(TSVN) – Đó là chủ đề buổi hội thảo do Tạp chí Điện tử Doanh nhân Việt Nam, Trang Thông tin điện tử tổng hợp vietnambiz.vn phối hợp cùng Greenpan Vietnam tổ chức tại Cần Thơ vào chiều ngày 26/11. Với tính chất thiết thực, thời sự, hội thảo thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia kinh tế – tài chính, đơn vị tư vấn về giải pháp logistics, lưu kho, và các doanh nghiệp đầu ngành thủy sản.
Thông tin tại Hội thảo, ông Trương Đình Hòe – Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết đến hết tháng 11/2022, kim ngạch xuất khẩu cả nước sẽ đạt 10 tỷ USD và đến cuối năm xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ có lần đầu tiên đạt kim ngạch 11 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu tôm ước đạt 4,3 tỷ USD, cá tra nhiều khả năng sẽ đạt 2,5 tỷ USD, cá ngừ lần đầu tiên đạt 1 tỷ USD và các nhóm hải sản khác đạt 3,2 tỷ USD. “Tất cả các sản phẩm đều tăng trưởng hai con số, bình quân từ 18 – 77%. Tất cả thị trường đều tăng trưởng hai con số, bình quân từ 15 – 75% và top 4 thị trường chính chiếm 74% giá trị xuất khẩu thuỷ sản; trong đó, Mỹ lần đầu đạt trên 2 tỷ USD và Anh chính thức trở thành thị trường lớn thứ 7 của thủy sản Việt Nam”, ông nhận xét.
Bên cạnh thông tin lạc quan, theo ông Trương Đình Hòe, từ quý IV/2022 ngành thuỷ sản phải đối mặt với thách thức về thị trường do tác động lạm phát toàn cầu ảnh hưởng đến chi tiêu và hạn chế nhu cầu tiêu dùng; sự cạnh tranh khó khăn với các nước cung cấp thủy sản có điều kiện nuôi trồng tốt hơn như: Ecuador, Ấn Độ…; sự sụt giảm các đơn hàng và lãi suất tăng… Những khó khăn trên được dự báo sẽ còn kéo dài sang năm 2023 nên có thể nói, triển vọng của ngành thủy sản trong năm 2023 là hết sức khó khăn, nhất là trong 6 tháng đầu năm.
Hội thảo thu hút nhiều chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp đầu ngành… thảo luận và giải đáp các ý kiến của đại biểu
Cũng liên quan đến khó khăn của ngành thủy sản, theo chuyên gia kinh tế TS. Đinh Thế Hiển, năm 2023, ngành thủy sản sẽ đi theo xu hướng ngược lại của năm 2022. Cụ thể, quý I/2023 ngành thủy sản sẽ tăng trưởng chậm, thậm chí rất chậm cho đến quý II mới đi vào ổn định và từ quý III, IV sẽ vượt lên. Nếu kịch bản trên diễn ra đúng như dự kiến, tăng trưởng cuối năm của ngành thủy sản cũng sẽ không hề thua kém năm 2022, đặc biệt là thị trường Mỹ sẽ tăng trưởng mạnh nhất do được dự báo sẽ là nền kinh tế phục hồi sớm nhất sau lạm phát.
Theo TS. Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta, những khó khăn của ngành thủy sản đã được dự báo từ khá sớm và không thể tránh khỏi. Đã có không ít doanh nghiệp thủy sản bị đối tác hoãn, hủy giao đơn hàng đã ký kết và chưa chốt thời gian đàm phán hợp đồng của năm mới. Tình hình trên đối với các doanh nghiệp có nhiều vốn có thể khó khăn chỉ dừng ở đây, nhưng các doanh nghiệp ít vốn, lệ thuộc vốn vay ngân hàng thì khó khăn gấp bội. Không giao hàng theo kế hoạch, hàng tồn kho còn nhiều dẫn đến không có tiền trả nợ đúng hạn, buộc phải giảm giá để bán được hàng nhằm chứng minh sự luân chuyển dòng tiền. Hệ quả của tình trạng này là rất lớn nếu lạm phát kéo dài mà hậu quả để lại như chúng ta đã từng chứng kiến qua đợt khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2007 – 2008.
Tại phiên thảo luận có rất nhiều ý kiến xung quanh việc thị trường Trung Quốc sẽ sớm mở cửa trở lại, thị trường EU và Mỹ sớm phục hồi, lạm phát sẽ sớm đạt đỉnh, các vấn đề về dòng vốn, về công tác quản trị, tiết giảm chi phí, về hợp tác trong logistics, về ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất… Đặc biệt vấn đề nguyên liệu cho chế biến phải làm sao nâng được tỷ lệ nuôi tôm, cá thành công; làm sao nâng tỷ lệ nuôi đạt chuẩn quốc tế như: ASC, BAP… để giúp giảm giá thành, tăng tính cạnh tranh và phát huy thế mạnh chế biến sâu của các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, cũng có những điểm sáng đáng để kỳ vọng các khó khăn trên sẽ sớm qua đi, khi kinh tế vĩ mô hiện nay của Việt Nam được đánh giá là khá tốt, ít bị tác động từ bên ngoài, sức khỏe của doanh nghiệp cũng tốt hơn như thời điểm năm 2008. Vì vậy, theo ông Trương Đình Hòe, các doanh nghiệp không nên quá bi quan mà phải tiếp tục cầm cự và đón bắt các cơ hội trong thời gian tới. Còn theo TS. Đinh Thế Hiển, kinh tế Việt Nam sẽ mất 6 tháng để ổn định hệ thống tài chính vĩ mô. Theo đó, quý IV/2022 sẽ ổn định được hệ thống ngân hàng thương mại, quý I/2023 ổn định hệ thống trái phiếu doanh nghiệp và thị trường bất động sản. Với nền tảng đó, đến quý II/2023, hệ thống tài chính, thương mại, dịch vụ sẽ ổn định, dòng vốn sẽ bình thường trở lại với doanh nghiệp sản xuất.
Xuân Trường