Người nuôi tôm, cá chịu nhiều áp lực

Chưa có đánh giá về bài viết

Những tháng đầu năm 2012, người nuôi tôm, cá phải rất vất vả để chống chọi với nhiều khó khăn như thiếu vốn sản xuất, dịch bệnh tràn lan, giá sản phẩm tuột giảm dẫn đến thua lỗ. Thế nhưng, trong khi những thách thức này vẫn chưa vượt qua được thì trong những ngày gần đây, các doanh nghiệp sản xuất thức ăn thủy sản lại đồng loạt tăng giá bán khiến người nuôi tôm, cá “ngất ngư”.

Áp lực đè nặng người nuôi

Tại vùng nuôi tôm phía Đông của tỉnh Tiền Giang, hiện nay, tình trạng dịch bệnh trên tôm diễn biến phức tạp và mức độ thiệt hại cao hơn năm ngoái. Ông Nguyễn Văn Tuấn, xã Phú Đông, huyện Tân Phú Đông cho biết, những hộ nuôi tôm trong khu vực này hầu như mất trắng. Nếu như có 10 ao tôm thì có đến 9 ao tôm bị bệnh phải thu hoạch sớm, thậm chí ao tôm còn sót lại cũng sống ngoắc ngoải. Còn theo thống kê của ngành chức năng tỉnh Tiền Giang, đến thời điểm này, toàn tỉnh có 608,3 ha tôm bị thiệt hại, chiếm 35% diện tích thả nuôi.

Bên cạnh nỗi lo dịch bệnh, giá tôm nguyên liệu trong những ngày gần đây cũng liên tục sụt giảm khiến cho bà con nông dân càng thêm hoang mang. Ông Lê Văn Sang, xã Phước Trung, huyện Tân Phú Đông cho biết, trước đây giá tôm cao nên khi có lỡ bị bệnh phải thu hoạch sớm ở giai đoạn trên 60 ngày tuổi thì người nuôi tôm đã hoà vốn, thậm chí có hộ còn lời chút đỉnh. Với giá tôm hiện nay, nếu bị dính dịch bệnh coi như thua lỗ là điều chắc chắn.

Người nào may mắn nuôi tôm “về đích” thì lợi nhuận cũng không còn hấp dẫn như năm ngoái. Hiện nay, tôm sú loại 30 con/kg có giá 150 ngàn đồng/kg, tôm sú loại 40 con/kg giá 120 – 130 ngàn đồng/kg, tôm thẻ chân trắng loại 100 con/kg hiện tại chỉ có giá 70 – 76 ngàn đồng/kg. So với năm 2011, giá tôm giảm 50 – 70 ngàn đồng/kg, tính ra mỗi hecta người nuôi tôm giảm lợi nhuận trên dưới 300 triệu đồng.

Nông dân nuôi cá tra Nguyễn Văn Năm, xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè nói: “Hiện tôi đang lo sốt vó dù ao cá tra hơn 6.000 m2 của tôi mới được gần 5 tháng tuổi, bởi giá thành nuôi cá tra hiện nay khoảng 23 ngàn đồng/kg, trong khi cá liên tụt tuột giá trong mấy ngày qua. Hiện nay, cá tra loại tốt chỉ có giá 19 – 20 ngàn đồng/kg, chưa biết thời gian tới thế nào, nhưng khả năng giá tăng trở lại là rất khó. Ngoài ra, tôi còn e ngại tình trạng phải chịu lãi suất ngân hàng do doanh nghiệp chậm trả tiền mua cá và việc ép loại, ép cỡ cá của doanh nghiệp khi giá rẻ như hiện nay”.

Ông Năm cho biết, khi mua cá thường doanh nghiệp chỉ ứng thanh toán trước khoảng 50%, số còn lại thì trả chậm trong 1 – 3 tháng tùy theo thời điểm, uy tín của người nuôi. Ông Lê Chí Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản An Giang kết luận, dù chưa có những số liệu thống kê chính thức nhưng nếu tính luôn khoản bị doanh nghiệp “chiếm dụng” vốn thì người nuôi cá lỗ đến 5 ngàn đồng/kg.

 

Thêm thức ăn tăng giá

Theo phản ánh từ nhiều hộ nuôi cá, tôm trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, thức ăn nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng và cá tra của nhiều công ty tên tuổi đã đồng loạt tăng giá, điển hình như thức ăn UP, Tongwei, CP đã ra mức giá mới trong giữa tháng 6 vừa qua. Kết quả thống kê của Chi cục Thủy sản Tiền Giang cho thấy, từ đầu năm đến nay thức ăn thủy sản đã tăng 2 lần, mỗi lần 250 – 300 đồng/kg đối với thức ăn cá tra và 800 – 1.000 đồng/kg đối với thức ăn tôm. Hiện giá thức ăn cá tra phổ biến ở mức 10.500 – 11.000 đồng/kg; giá thức ăn tôm sú 35.500 – 37.000 đồng/kg; giá thức ăn tôm thẻ 27.500 – 28.500 đồng/kg.

