T2, 06/07/2020 09:59

Nguồn vốn cho doanh nghiệp thủy sản: Ánh sáng cuối đường hầm

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Ông Nguyễn Văn Kịch, Giám đốc Công ty Cafatex cho biết, không phải đến lúc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giảm lãi suất từ 14% xuống 13% như hiện tại thì doanh nghiệp thủy sản mới tiếp cận được vốn. Khoảng từ 3-4 năm nay, doanh nghiệp đã khó tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng rồi. Trong thời điểm hiện tại, doanh nghiệp thủy sản nào kinh doanh bằng vốn tự có là hạnh phúc nhất.

Vẫn khó như trước

Theo Bộ NN&PTNT, hiện cả nước có khoảng 200 nhà máy chế biến thủy sản, tuy nhiên, trong bối cảnh ngân hàng thắt chặt tín dụng để giảm lạm phát như thời gian qua, nhiều doanh nghiệp thủy sản rất khó tiếp cận vốn.

Ông Kịch cho biết, hiện các ngân hàng đều là ngân hàng thương mại, cổ phần, vì thế lợi nhuận là một trong những mục tiêu phát triển. Do đó, ngân hàng sẽ có những quyết định cho ngành nào vay vốn, ngành nào không.

Đại diện một doanh nghiệp có nhà máy chế biến cá tra ở Tiền Giang, cùng một hệ thống ao nuôi cá nguyên liệu cho biết, trước đây, các nhà máy chế biến đến mùa thu hoạch thì chỉ bỏ tiền ra mua nguyên liệu, chế biến, rồi xuất khẩu. Nay, các quốc gia nhập khẩu thủy sản muốn sản phẩm phải có chứng nhận Global GAP, ASC…, buộc doanh nghiệp phải thay đổi chiến lược kinh doanh, chuyển từ chế biến sang cả nuôi trồng.

Lãi suất giảm, nhưng người nuôi và doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn ngân hàng – Ảnh: Lê Hoàng Vũ

Tuy nhiên, khi đã chuyển sang nuôi trồng thủy sản thì nguồn vốn rất lớn. Theo tính toán của Sở NN&PTNT An Giang, một hecta nuôi cá tra, người nuôi cần khoảng 7 tỷ đồng, tuy nhiên, ngân hàng chỉ cho vay khoảng 1 tỷ đồng, số tiền này, nói thẳng ra, không nuôi được cá nếu người nuôi không có nguồn vốn dự trữ, không có mối quan hệ tốt với các đại lý bán thức ăn, thuốc thú y.

Đó là với những hộ nông dân nuôi chỉ từ 1-5 ha, còn những doanh nghiệp có trên 100 ha nuôi cá thì chuyện vay được vốn chẳng khác nào “hái sao trên trời”.

Hầu như trong những cuộc họp về thủy sản của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP), của Bộ NN&PTNT tổ chức trong thời gian qua, ông Dương Ngọc Minh, Tổng giám đốc Công ty CP Hùng Vương sau phần phát biểu xã giao, thì câu tiếp theo là ông Minh đề cập đến nguồn vốn vay, đề nghị Bộ NN&PTNT có những kiến nghị giúp doanh nghiệp thủy sản, đặc biệt là doanh nghiệp có diện tích nuôi trồng lớn tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng dễ dàng hơn.

Theo lãnh đạo của Công ty Hùng Vương, năm 2011, Công ty cần khoảng 100 tỷ đồng để phát triển 600 ha nuôi cá. Tuy nhiên, kế hoạch này đã không thể thực hiện được hoàn toàn. Nguyên nhân, không tiếp cận được nguồn vốn.

Với vai trò là Chủ tịch Ủy ban cá nước ngọt của VASEP, ông Minh cho biết, để đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 2 tỷ USD trong năm 2012 cho con cá tra, người nuôi, doanh nghiệp cần khoảng 26.000 tỷ đồng để đầu tư nuôi trồng. Tuy nhiên, nhiều khả năng, cũng như năm 2011, người nuôi, doanh nghiệp sẽ không tiếp cận được vốn từ ngân hàng.

 

Chờ ánh sáng ở cuối đường hầm

Nhiều giám đốc doanh nghiệp thủy sản bày tỏ lo lắng, sau vụ việc Công ty CP thủy sản Bình An buộc phải bán nhà máy chế biến để trả nợ người nuôi cá, trả nợ ngân hàng thì các ngân hàng sẽ siết chặt hơn. Doanh nghiệp thủy sản đã khó tiếp cận vốn nay sẽ còn khó hơn. Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng sẽ tạo áp lực với doanh nghiệp để thu hồi được nguồn vốn cho vay trước đây.

Đối với nguồn vốn cho ngành nông lâm thủy sản, ngày 12/4/2010, Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định số 41/2010/NĐ-CP nhằm hỗ trợ vốn cho ngành nông nghiệp. Ngày 14/6/2010, NHNN ra Thông tư số 14/2010/TT-NHNN hướng dẫn chi tiết thực hiện Nghị định số 41/2010/NĐ-CP. Trong đó, nêu rõ chi tiết các điều khoản để giúp người dân, doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng. Sau đó, trên các trang web của hầu hết các ngân hàng lớn của Việt Nam đều có mục tài trợ xuất khẩu nông lâm thủy sản với lãi suất ưu đãi.

Theo bà Hoàng Thu Thủy, Phó phòng Dự án và quan hệ khách hàng của Ngân hàng Quân đội (MB) cho biết, để hỗ trợ doanh nghiệp ngành nông nghiệp, MB dành 10.000 tỷ đồng vay với lãi suất 4,3-4,5%/năm đối với ngoại tệ, 16-17% đối với nội tệ. Tuy nhiên, bà Thủy không cho biết, hiện đã giải ngân số tiền này là bao nhiêu.

Ông Trương Văn Phước, Tổng giám đốc Ngân hàng Eximbank cho biết, không chỉ doanh nghiệp thủy sản, xuất nhập khẩu nông sản gặp khó khăn về nguồn vốn mà nhiều doanh nghiệp khác cũng nằm trong hoàn cảnh tương tự. Lãi suất không phải là yếu tố ảnh hưởng đến việc vay tiền của doanh nghiệp ngành nông nghiệp mà còn rất nhiều yếu tố khác nữa. Vì do nhiều ngân hàng chỉ có nguồn vốn hạn chế, nếu không thắt chặt cho vay thì nguy cơ không thu hồi được nguồn vốn cho doanh nghiệp nông nghiệp, trong đó, có doanh nghiệp ngành thủy sản, ông Phước cho biết thêm.

Như vậy, nhiều khả năng phải hết quý 4/2012 sang năm 2013, lãi suất cho vay sẽ xuống thấp hơn (hiện ở mức gần 18%/năm) thì doanh nghiệp thủy sản mới có thể tiếp cận được nguồn vốn. Và, mục tiêu xuất khẩu 6,5 tỷ USD vẫn là một thách thức của ngành thủy sản.

>> Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình, lãi suất sẽ tiếp tục giảm nếu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm nay dưới 10%, thì trung bình mỗi quí có thể giảm 1 điểm phần trăm, đến cuối năm lãi suất huy động có thể về khoảng 10%/năm.

Vũ Hạ

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!