(TSVN) – Sáng nay, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia (BCĐQG) về chống khai thác IUU đã chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về IUU. Tham dự có Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, Phó trưởng Ban Thường trực BCĐQG về IUU; đại diện lãnh đạo các ban, Bộ, ngành ở Trung ương là thành viên BCĐQG về IUU; đại diện lãnh đạo UBND 28 tỉnh, thành phố ven biển.
Báo cáo của Tổng cục Thủy sản về kết quả triển khai chống khai thác IUU cho thấy, sau gần 5 năm, từ khi EC cảnh báo “thẻ vàng” với IUU, Thường trực Ban Bí thư, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương đã vào cuộc, có nhiều nỗ lực khắc phục những nhược điểm khai thác vi phạm các quy định của EC. Quốc hội đã thông qua Luật Thủy sản 2017, Chính phủ ban hành 2 nghị định, Bộ NN&PTNT ban hành 8 thông tư hướng dẫn để thực hiện. Theo đó, về cơ sở pháp lý, các văn bản và công tác chỉ đạo điều hành từ Trung ương đến các địa phương đã cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển nghề cá bền vững, có trách nhiệm và hội nhập quốc tế. Ngoài thành lập BCĐQG về IUU, lãnh đạo cấp cao đã tiếp xúc, trao đổi với lãnh đạo cấp cao của EC về cam kết, nỗ lực, quyết tâm chính trị của Việt Nam trong thực hiện IUU. Riêng công tác lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) trên tàu cá có chiều dài trên 15 m trở lên, cả nước hiện đạt 95,27% số tàu. Một số địa phương thực hiện tốt nhất là Quảng Ninh, Thừa Thiên Huế, Thanh Hóa, Ninh Bình, Cà Mau, Bình Định, Bình Thuận, Sóc Trăng…
Cả 28 tỉnh, thành phố ven biển đã tích cực hơn trong triển khai thực hiện nhiệm vụ, trong đó có việc siết chặt kiểm soát tàu cá ra – vào cảng, lao động trên tàu cá, truy xuất nguồn gốc thủy sản trong quá trình khai thác, giám sát sản lượng hải sản trong quá trình bốc dỡ trên cảng… Qua kiểm tra, giám sát, công tác xử phạt hành vi khai thác IUU trên cả nước đã được tăng cường.
Ảnh: VGP
Về phía các địa phương ven biển, tỉnh Quảng Ngãi cùng với Tiền Giang, Khánh Hòa, Phú Yên được Bộ NN&PTNT biểu dương vì đã thực hiện tốt các biện pháp chống khai thác IUU, giảm đáng kể các vụ việc tàu cá địa phương bị nước ngoài bắt giữ, xử lý. Như tại tỉnh Quảng Ngãi, số tàu cá chiều dài từ 15 m trở lên hoạt động khai thác thủy sản vùng khơi có 3.321 chiếc, trong đó hơn 98% đã được lắp đặt VMS. Số tàu cá chưa lắp đặt VMS là những tàu cá nằm bờ, tàu hoạt động ở ngoài tỉnh nhiều năm không về địa phương. Bộ đội Biên phòng, Chi cục Thủy sản và các địa phương đã gặp mặt các chủ tàu tuyên truyền, vận động và kiên quyết không cho ra khơi đối với các tàu cá không lắp đặt VMS. Các chủ tàu còn lại cam kết đến cuối tháng 9 sẽ lắp đặt thiết bị theo quy định. Từ đầu năm đến nay không có tàu cá của Quảng Ngãi bị nước ngoài bắt giữ. Đến nay, tỉnh Quảng Ngãi đã cơ bản kiểm soát, ngăn chặn tàu cá và ngư dân địa phương vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác hải sản trái phép, công tác quản lý tàu cá, truy xuất nguồn gốc, cấp xác nhận, chứng nhận thủy sản khai thác dần dần đi vào nề nếp, các cơ quan chức năng đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.
Tuy đạt được nhiều kết quả trong thực hiện chống khai thác IUU, nhưng theo Bộ NN&PTNT trên thực tế vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế cần khắc phục, như: Khung pháp lý vẫn còn một số bất cập; việc theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động của tàu cá còn nhiều hạn chế; tỷ lệ hải sản được truy xuất nguồn gốc còn thấp; thiết bị, hạ tầng nghề cá còn hạn chế, gây khó khăn trong thực hiện các giải pháp ngăn chặn khai thác IUU…
Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành liên quan ở Trung ương đã báo cáo kết quả thực hiện và nêu rõ những việc làm tích cực trong triển khai các giải pháp thực hiện, nêu những khó khăn, vướng mắc, thảo luận hướng khắc phục. Đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố ven biển cũng báo cáo quyết tâm chính trị và kết quả thực hiện, đưa ra các đề xuất, kiến nghị để thực hiện tốt hơn nữa các giải pháp chống khai thác IUU trong thời gian tới.