Trước thông tin thức ăn tăng giá, người nuôi thủy sản chỉ biết lắc đầu ngao ngán. Ông Lê Văn Út, nông dân nuôi 2 ao cá tra ở cồn Tân Phong, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang cho biết, trong nghề nuôi cá tra, tiền mua thức ăn chiếm tới 70 – 80% giá thành sản xuất và chi phí cần để nuôi 01 hecta cá tra hiện nay khoảng 7 tỷ đồng. Do đó, giá thức ăn tăng là điều đáng lo nhất đối với những hộ nuôi riêng lẻ, bởi khó khăn sẽ chồng chất khó khăn. Trước tình trạng này, nhiều người nuôi cá sẽ không dám tiếp tục thả giống.

Đối với người nuôi tôm, thông tin tăng giá thức ăn cũng chẳng khác nào “sét đánh ngang mày”. Một nông dân nuôi tôm có tiếng ở xã Phú Thạnh, huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang nói như trách móc: “Hiện nay, hầu hết người nuôi tôm đều lâm vào tình cảnh vô cùng khó khăn do tôm chết hàng loạt, nông dân đứt vốn, các nhà khoa học vẫn chưa tìm được nguyên nhân để phòng trị bệnh hiệu quả, ngân hàng thì “đóng cửa” với người nuôi tôm… Trong thời điểm này, người nuôi tôm rất cần sự chia sẻ từ các doanh nghiệp sản xuất thức ăn về giá cả lẫn chính sách để vượt qua khó khăn. Thế mà, doanh nghiệp lại tăng giá thức ăn thủy sản đúng lúc khó khăn nhất, chẳng khác dồn nông dân vào bước đường cùng!”.

Ông Trường Lâm, phụ trách kinh doanh thức ăn cá tra khu vực tỉnh Tiền Giang của Công ty Cổ phần sản xuất thức ăn thủy sản Việt Thắng (Đồng Tháp) cho biết, từ đầu năm đến nay, Công ty Việt Thắng đã tăng giá thức ăn cá tra 2 lần với mức tăng mỗi lần 250 đồng/kg và có một lần giảm giá cũng với mức 250 đồng/kg. Tính chung từ đầu năm đến nay, thức ăn cá tra của Công ty Việt Thắng đã tăng 250 đồng/kg so với năm ngoái.

Theo chủ một đại lý thức ăn tôm ở xã Phước Trung, huyện Gò Công Đông, thời gian qua, giá thức ăn tôm liên tục lên, nào do giá nguyên liệu lên, xăng lên, tỷ giá ngoại tệ thay đổi. Thậm chí, trong năm 2011 khi nông dân trúng giá tôm, nhiều người đua nhau đào ao nuôi tôm thì giá thức ăn cũng lên do nguồn thức ăn khan hiếm. Nhưng có điều lạ là giá thức ăn lên rồi không giảm lại như cũ.

 

Cần chia sẻ khó khăn

Ông Trần Quốc Cường, Phụ trách kinh doanh thức ăn thủy sản của Công ty TNHH Một thành viên chăn nuôi Tiền Giang cho biết, hiện nay các loại nguyên liệu thức ăn thủy sản cung cấp đạm như bánh dầu đậu nành, bột xương thịt, Lysine, Methionin,… đều tăng khá mạnh so với thời gian trước, trong khi đó cũng có một số loại nguyên liệu giảm nhẹ nhưng loại này chiếm không nhiều trong thành phần thức ăn.

Do đó, cùng với sự gia tăng về chi phí nhiên liệu, vận chuyển, công lao động thì giá nguyên liệu cũng phần nào gây áp lực tăng giá thức ăn thủy sản lên doanh nghiệp. Tuy nhiên, do tình hình nuôi trồng thủy sản những tháng đầu năm của bà con nông dân gặp nhiều khó khăn, giá tôm, cá nguyên liệu lại sụt giảm nên Công ty chủ trương vẫn giữ nguyên mức giá từ năm ngoái đến nay để chia sẻ khó khăn với nông dân.

Một vị lãnh đạo doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Tiền Giang nhận định: Từ đầu năm đến nay giá thức ăn thủy sản chủ yếu tăng tại các doanh nghiệp nước ngoài, bởi họ chiếm đến 80% thị phần thức ăn chăn nuôi Việt Nam. Còn đối với các doanh nghiệp sản xuất thức ăn trong nước thì giá ổn định và mức giá thức ăn cũng thấp hơn nhiều so với các công ty ngoại.

Đồng ý rằng kinh doanh là kiếm lời, thậm chí là lãi cao, nhưng người nuôi tôm, cá là khách hàng đồng hành với doanh nghiệp sản xuất thức ăn thủy sản. Nếu họ “chết”, ao nuôi tôm, cá bị “treo” thì doanh nghiệp có còn được hưởng lợi nhuận được không?! Thiết nghĩ, trong lúc người người nuôi thủy sản đang chịu nhiều áp lực như hiện nay, hơn bao giờ hết doanh nghiệp sản xuất thức ăn thủy sản cần chia sẻ lợi nhuận với người nuôi để cùng nhau vượt qua khó khăn này.

Thành Công

Theo tiengiang.gov.vn

 

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!