(TSVN) – Theo ông Qu Dongyu, Tổng giám đốc Tổ chức Nông lương Thế giới (FAO), các chính phủ thế giới phải đón nhận sự đổi mới và công bằng nếu ngành nuôi trồng thủy sản (NTTS) toàn cầu phát triển bền vững và trở thành một ngành lương thực bao trùm.
Ông Dongyu phát biểu tại Hội nghị Toàn cầu về NTTS Millenium + 20 gần đây tại Thượng Hải, Trung Quốc, rằng NTTS hiện là ngành nông sản phát triển nhanh nhất, đặc biệt là ở châu Phi, châu Á, châu Mỹ Latinh và Caribe. Đây là những nơi có “tiềm năng rất lớn để mở rộng hơn nữa”.
“Sản lượng NTTS sẽ tiếp tục tăng trưởng, nhưng lợi ích của sự tăng trưởng này phải được phân bổ đều và công bằng”, ông Dongyu nói.
Hội nghị này được tổ chức lần thứ tư bởi FAO và Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc, kết hợp cùng mạng lưới các Trung tâm NTTS ở châu Á – Thái Bình Dương (NACA), với sự tham gia của các nhà lãnh đạo ngành thủy sản toàn cầu và đại diện các chính phủ.
Thảo luận tại hội nghị, các lãnh đạo bàn về canh tác truyền thống trong các cộng đồng “dễ bị tổn thương” và các công nghệ tiên tiến về đổi mới, nguồn gen, an toàn sinh học, các khía cạnh xã hội và con người trong NTTS, chuỗi giá trị và tiếp cận thị trường.
Ông Qu Dongyu, Tổng giám đốc Tổ chức Nông lương Thế giới (FAO). Ảnh: FAO
Cơ quan này ước tính mức tiêu thụ thủy sản toàn cầu hiện tại đã tăng 122% trong vòng 31 năm qua, NTTS hiện chiếm hơn 50%. FAO ước tính tỷ trọng tiêu thụ thủy sản toàn cầu của ngành NTTS có thể tăng lên 60% vào năm 2031.
“Tuy nhiên, tác động của khủng hoảng khí hậu và gián đoạn sản xuất và tiêu dùng do đại dịch COVID-19 gây ra đã tạo ra nhiều thách thức đối với tốc độ tăng trưởng và mở rộng của ngành này”, FAO viết trong một thông cáo báo chí.
Những người tham gia hội nghị được kỳ vọng sẽ tạo ra “Tuyên bố Thượng Hải”, sẽ định hình tương lai của ngành NTTS và tìm cách tối ưu hóa đóng góp của ngành vào các hệ thống nông sản toàn cầu phù hợp với Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững của Liên hợp quốc.
“Khung chiến lược của FAO dựa trên các nguyên tắc “4 tốt hơn”: sản xuất tốt hơn, dinh dưỡng tốt hơn, môi trường tốt hơn và cuộc sống tốt hơn cho tất cả mọi người”, ông Dongyu nói. Ông cũng cho biết “Tuyên bố Thượng Hải” là một lời kêu gọi hành động toàn cầu.
Hiện tại, FAO đang thực hiện Khung chiến lược mới 2022 – 2031 trong chương trình ưu tiên Chuyển đổi Xanh nhằm hỗ trợ tăng trưởng ngành NTTS toàn cầu từ 35 – 40% vào cuối năm 2030.
Ông Dongyu khẳng định: “NTTS đã đóng một vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ sinh kế cho con người, điều đó có nghĩa là mọi nỗ lực và hành động của chúng ta phải tập trung vào tất cả mọi người, ở khắp mọi nơi, để chấm dứt nạn đói và nghèo, để không ai bị bỏ lại phía sau”.
Hội nghị tại Thượng Hải diễn ra vào thời điểm FAO đang kỷ niệm thành tích của ngành NTTS toàn cầu với kỷ lục sản xuất đạt 114,5 triệu tấn vào năm 2018, với tổng giá trị (ghi nhận tại các trang trại) đạt 263,6 tỷ USD (226,3 tỷ EUR).