T2, 06/07/2020 10:21

Nhân rộng mô hình nghiệp đoàn nghề cá

Chưa có đánh giá về bài viết

Nghiệp đoàn nghề cá xã Tam Quang (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) đã trở thành chỗ dựa vững chắc của ngư dân sau gần một năm đi vào hoạt động. Từ thành công bước đầu của mô hình này, các ngành chức năng đang xúc tiến nhân rộng ra phạm vi toàn tỉnh.

Chỗ dựa của ngư dân

Chủ tàu Trần Bẹn (thôn Sâm Linh Đông, Tam Quang) vẫn còn cảm giác lo sợ khi nhắc lại chuyện chiếc tàu QNa 91594 của mình bị hỏng máy trên biển cách đây gần 1 năm. Ông kể: “Ngoài tôi ra, trên tàu lúc ấy có mặt 12 thuyền viên, ai cũng hoảng sợ bởi lúc đó bão số 8 đang hoành hành mà tàu lại bị hỏng máy, trôi dạt cách vùng biển Quảng Nam đến vài trăm hải lý. Lúc đó tàu cá nào cũng mong tìm được chỗ trú ẩn an toàn nên khó nhờ ai giúp đỡ. May là nhờ liên lạc được với các đoàn viên trong nghiệp đoàn và chính họ đã thông báo về đất liền nên chúng tôi mới được lai dắt về nơi an toàn”. Sau khi về đất liền, ông Trần Bẹn và 12 ngư dân đã được các thành viên trong Nghiệp đoàn nghề cá xã Tam Quang đến thăm hỏi, động viên và chia sẻ. Ngoài ra, thông qua Liên đoàn Lao động huyện Núi Thành, nghiệp đoàn đã kết nối với Quỹ tấm lòng vàng của Báo Lao động hỗ trợ 100 triệu đồng để ông Bẹn sửa sang lại phương tiện, tiếp tục vươn khơi.

Tàu cá của Nghiệp đoàn nghề cá Tam Quang chuẩn bị ra khơi. Ảnh: N.Q.V 

Tàu cá của Nghiệp đoàn nghề cá Tam Quang chuẩn bị ra khơi. Ảnh: N.Q.V

Ông Nguyễn Văn Hữu – Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Núi Thành cho biết, sau khi đề xuất cấp trên hỗ trợ 250 triệu đồng cho chủ tàu cá Trần Bẹn sửa chữa phương tiện, Nghiệp đoàn nghề cá xã Tam Quang đã động viên 4 ngư dân khó khăn trong nghiệp đoàn lập hồ sơ đề nghị hỗ trợ xây dựng mới 4 ngôi nhà từ Quỹ mái ấm công đoàn. Hiện 4 ngôi nhà đã được xây dựng xong, giúp các ngư dân thêm yên tâm bám biển. Thời gian qua, ngoài việc đưa quy chế hoạt động đi vào nề nếp, nghiệp đoàn đã tổ chức buổi gặp mặt 187 đoàn viên để triển khai Nghị định 48 của Thủ tướng chính phủ về các hình thức và mức độ hỗ trợ khi khai thác hải sản trên các vùng biển xa của Tổ quốc. Nhờ vậy, các điều kiện để được hỗ trợ sản xuất được các đoàn viên thực hiện đầy đủ, nhanh chóng. “Từ khi thành lập nghiệp đoàn nghề cá, ngư dân xã Tam Quang có được một chỗ dựa vững chắc để yên tâm bám biển. Từ đây, ngư dân có một tổ chức chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của họ, góp phần nâng cao thu nhập, giải quyết các tranh chấp về lao động và kinh tế. Bên cạnh đó, nhờ tham gia nghiệp đoàn, ngư dân đã biết xây dựng được mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định. Thời gian qua, nghiệp đoàn đã đại diện cho người lao động trong mối quan hệ với chính quyền địa phương, với các cơ quan chức năng, đồng thời quan tâm đến cuộc sống gia đình của từng thành viên, đồng hành với họ trong các chuyến vươn khơi” – ông Hữu nói.


Thành lập thêm nhiều nghiệp đoàn

Theo ông Nguyễn Văn Thư – Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Núi Thành, sau gần một năm hoạt động, cùng với việc hỗ trợ, giúp đỡ, động viên ngư dân, Nghiệp đoàn nghề cá xã Tam Quang cũng góp phần nâng cao nhận thức của ngư dân về chấp hành các chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Cùng với đó, các quy định về khai thác và bảo vệ nguồn lợi hải sản, trách nhiệm, ứng xử khi tham bảo vệ chủ quyền, an ninh lãnh hải quốc gia cũng được ngư dân thực hiện rất tự nguyện. Ông Thư cho rằng để đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của đông đảo ngư dân trên địa bàn huyện, thời gian tới, đơn vị sẽ xúc tiến thành lập thêm các nghiệp đoàn nghề cá khác, trước mắt là xã Tam Hải và Tam Giang. “Để tiếp sức các đoàn viên tham gia nghiệp đoàn, thời gian tới chúng tôi sẽ giúp ngư dân tranh thủ các khoản hỗ trợ hiện có để đóng mới thêm tàu có công suất lớn, cải hoán nâng cấp tàu… Ngoài ra còn giúp ngư dân trang bị thêm các máy dò cá ngang, máy định vị, máy Icom. Việc xây dựng quỹ tương trợ của các nghiệp đoàn để chia sẻ thêm cho ngư dân khi gặp rủi ro trong quá trình sản xuất trên biển cũng đã được xúc tiến” – ông Thư nói.

Ông Lưu Văn Thương – Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh cho biết, trong năm 2013 này, tỉnh sẽ có cơ chế giúp đỡ 6 huyện, thành ven biển thành lập các nghiệp đoàn nghề cá. Do đặc thù lao động trên biển, nhất là trên các vùng biển xa, ngư dân rất cần sự liên kết bám biển. Nghiệp đoàn sẽ là cầu nối các hoạt động của họ. Bởi vậy, việc tuyên truyền về vai trò của nghiệp đoàn nghề cá rất được quan tâm để ngư dân tham gia vào các nghiệp đoàn. Theo ông Thương, để trải đều các nghiệp đoàn nghề cá trên địa bàn tỉnh, rất cần sự hỗ trợ về kinh phí từ cấp trên, cần sự quan tâm thường xuyên của các cấp, ngành trong hệ thống chính trị.

>> Cần tăng thêm các hình thức hỗ trợ đoàn viên

Hiện tại, mọi kế hoạch chuẩn bị cho sự ra mắt của nghiệp đoàn nghề cá xã Tam Hải (Núi Thành) đã hoàn tất. Ngư dân trên địa bàn xã rất háo hức được chính thức trở thành đoàn viên của nghiệp đoàn. Tuy nhiên do đặc thù bám biển quanh năm của ngư dân địa phương nên rất khó tập hợp đông đủ các phương tiện để tổ chức ra mắt. Nhiều ý kiến cho rằng, khi mở rộng các nghiệp đoàn nghề cá trên địa bàn tỉnh, ngoài chương trình hỗ trợ xây nhà từ quỹ mái ấm công đoàn, nghiệp đoàn nên mở rộng thêm các chương trình an sinh xã hội cho ngư dân như tặng quà cho con em ngư dân hiếu học, hỗ trợ tiền cho ngư dân nghèo, tổ chức khám và cấp thuốc miễn phí cho ngư dân…

Nguyễn Quang Việt

Báo Quảng Nam

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!