Quang, dự án khu đô thị Golden Bay của chủ đầu tư Hưng Thịnh…
Về công tác giải phóng mặt bằng, ông Loan khẳng định: “Tỉnh Khánh Hòa và huyện Cam Lâm không ngại đối thoại, giải thích chính sách, pháp luật tới người dân. Bên cạnh đó chính quyền địa phương sẽ cương quyết áp dụng các biện pháp đã được pháp luật quy định, không để chậm tiến độ giao đất cho các chủ đầu tư”.
Được hỏi khi nào bán đảo Cam Ranh có thể đón khách du lịch, ông Loan thoáng chút đắn đo, rồi nhận định: “Cuối năm nay hoặc đầu năm sau, có thể sẽ có hai khu nghỉ dưỡng cao cấp bắt đầu đón khách. Chúng tôi tin tưởng khi nền kinh tế hồi phục, các dự án ào ạt triển khai, Cam Ranh sẽ nổi tiếng không chỉ bởi có hải cảng tuyệt hảo, mà còn có một khu du lịch, nghỉ dưỡng xứng tầm quốc tế”.