Nhân rộng mô hình nuôi hàu Thái Bình Dương

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Với ưu điểm phát triển nhanh, giá trị dinh dưỡng, kinh tế cao, vốn đầu tư lại thấp… hàu Thái Bình Dương đang là đối tượng nuôi có nhiều triển vọng tại các vùng bãi triều trên sông.

Đặc điểm sinh học

Hàu Thái Bình Dương có nguồn gốc từ Nhật Bản, có tốc độ sinh trưởng nhanh, khả năng phân bố rộng. Đây là đối tượng nuôi quan trọng có giá trị kinh tế và xuất khẩu. Hàu Thái Bình Dương có kích thước lớn nhất trong các loại hàu có trên thế giới, con lớn nhất được phát hiện có chiều dài 76 cm. Chúng có hình dạng giống với hàu cửa sông, tỷ lệ chiều cao và chiều dài lớn hơn từ 1/2 đến 1/3 hàu cửa sông. Vỏ hàu tương đối lớn nhưng không đồng đều về hình dạng (vỏ dài hoặc hình ô van), vỏ trái lõm hơn vỏ phải, khi trưởng thành thường sống cố định, bám vào bất kỳ vật thể nào cứng như đáy cứng, đá, những vỏ hàu, san hô chết… Trong tự nhiên, hàu Thái Bình Dương phân bố ở vùng biển Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Mỹ và Canada. Ở bờ đông Đại Tây Dương, hàu Thái Bình Dương phân bố từ Nam đảo British đến Bồ Đào Nha và biển Địa Trung Hải. Hiện nay, hàu Thái Bình Dương đã được nuôi ở trên 60 nước trên thế giới, đặc biệt là một số quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, Đài Loan, Pháp, Mỹ, Canada…

Ở Việt Nam, không có hàu Thái Bình Dương phân bố tự nhiên mà chúng được du nhập vào nuôi từ năm 2006. Theo đề tài nghiên cứu nuôi thử nghiệm của Viện Nghiên cứu NTTS I, hàu Thái Bình Dương có tốc độ sinh trưởng rất nhanh, khi nuôi tại vịnh Bái Tử Long trong thời gian 8 – 10 tháng nuôi đã đạt kích cỡ thương phẩm trung bình từ 65 – 75 mm/con, trọng lượng từ 70 – 80 g/con và tỷ lệ sống đạt từ 54 – 63%. Điều kiện môi trường nuôi ở Việt Nam hoàn toàn phù hợp cho sinh trưởng và phát triển của hàu Thái Bình Dương. Hàu Thái Bình Dương sau giai đoạn ấu trùng bò cần giá thể để bám, bắt mồi bằng phương thức lọc bị động và thức ăn chủ yếu là thực vật phù du và mùn bã hữu cơ. Mùa vụ sinh sản của hàu Thái Bình Dương là tháng 3 – 5 (mùa chính) và mùa phụ là tháng 8 – 10.

Hướng đi hiệu quả

So với các loại hàu bản địa và động vật thân mềm khác đang được nuôi ở Việt Nam thì hàu Thái Bình Dương có những ưu việt hơn như kích thước và khối lượng có thể lớn, tốc độ sinh trưởng nhanh, giá trị kinh tế và xuất khẩu cao, nhu cầu thị trường trong và ngoài nước rất lớn. Do đó, hiện nay Hàu Thái Bình Dương ở nước ta phát triển rất mạnh, với nguồn giống phụ thuộc hoàn toàn vào con giống sản xuất nhân tạo, phân bố rộng khắp trên cả nước từ Quảng Ninh, Hải Phòng, Thừa Thiên – Huế, Thanh Hóa, Nghệ An, Ninh Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu… đem lại hiệu quả kinh tế và lợi nhuận cao cho người dân. Nghề nuôi hàu đầu tư thấp, kỹ thuật nuôi đơn giản, không phải cho ăn, quy mô đa dạng, sức sinh sản lớn là yếu tố quan trọng để sản xuất giống đại trà. Ngoài ra, hàu còn có giá trị đặc biệt quan trọng trong hệ sinh thái thủy vực, có tác dụng làm sạch môi trường nước tốt.

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT Quảng Ninh, hiện trên địa bàn tỉnh, hàu được nuôi tập trung chủ yếu tại các huyện: Vân Đồn, TP Cẩm Phả, thị xã Quảng Yên. Năm 2020, diện tích nuôi hàu đạt 4.800 ha chiếm 21,4% tổng diện tích NTTS toàn tỉnh. Có 11 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống hàu, với công suất đạt 110 triệu con giống đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu con giống trên địa bàn. Phần còn lại chủ yếu được cung cấp từ các tỉnh Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình và một số nước khác.

Không chỉ phát triển mạnh ở phía Bắc, tại TP Vũng Tàu (Bà Rịa – Vũng Tàu), một số cơ sở sản xuất giống thủy sản đã nghiên cứu chuyển sang sản xuất hàu giống và thả nuôi thực nghiệm trên các bè cá. Đến nay, trên địa bàn tỉnh nuôi hàu Thái Bình Dương phát triển mạnh không chỉ ở vùng nuôi sông Chà Và, vàm Ông Tố, sông Gò Găng thuộc xã Long Sơn mà phát triển qua các phường 12 và phường Rạch Dừa (TP Vũng Tàu); xã Phước Tỉnh (huyện Long Điền); các phường Phước Hòa, phường Phú Mỹ (thị xã Phú Mỹ). Năm 2020, theo thống kê sơ bộ của Chi cục Thủy sản tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, có 7 cơ sở sản xuất hàu giống, mỗi năm cung cấp cho người nuôi hàu thương phẩm khoảng 10.000.000 giá thể có hàu giống bám. Mỗi vật bám có từ 30 – 50 cá thể hàu bám. Nguồn bố mẹ cho sinh sản hoàn toàn chủ động tại địa phương, kết hợp thêm nguồn bố mẹ ở Quảng Ninh, Nha Trang để tránh hiện tượng lai cận huyết. Đại diện Chi cục Thủy sản tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, phát triển nuôi hàu Thái Bình Dương là hướng đi hiệu quả, giúp nhiều hộ dân xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế gia đình.

>> Nuôi hàu Thái Bình Dương tại Việt Nam có thể phát triển trên quy mô lớn, đặc biệt các vùng biển Hải Phòng, Quảng Ninh. Sản lượng hàu nuôi tăng khá nhanh từ 792 tấn năm 2002 lên 2.743 tấn năm 2007 và 25.000 tấn năm 2014, đến nay đạt hàng trăm nghìn tấn.

Diệu Châu

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!