Nguy cơ bệnh mới trên tôm giống

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Các kết quả xét nghiệm trên tôm bố mẹ gần đây đều không cho thấy sự hiện diện của mầm bệnh này, nên nguồn lây lan lớn nhất chủ yếu sẽ là nguồn nước.

Theo ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta: “Gần đây đã có thông tin xuất hiện vi khuẩn mới gây bệnh trên tôm giống, với mức nguy hiểm gấp nghìn lần vi khuẩn gây bệnh EMS”. 

Để kiểm chứng thêm thông tin trên, ông Lực liên hệ ngay với ông Nguyễn Hoàng Anh – Chủ tịch Hiệp hội Tôm giống Bình Thuận và được xác nhận thông tin trên là có thật, loại vi khuẩn mới này hiện chưa có giải pháp phòng trị hiệu quả, khiến các doanh nghiệp sản xuất tôm giống đang mất ăn, mất ngủ. Là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu và có vùng nuôi tôm lớn của cả nước nên ngay sau khi nhận được thông tin xác thực trên, ông Lực khá lo lắng vì trường hợp nếu bệnh này bùng phát tại các trại sản xuất tôm giống sẽ gây thiếu hụt nghiêm trọng nguồn giống cung ứng cho các vùng nuôi. 

Bệnh mới có thể gây thiếu hụt nghiêm trọng nguồn tôm giống. Ảnh: VM

Nguy cơ này hoàn toàn có thể xảy ra bởi theo ông Nguyễn Hoàng Anh, các kết quả xét nghiệm trên tôm bố mẹ gần đây đều không cho thấy sự hiện diện của mầm bệnh này, nên nguồn lây lan lớn nhất chủ yếu sẽ là nguồn nước. Trong khi đó, việc sản xuất tôm giống ở Bình Thuận và phía Nam tỉnh Ninh Thuận đều được tập trung thành các trại liền 

kề nhau, nên chỉ cần 1 trại bị nhiễm thì nguy cơ lây lan là rất lớn. Theo nhận định của ông Hoàng Anh, bệnh này cũng có thể là một biến chủng của vi khuẩn phát sáng vì các quan sát những ao tôm bị nhiễm bệnh còn cho thấy có sự phát sáng. 

Cuối năm 2019, các trại sản xuất tôm giống ở Trung Quốc phát hiện một loại bệnh mới thường xảy ra trong giai đoạn hậu ấu trùng PL 6-12 ngày tuổi. Bệnh mới này được các nhà khoa học Trung Quốc gọi là “translucent post-larvae disease” bệnh hậu ấu trùng trong suốt (TPD) hoặc “glass post-larvae disease” bệnh hậu ấu trùng thủy tinh (GPD). Bệnh TPD này ảnh hưởng đến tôm thẻ chân trắng giai đoạn hậu ấu trùng 6 – 12 ngày tuổi với tỷ lệ chết hơn 90% trong vòng 24 – 48 giờ sau khi có dấu hiệu đầu tiên của các cá thể bất thường. Các dấu hiệu lâm sàng tổng thể điển hình bao gồm đường ruột rỗng không có thức ăn và gan tụy nhợt nhạt hoặc không màu làm cơ thể tôm bị bệnh nhìn trong suốt như thủy tinh, nên còn được gọi là bệnh hậu ấu trùng thủy tinh. Nghiên cứu của FengYang và cộng sự 2021 đã chỉ ra rằng bệnh hậu ấu trùng trong suốt là do một tác nhân truyền nhiễm gây ra. Ba chủng vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus gây chết tôm cao là: chủng vp-HL-201910, vp-HL-202005 và vp-HL-202006. 

Trong thập kỷ qua, ngành tôm đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi một số bệnh mới xuất hiện và tái xuất hiện. Một trong những bệnh chính đó là AHPND còn được gọi là hội chứng tôm chết sớm (EMS) là một bệnh do vi khuẩn gây ra. Bệnh này đã dẫn đến tỷ lệ tôm chết nghiêm trọng (lên đến 100%) trong quần thể tôm thẻ chân trắng và tôm sú và gây những tổn thất kinh tế đáng kể cho ngành nuôi tôm. Sau khi bệnh EMS lắng dịu, người nuôi tôm tiếp tục được đầu với bệnh phân trắng và bệnh do EHP mà cho đến nay vẫn chưa có biện pháp phòng trị nào được xem là hữu hiệu nhất. Đặc biệt, trong 2 năm gần đây, bệnh do EHP gây ra tuy âm thầm nhưng rộng khắp, trở thành mối lo thường trực đối với người nuôi tôm, kể cả những người nuôi ứng dụng công nghệ cao cũng trở thành nạn nhân của EHP. 

Hy vọng, việc sớm đã định danh được mầm bệnh này, các nhà khoa học sẽ tìm ra giải pháp phòng trị hiệu quả, tạo sự yên tâm cho cả doanh nghiệp sản xuất tôm giống lẫn người nuôi, giúp ngành tôm vững vàng đi lên theo đúng kế hoạch đề ra. 

An Xuyên

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!