T2, 06/07/2020 10:00

Nguồn cung tôm tăng, gây áp lực lên giá

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Với vụ thu hoạch mới tại châu Á bắt đầu từ tháng 4 – 5/2012, nguồn cung dự đoán sẽ phục hồi và giá sẽ giảm trong thời gian tới.

Năm 2011, sản lượng tôm nuôi thế giới giảm gần 20% so với năm 2010, xuống mức 2,5 triệu tấn, do suy giảm nguồn cung tại châu Á. Với vụ thu hoạch mới tại châu Á bắt đầu từ tháng 4 – 5/2012, nguồn cung dự đoán sẽ phục hồi và giá sẽ giảm trong thời gian tới.

Tuy nhiên, hiện giá tôm trên thị trường thế giới vẫn ở mức cao. Tại thị trường Mỹ, nhu cầu ở các thị trường bán lẻ tăng, thúc đẩy tăng nhập khẩu. Tuy nhiên, thời tiết lạnh, tình hình kinh tế yếu kém vào đầu năm 2012 ảnh hưởng tiêu cực đến tiêu dùng tôm tại thị trường châu Âu, mặc dù giá vẫn duy trì ổn định trong suốt quý I/2012. Năm 2011, kim ngạch nhập khẩu tôm của EU giảm 1,2%, xuống mức 610.000 tấn, mặc dù Tây Ban Nha, Italia và Anh đều tăng nhập khẩu.

Các thị trường châu Á diễn biến trái chiều, khi Hàn Quốc và Malaysia tăng trưởng nhập khẩu mạnh. Thái Lan và Việt Nam cũng phải tăng cường nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu chế biến nội địa.

Trong khi đó, nhập khẩu tôm đông lạnh tại Trung Quốc và Hồng Kông giảm. Nhu cầu nội địa đối với tôm tươi tại một số thị trường các nước sản xuất lớn như Ấn Độ tăng. Đồng Yên Nhật tăng mạnh và nhu cầu cao đối với các sản phẩm tôm chế biến sẵn đã đẩy kim ngạch nhập khẩu tôm của Nhật Bản tăng 1,6% lên mức 285.300 tấn trong năm 2011. Trong khi đó, nhập khẩu tôm của Trung Quốc năm 2011 giảm 7,8% so với năm 2010, xuống mức 53.000 tấn.

Trong vài tháng tới, sản lượng tôm thẻ tại Thái Lan, Ấn Độ và Việt Nam dự đoán tăng. Năm 2012, sản lượng tôm tại Thái Lan dự đoán tăng lên mức 700.000 tấn; trong khi sản lượng tôm sú của Ấn Độ giảm 40 – 50% xuống mức 60.000 – 70.000 tấn.

Ngược lại, sản lượng tôm thẻ của Ấn Độ trong năm 2012 dự đoán tăng hơn 30% so với năm 2011, lên mức 100.000 tấn. Nguồn cung tôm thẻ tại Việt Nam cũng được dự đoán tăng và sản lượng tôm toàn cầu tăng sẽ gây áp lực lên giá, đặc biệt là đối với phân khúc sản phẩm tôm cỡ trung.

Sao Mai

                Theo FAO

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!