T2, 06/07/2020 10:46

Người nặng lòng với con tôm

Chưa có đánh giá về bài viết

Vinhthinh Biostadt là công ty liên doanh, hoạt động lâu năm trên thị trường với hai lĩnh vực chính là nông nghiệp và thủy sản. Nhân dịp Xuân về, hãy cùng nghe ông Nguyễn Trần Nghiêm Cung (ảnh), Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty “bật mí” về những điểm mạnh và yếu trong sản xuất tôm của Việt Nam hiện nay.

Hiện nay, Việt Nam được được coi là một trong những nước sản xuất tôm lớn của thế giới, tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, nội tại vẫn chứa nhiều sự bất ổn, cả về quản lý, về sản xuất… Dưới góc nhìn của mình, ý kiến của ông về điều này như thế nào?

Tất cả những ý kiến này tôi thấy đều đúng và điều quan trọng nhất là chúng ta phải tạo cho được giải pháp tổng hợp mạnh mẽ cho cả về vấn đề quản lý nhà nước và sản xuất của người dân theo hướng phát triển bền vững. Có thể nói năm 2013, so với một số nước sản xuất tôm lớn trên thế giới thì ngành tôm Việt Nam tạm gọi là thành công. Sự thành công này có thể khẳng định nó bắt nguồn từ người dân là chính yếu nhất, bởi họ đã trăn trở, mạo hiểm và chiến đấu với dịch bệnh EMS nhằm bảo vệ ao tôm của mình tồn tại vì sinh kế, tóm lại họ không có nghề hay sự lựa chọn nào khác. Nên kết quả này rất đáng trân trọng và người dân, họ xứng đáng được hưởng lợi nhuận thật cao như hiện này.  

Con tôm thời điểm này đang đạt được đỉnh cao về giá, kỷ lục trong hơn 10 năm trở lại đây, theo ông, niềm vui này sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới?

Theo tôi, trong khoảng hai năm tới kết quả này sẽ vẫn rất khả quan, bởi nhu cầu tiêu thụ không giảm trong khi ngành tôm thế giới vẫn chưa thoát hẳn khủng hoảng do dịch bệnh. Nếu người dân tập trung áp dụng những kinh nghiệm tốt vừa qua kết hợp giải pháp mới trong sản xuất thì chắc chắn kết quả vẫn sẽ rất tốt. Tuy nhiên, chúng ta cần lưu ý là với lợi nhuận do giá cao như hiện nay, tất cả mọi người đổ xô nuôi tôm thì nguy cơ rủi ro do dịch bệnh, ô nhiễm, chất lượng đầu vào của con giống, sản phẩm, thức ăn… là vấn đề cần xem xét hết sức quyết liệt bằng việc nhà nước tăng cường quản lý và kiểm soát. Với người nuôi, tình hình hiện nay thì hướng đầu tư vào chất lượng đầu vào từ con giống, thức ăn, chế phẩm vì tăng chi phí không cao so với lợi nhuận thu về. Khi tình hình tôm thế giới ổn định, sản lượng lớn, giá tôm giảm, lợi nhuận ít thì lúc này nên tập trung vào quản lý chi phí để đảm bảo có lợi nhuận.

 

Năm vừa qua đánh dấu sự phát triển vượt bậc của con tôm thẻ chân trắng. Tuy nhiên, việc nở rộ này còn gây nhiều lo ngại, ý kiến của ông như thế nào?

Theo tôi, chúng ta nên nhìn ở góc độ nhu cầu thị trường, thị trường cần gì thì chúng ta nên sản xuất cái đó, mọi điều chúng ta làm đều xuất phát từ lợi ích thực tế của người dân, không dựa trên mơ hồ thiếu cơ sở thực tiễn và khoa học. Việc tranh luận giữa nuôi sú hay thẻ đã diễn ra rất lâu rồi, đến nay Nhà nước cũng đã có chủ trương cho nuôi tôm thẻ vì vậy trong hai năm tới đây làm sao có nhiều tôm để tranh thủ thu lợi nhuận khi giá tôm vẫn còn cao và nhà nuớc quản lý, kiểm soát được dịch bệnh.

Người nuôi tôm hiện nay vẫn chạy theo phong trào, ồ ạt mà chưa chú tâm phát triển sâu, ông có lời khuyên nào không?

Nhu cầu đó của người dân rất đời thường, họ muốn có lợi nhuận, muốn kiếm tiền nên việc chạy theo phong trào là hoàn toàn dễ hiểu. Điều này sẽ có hai mặt, một là về phía Nhà nước cần phải tăng cường quản lý quy hoạch, để người dân không nuôi tràn lan khi không có đầu tư cơ sở hạ tầng đi kèm, đồng thời cũng phải kiểm soát chặt hơn nữa chất lượng đầu vào, tôm giống, sản phẩm, thức ăn… Còn với người nuôi thì như tôi đã nói ở trên cần có chiến lược ưu tiên đầu tư và nhất thiết phải chọn thời điểm thả nuôi phù hợp, theo lịch thời vụ của nhà nước khuyến cáo.

 

Phương hướng phát triển của Vinhthinh Biostadt trong năm tới như thế nào? Và ông có mong muốn gì gửi tới ngành?

Năm tới, chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục gắn kết hoạt động cùng người nuôi như đã làm trong hai năm vừa qua. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ tăng cường hơn vấn đề hợp tác với các trại giống nhằm đưa các sản phẩm của Tập đoàn Zeigler Mỹ với ưu điểm chất lượng nổi tiếng thế giới và không mang mầm bệnh nhằm kiểm soát EMS ngay từ con giống. Ngoài ra, tập trung hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật, giới thiệu các giải pháp phòng bệnh từ các tập đoàn nổi tiếng của Mỹ như Novus® vào đối tượng tôm thẻ chân trắng, nhất là đồng bằng sông Cửu Long do kinh nghiệm nuôi thẻ ở khu vực này chưa cao.

Cá nhân tôi cho rằng, khủng hoảng EMS vừa qua ở góc độ nào đó đã làm cho cả nhà nước, doanh nghiệp và người nuôi rút ra nhiều bài học quý giá, giúp nâng cao nhận thức, tăng cường quản lý chất lượng… Và nên tận dụng cơ hội khi Việt Nam bước đầu khắc phục EMS để sản xuất nhiều tôm hơn, có lợi nhuận cao hơn cho tất cả mọi người. Mọi “nhà” cần tăng cường liên kết hơn nữa, hãy chọn đối tác thật sự có chất lượng, uy tin, có định hướng lâu dài, gắn kết với nhau để cùng thực hiện ước mơ làm giàu chính đáng và bền vững.

Nhân dịp năm mới, xin chúc tất cả bà con một năm thật nhiều sức khỏe, tràn đầy hạnh phúc và một mùa tôm thành công!

>> “Thị trường cần gì thì chúng ta nên sản xuất cái đó, mọi điều chúng ta làm đều xuất phát từ lợi ích thực tế của người dân”.

Hồng Hà

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!