(TSVN) – Nuôi tôm an toàn sinh học đang được nhiều địa phương trên cả nước áp dụng, đem lại hiệu quả cao trong việc kiểm soát mầm bệnh. Đây là hướng đi bền vững mà ngành nuôi tôm công nghiệp Việt Nam đang hướng tới.
An toàn sinh học (ATSH) đang được áp dụng cho ngành nuôi tôm có thể được định nghĩa là thực hành loại trừ các tác nhân gây bệnh đặc hiệu khỏi các cơ sở sản xuất tôm bố mẹ, các trại giống và các trang trại, hoặc toàn bộ khu vực vì mục đích phòng bệnh (Lightner 2003). Ở cấp độ trang trại nuôi tôm, ATSH liên quan đến việc nuôi tôm khỏe trong một môi trường được kiểm soát tốt, nhằm loại trừ sự du nhập hoặc lan truyền các sinh vật không mong muốn và kể cả việc ngăn ngừa các sinh vật thoát trở lại môi trường tự nhiên.
Có nhiều nguồn nguy cơ xâm nhập của một tác nhân lây nhiễm vào cơ sở nuôi tôm được kể đến như: đưa vào giống mới, ấu trùng, tôm con và tôm bố mẹ, nước hoặc thức ăn, con người, động vật, hay các trang thiết bị và các vật mang mầm bệnh cận lâm sàng (không có triệu chứng) bị nhiễm trong phạm vi đàn hiện tại (quá trình sản xuất tôm hoặc tôm bố mẹ). Mỗi một nguy cơ này đều cần được đánh giá và liên tục theo dõi, để ngăn chặn sự xâm nhập của sinh vật nhiễm bệnh vào trong hệ thống.
Khi chúng ta bắt đầu áp dụng nuôi tôm ATSH, điều cần phải nhắc đến đầu tiên là tôm giống. Giải pháp cho vấn đề này là cần phải tìm mua được tôm giống sạch bệnh (SPF). Mặc dù cách này không loại bỏ hết tất cả mầm bệnh tiềm tàng trong phạm vi nguồn cung, nhưng sẽ giúp giảm thiểu rủi ro của các mầm bệnh chính trên tôm. Tôm giống có khỏe mạnh sạch bệnh thì tôm thương phẩm mới cho năng suất cao. Tôm SPF là loại tôm giống sạch bệnh không bị nhiễm các bệnh thường gặp trên tôm như: WSSV, YHV, TSV, IHHNV… Chúng được sản xuất tại những cơ sở nuôi ATSH, được kiểm tra nhiều lần và có nguồn gốc từ những con tôm bố mẹ đã trải qua quy trình kiểm dịch rộng rãi. Một phương pháp phòng ngừa thứ hai trong nuôi tôm công nghiệp là thả tôm giống kháng bệnh (SPR), nghĩa là tôm có khả năng kháng một loại bệnh đặc hiệu.
Bên cạnh đó, người nuôi có thể xét nghiệm tôm giống để phát hiện các tác nhân gây bệnh một cách chính xác. Chuyên viên xét nghiệm có thể soi mẫu tươi, sử dụng kỹ thuật PCR để phát hiện virus và vi khuẩn. Nếu tôm bị nhiễm bất kỳ một tác nhân gây bệnh nào, cần hủy ngay, không nên thả nuôi.
Nước cung cấp cho ao tôm cần được xử lý bằng các công nghệ hiện đại (lọc cơ học, xử lý hóa chất, lọc tia cực tím, ozon hóa, sử dụng các chế phẩm sinh học để phân hủy chất thải…), để làm cho nguồn nước có thể sử dụng được đối với một cơ sở/trang trại ATSH.
Chỉ sử dụng nước đã qua xử lý, hạn chế thay nước nên được áp dụng trong hệ thống. Tất cả các ống cung cấp nước phải được phủ bằng lưới để loại bỏ các động vật giáp xác, ấu trùng vào ao nuôi.
