(TSVN) – Trong khi phần lớn các trang trại nuôi tôm của Ấn Độ nằm ở các bang ven biển phía Nam của đất nước, người nông dân Amanleen Singh đã nhìn thấy cơ hội ở quê hương phía Bắc Ấn Độ, vùng Punjabi của Mansa, cách biển 1.500 km.
Ông Amanleen Singh cho biết: “Mặc dù không gần với bờ biển, nhưng chúng tôi vẫn có thể tiếp cận với nước mặn bằng cách khoan sâu xuống 110 feet. Chúng tôi có thể lấy được nước ngầm với độ mặn 10 ppt, rất lý tưởng cho tôm phát triển và bởi vì nó đến từ dưới lòng đất nên không mang mầm bệnh”. Điều này giảm thiểu đáng kể mối đe dọa từ mầm bệnh, là một lợi thế lớn đối với nông dân ở Punjab và cũng lý do khiến bang này và các bang láng giềng phía Bắc đang trong giai đoạn bùng nổ các mô hình nuôi tôm mini. “Punjab, Rajasthan và Haryana có thể chỉ chiếm 2% sản lượng tôm của Ấn Độ vào lúc này, nhưng sản lượng của 3 bang đang tăng 30% mỗi năm”, ông Singh giải thích.
Vị trí phía Bắc cũng hạn chế khả năng tiếp cận thị trường do quá xa trung tâm nuôi tôm của đất nước. Ông Singh cho biết: “Không có nhà máy thức ăn chăn nuôi nào ở đây, vì vậy chúng tôi phải tìm nguồn cung cấp thức ăn từ miền Nam, điều này khiến giá thành đắt hơn khoảng 10%”. Nhưng rủi ro bùng phát dịch bệnh tương đối thấp nên ông sẵn sàng nuôi tôm lâu hơn để có được giá tốt hơn. “Chúng tôi có thể giúp trang trải chi phí hoạt động bằng cách nuôi tôm cỡ lớn khoảng 30 con/kg với mô hình sản xuất mật độ thấp”, ông nói.
Ông Amanleen Singh bắt đầu nuôi tôm từ năm 2017. Ảnh: NVCC
Nằm ở rất xa về phía Bắc của xích đạo, với mùa sinh trưởng kéo dài từ tháng 3 đến tháng 10, Amanleen Singh cũng giới hạn việc sản xuất 1 vụ tôm/năm, trong khi hầu hết nông dân miền Nam có thể quản lý 2 vụ. Ông Singh chia sẻ điều này sẽ làm tăng rủi ro cho trang trại vì nếu một vụ mùa thất bát, trang trại cần đợi thêm một năm nữa để có thể hy vọng thu lại khoản lỗ. Tuy nhiên, với nền tảng kinh doanh của mình, ông Singh đang tìm cách tận dụng tối đa 8 tháng đó để khử trùng các ao trống và sửa chữa cơ sở hạ tầng cần thiết giữa các chu kỳ nuôi.
“Tôi đang tìm hiểu việc thiết lập một cơ sở chế biến trong trang trại, với mục đích bán tôm đông lạnh cho thị trường nội địa. Ấn Độ hiện xuất khẩu 95% TTCT và thị trường nội địa thì rất lớn. Chúng tôi có dân số chỉ đứng sau Trung Quốc và nhu cầu về thủy sản đang tăng lên, tuy nhiên chúng tôi phải đảm bảo trang trại có thể sản xuất ra tôm chất lượng tốt”, ông nói. Nếu dự án thử nghiệm thành công, Amanleen Singh hy vọng có thể mở rộng để có thể hoạt động như một trung tâm chế biến cho tất cả những người nuôi tôm trong khu vực xung quanh.
Tuy nhìn thấy cơ hội lớn cho các nông dân khác theo bước chân của ông và bắt đầu nuôi tôm ở các vùng nông thôn phía Bắc Ấn Độ, nhưng Amanleen Singh thừa nhận rằng phải mất khá nhiều công sức để thành lập được trang trại và thuyết phục người dân địa phương. “Khi tôi mới đến, nhiều người dân địa phương đã nghi ngờ về việc thành lập một trại nuôi tôm. Phải mất một thời gian để mọi người có thể chấp nhận, giờ đây cộng đồng đã nhìn thấy được những lợi ích khi trang trại sử dụng lao động và cung cấp nguồn tôm ổn định cho các chủ cửa hàng địa phương”, ông Singh giải thích. Trong khi đó, vào cuối mỗi chu kỳ, nước thải được chuyển ra ngoài để tưới cho các cánh đồng lúa mì và bông của nông dân lân cận. Theo ông Singh, mặc dù nước mặn nhưng vẫn giúp những người nông dân tăng năng suất.
Trong năm đầu tiên, ông Singh đã đào 2 ao và kể từ đó, ông đã mở rộng lên 7 ao, trải rộng trên 7 mẫu Anh. Hiện trang trại có thể sản xuất khoảng 30 tấn tôm/năm. Theo ông Singh, chi phí sản xuất ban đầu khoảng 1 triệu INR/mẫu Anh, bao gồm việc đào ao và mua các thiết bị cần thiết như máy sục khí và lắp đặt các lỗ khoan. Tuy nhiên, ông đã được Chính phủ trợ cấp 50%. Điều này cho phép những người nông dân thanh toán chi phí khởi nghiệp và có thể thu lợi nhuận từ vụ nuôi thứ 2. Khoản trợ cấp cũng giúp ông mở rộng trang trại mà không cần đầu tư từ bên ngoài và hiện ông có 7 ao nuôi/7 ha và sử dụng 10 lao động trong một hệ thống sản xuất bán thâm canh.
Hiện nhiều công việc hàng ngày của trang trại đang được thực hiện mà không có sự hỗ trợ của công nghệ – không có kết nối internet, tôm được cho ăn bằng tay và cần phải có người túc trực suốt đêm để chạy máy phát điện dự phòng trong trường hợp bị cắt điện. Tuy nhiên, ông Singh cho rằng việc mang lại một triển vọng mới và các kỹ năng cần thiết cho ngành tôm miền Bắc Ấn Độ có thể dẫn đến những thành công mới.
Tuệ Nhi
Theo Thefishsite