T2, 06/07/2020 10:03

Người nuôi thủy sản lao đao vì… giá

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Hiện nay, thủy sản nội địa đang đứng trước nhiều khó khăn như dịch bệnh hoành hành, thiếu vốn, xuất hiện nhiều tin đồn… dẫn đến tình trạng rớt giá. Không còn nghịch lý được mùa – mất giá hay được giá – mất mùa, nay được mùa hay mất mùa thì giá vẫn… giảm.

Chờ đợi khi đã… trắng tay

Sau đợt dịch bệnh, tưởng rằng tôm thẻ chân trắng sẽ hút hàng với giá khá cao vì nguồn nguyên liệu khan hiếm trong thời gian dài. Tuy nhiên, trái với quy luật đó, TTCT đang rớt giá thê thảm dù các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản đều than thiếu nguyên liệu. Nếu trước Tết, 1 kg TTCT (100 con) có giá khoảng 110 – 120 ngàn đồng/kg, nay dừng ở mức 78 ngàn đồng/kg. Trong khi đó giá thức ăn, nguyên liệu đầu vào ngày một tăng, người nuôi bị lỗ nặng. Dự báo, thị trường TTCT trong thời gian tới sẽ không mấy khả quan và người nuôi tôm sẽ trực tiếp bị ảnh hưởng bởi sự cạnh tranh giá giữa các nước trong khu vực.

Đối với cá tra, những người nuôi cá tra cũng rơi vào cảnh điêu đứng vì cá tồn và giá cá liên tục lao dốc, đã có lúc xuống 18.000 đồng/kg. Với giá này, người nuôi bị lỗ 5.000 – 6.000 đồng/kg. Nhiều hộ sau khi bán đổ bán tháo cá đã rơi vào cảnh nợ nần, treo ao.

Thủy sản đang rớt giá mạnh – Ảnh: Phan Thanh Cường

Cùng chung số phận, sau tin đồn nhiễm chất cấm Trifluralin, cá điêu hồng ĐBSCL lại dính tin đồn ăn cá bị bệnh, khiến thị trường mua bán cá vô cùng ảm đạm. Hiện, giá cá loại 1 chỉ còn 26.000 đồng/kg. Với mức giá này, người nuôi cầm chắc lỗ 2.000 đồng/kg.

Còn tại Khánh Hòa, sau dịch bệnh sữa xảy ra trên tôm hùm, người nuôi lại gặp phải khó khăn khác khi giá tôm liên tục giảm. Đến thời điểm này, giá tôm hùm chỉ còn 800 nghìn đồng/kg, giảm 1 triệu đồng/kg so với thời gian trước.

Như vậy, trong khi chờ đợi các cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra, minh oan hay chính sách hỗ trợ vốn từ trên xuống… thì một số hộ dân đã rơi vào cảnh trắng tay.

 

Giải pháp nào kịp thời?

Trước khó khăn chung của ngành tôm, nhiều doanh nghiệp đã liên kết để tạo ra những sản phẩm tôm xuất khẩu có chất lượng tốt – một mô hình hiệu quả trong thời điểm này. Bên cạnh đó, người nuôi tôm cũng cần phải thay đổi cách tiếp cận mới về nghề nuôi tôm như tuân thủ các quy định của cơ quan quản lý, lựa chọn phương pháp nuôi phù hợp, áp dụng các tiêu chuẩn mới để nâng cao chất lượng sản phẩm.

Đối với cá tra, để giúp doanh nghiệp chế biến và người nuôi cá, các cấp, ngành cần phải nhanh tay và quyết liệt vì nếu tình trạng này kéo dài, chi phí nuôi sẽ tăng cao và cá có thể quá lứa không tiêu thụ được. Giải pháp trước mắt là phải hỗ trợ vốn giúp doanh nghiệp có tiền thu mua cá và người nuôi quay vòng sản xuất.

Đối với cá điêu hồng, cơ quan chức năng cần vào cuộc kiểm tra, minh oan nhằm ổn định tâm lý cho người tiêu dùng, giúp cho giá cá tăng trở lại.

Tuy nhiên, về lâu dài, để nghề nuôi trồng thủy sản phát triển ổn định, yếu tố then chốt là thực hiện nghiêm túc việc phát triển vùng nuôi theo quy hoạch, các ngành chức năng cần tăng cường công tác kiểm soát chất lượng con giống, giám sát dịch bệnh, đào tạo, hướng dẫn kỹ thuật cho người nuôi. Mặt khác, ngành nông nghiệp cần sớm thành lập cơ quan thú y chuyên về thủy sản, thường xuyên theo dõi, phát hiện, khoanh vùng, điều trị kịp thời khi dịch bệnh xảy ra.

Hải Linh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!