Công việc khử trùng thường được thực hiện để giảm thiểu các loại mầm bệnh tại trang trại/cơ sở nuôi tôm, từ đó làm giảm rủi ro lây lan từ một sinh vật nhiễm bệnh giữa các đàn tôm trong một trang trại/cơ sở. Ví dụ như cung cấp đủ số lượng chất khử trùng thích hợp, để làm sạch lưới và các dụng cụ dùng chung khác, là một cách được áp dụng để vô hiệu hóa các sinh vật gây bệnh tiềm tàng. Tuy nhiên, việc dùng các dụng cụ (lưới, xô thức ăn, chai nước lấy mẫu…) riêng cho từng ao một sẽ là tốt nhất, để giúp loại bỏ các rủi ro ô nhiễm giữa các hệ thống ao. Việc khử trùng các phương tiện vận chuyển sau khi đã giao tôm giống cho các trang trại hoặc các cơ sở khác, cũng giúp tránh mang trở lại một mầm bệnh từ các nơi khác này. Ngoài ra, việc vệ sinh và khử trùng của trang trại/cơ sở nuôi và các trang thiết bị giữa các chu kỳ sản xuất/vụ nuôi là rất quan trọng, qua đó giúp làm giảm rủi ro lây lan và tác nhân nhiễm bệnh từ vụ này sang vụ sau.
Theo dõi bệnh nên là một phần thiết yếu của bất kỳ chương trình ATSH nào. Biện pháp này bao gồm công việc đánh giá sức khỏe theo lịch định kỳ của tất cả các đàn giống thả nuôi. Tùy thuộc vào tình hình cụ thể, công việc này có thể bao gồm lấy mẫu gây chết hoặc không gây chết hoặc cả hai. Các kỹ thuật lấy mẫu không gây chết có thể gồm các xét nghiệm mang, vỏ và miễn dịch. Trong khi lấy mẫu gây chết có thể gồm nuôi cấy vi khuẩn, cô lập virus và phân tích mô bệnh học. Mặc dù, không có kỹ thuật nào trong số các xét nghiệm này có thể hoàn toàn đảm bảo rằng không có mầm bệnh tiềm tàng nào trong một quần thể tôm, nhưng sẽ giúp giảm bớt rủi ro duy trì một mầm bệnh ở trong quần thể.
Để đảm bảo ATSH cần đảm bảo tính an toàn trong nguồn thức ăn tôm. Xử lý và lưu trữ thức ăn đúng cách có thể làm giảm khả năng thức ăn mang mầm bệnh cho các sinh vật. Thức ăn phải đảm bảo sạch sẽ, thức ăn tươi. Trang trại nuôi tôm cần lựa chọn nguồn cung cấp bởi công ty thức ăn có uy tín.
Áp dụng phương pháp cho ăn ít và nhiều lần trong ngày để tránh cho ăn quá mức và gây ô nhiễm nguồn nước; cần lập và lưu trữ hồ sơ theo dõi và giám sát việc sử dụng thức ăn
tôm và tính toán hiệu quả sử dụng thức ăn; nên sử dụng các chất phụ gia được cho phép và tránh sử dụng thức ăn tươi; sử dụng kháng sinh một cách an toàn và hiệu quả; xử lý tôm chết và vỏ tôm lột thích hợp bằng phương pháp ATSH và thực hiện các quy trình quản lý trang trại và cho ăn thích hợp.
Trong quá trình nuôi, cần hạn chế tốt nhất các yếu tố có thể gây bệnh cho tôm. Người nuôi thực hiện thả con giống cỡ lớn, áp dụng công nghệ nuôi bền vững như biofloc, hai giai đoạn… Cùng đó, cần sử dụng các chế phẩm sinh học (CPSH) để xử lý môi trường ao nuôi; ngoài tác dụng đối với con tôm, CPSH còn góp phần bảo vệ môi trường, sức khỏe con người, đáp ứng các tiêu chí ATTP khi xuất khẩu. CPSH có 2 nhóm chính là dùng để xử lý nước ao nuôi và hỗ trợ hệ tiêu hóa cho tôm. CPSH được sử dụng theo nhiều cách, đưa vào cơ thể tôm qua đường thức ăn hoặc bổ sung trực tiếp vào ao nuôi để tăng cường phân hủy sinh học, tạo môi trường thân thiện, tăng khả năng sống cho tôm…
Thái Thuận