(Thủy sản Việt Nam) – “Mục đích của tổ chức thương mại công bằng Fairtrade là tạo ra cơ hội cho những người sản xuất và người lao động, những người đang phải chịu thiệt thòi về phương diện kinh tế hay bất lợi trong hệ thống thương mại truyền thống”.
Fairtrade ủng hộ việc trả giá công bằng cho những người sản xuất cũng như những tiêu chuẩn mạnh mẽ về môi trường và xã hội. Nhãn hiệu FAIRTRADE được đăng ký chứng nhận về nhãn hiệu cho các sản phẩm có nguồn gốc từ các nhà sản xuất tại các quốc gia đang phát triển. Các sản phẩm dán nhãn FAIRTRADE phải đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế của Fairtrade. Fairtrade đã chứng nhận các nhóm hàng bao gồm cà phê, ca cao, đường, trà, chuối, mật ong, bông vải, rượu, trái cây tươi, sôcôla, hoa và các sản phẩm khác. Ước tính hiện nay có khoảng hơn 27.000 sản phẩm thương mại công bằng được bán trên 70 quốc gia. Năm 2009, sản phẩm được chứng nhận Fairtrade có tổng giá trị bán lẻ xấp xỉ 4,98 tỉ đô-la (3,4 tỉ euro) trên toàn cầu.
Một vài năm trước, Fairtrade đã thăm dò việc xây dựng các tiêu chuẩn dành cho tôm mang lại lợi ích cho cộng đồng những người nuôi tôm quy mô nhỏ ở các nước đang phát triển. Kết quả là vào tháng tư năm 2011, bản dự thảo đầu tiên về tiêu chuẩn cho tôm đã được đưa ra lấy ý kiến chung. Một phần trong nỗ lực này là vào ngày 8 tháng 6 năm 2011, Trung tâm Hợp tác Quốc tế Nuôi trồng và Khai thác Thủy Sản Bền vững (ICAFIS) thuộc Hội Nghề cá Việt Nam (VINAFIS) đã phối hợp cùng Fairtrade tổ chức hội thảo: “Cải thiệu bộ tiêu chuẩn thương mại công bằng cho nuôi tôm thông qua tham vấn người dân”. Hội thảo đã được tổ chức tại văn phòng Ủy ban Nhân Dân huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng. Mục đích của hội thảo là cải thiện dự thảo bộ tiêu chuẩn Thương mại công bằng cho tôm, để cho bộ dự thảo này phù hơn với bối cảnh của Việt Nam thông qua kinh nghiệm của người dân.
Một đầm nuôi tôm tại xã Mỹ Long Nam Ảnh: Phan Thanh Cường
Ông Kenneth Boyce đến từ tổ chức Fairtrade tại London, người phụ trách việc xây dựng các tiêu chuẩn của Fairtrade, đã giới thiệu triết lý đằng sau Thương mại công bằng và thảo luận với người nuôi tôm của huyện Mỹ Xuyên về những yêu cầu cơ bản và lợi ích mà chứng nhận Thương mai công bằng có thể đem lại. Những người nuôi tôm đã tích cực tham gia thảo luận với Fairtrade và ICAFIS. Ý kiến của họ đã được ghị nhận và đóng vai trò quan trọng trong việc sửa đổi các tiêu chuẩn thương mại công bằng. Trong ngày tiếp theo, ông Kenneth đã tới thăm một hợp tác xã nuôi tôm tại huyện Mỹ Xuyên để thấy được những thách thức đầu tiên mà người nuôi tôm quy mô nhỏ phải đối mặt và tìm hiểu làm thế nào để tiêu chuẩn Thương mại công bằng có thể giúp người dân giải quyết các thách thức đó.
Bộ tiêu chuẩn sẽ sớm được sửa đổi và bản dự thảo thứ hai sẽ được gửi lại để lấy ý kiến chung vào tháng 9 năm 2011. Bản tiêu chuẩn cuối cùng dự kiến sẽ sẵng sàng cho việc chứng nhận vào tháng một năm 2011.
Để biết thêm thông tin xin vui lòng liên hệ với ông Mai Thành Chung theo địa chỉ Email: chung.maithanh@icafis.org