Tỉnh Quảng Nam kiến nghị Bộ NN&PTNT, Tổng cục Thủy sản chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thông tin kịp thời dự báo ngư trường khai thác cá biển, các loài hải sản nhằm giảm chi phí nhiên liệu tìm kiếm đàn cá, tăng thu nhập cho ngư dân; đồng thời, có cơ chế hỗ trợ việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào khai thác thủy sản. Ngoài ra, cần có chính sách đào tạo, thu hút lực lượng lao động tham gia hoạt động khai thác thủy sản trên biển; đào tạo, nâng cao nghiệp vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát tàu cá cho bộ phận làm công tác kiểm tra, kiểm soát tại Chi cục Thủy sản và Văn phòng Kiểm soát nghề cá của tỉnh.
Còn Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang kiến nghị với Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan ở Trung ương cần quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng cho nghề cá nói chung. Thanh Hóa có 3 cảng cá thuộc thẩm quyền đầu tư của Bộ NN&PTNT nhưng ít được đầu tư, hiện tượng bồi lắng khiến nhiều tàu khó khăn khi vào cảng nên đã đi tỉnh khác, dẫn đến khó khăn trong quản lý. Cùng đó, mong muốn Chính phủ tăng cường hỗ trợ nâng cao đời sống ngư dân, người dân vùng biển, xem việc khai thác hải sản gắn liền với bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia…
Kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành khẳng định vai trò lãnh đạo và quyết tâm của Đảng, Quốc hội, Nhà nước trong việc ngăn chặn tình trạng khai thác IUU; lãnh đạo Nhà nước cũng có nhiều cuộc tiếp xúc, làm việc với lãnh đạo các nước trong khối EC, mong sớm được tháo gỡ “thẻ vàng”, tạo sự phát triển bền vững cho ngư dân. Theo Phó Thủ tướng, việc vi phạm trong quá trình khai thác chỉ ở một bộ phận nhỏ ngư dân, nhưng làm ảnh hưởng chung tới hàng triệu ngư dân khác, ảnh hưởng đến tình hình xuất, nhập khẩu hàng hóa sang thị trường châu Âu, ảnh hưởng đến uy tín của đất nước.
Những kết quả đạt được thời gian gần đây là đáng ghi nhận, song trên thực tế vẫn còn một số tồn tại lớn cần tháo gỡ ngay. Cụ thể, sự chuyển biến còn chậm; việc đăng ký cấp phép tàu cá chưa đạt yêu cầu; tiến độ lắp đặt giám sát hành trình tàu cá giai đoạn cuối còn chậm; số vụ khai thác vi phạm vùng biển nước ngoài ngày càng tăng, đã có hơn 700 ngư dân bị các nước bắt giữ. Nếu những tồn tại lớn này không khắc phục được ngay, thời gian tới thủy sản Việt Nam còn bị EC rút “thẻ đỏ”, vô cùng khó tháo gỡ, không thể xuất được thị trường châu Âu.
Ngày 19/10 tới, đoàn công tác EC sẽ sang Việt Nam kiểm tra, nên các bộ, ngành, địa phương phải nghiêm túc chấp hành các văn bản chỉ đạo từ Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Trong những ngày tới, các địa phương phải khẩn trương ban hành văn bản chỉ đạo các tổ chức, cá nhân, cơ sở, giao nhiệm vụ cho các xã ven biển thực hiện các giải pháp cấp bách chống khai thác IUU. Cùng với đó, phải tổ chức các đoàn kiểm tra để phát hiện, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, những tàu không đăng ký cấp phép, chưa lắp thiết bị giám sát hành trình. Từng địa phương phải thành lập các kịch bản tiếp đón đoàn công tác EC sẽ đi kiểm tra ngẫu nhiên. Bộ NN&PTNT phối hợp với các lực lượng Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát Biển tuần tra phát hiện, ngăn chặn các hoạt động khai thác trái phép; đồng thời hướng dẫn ngư dân khai thác trên biển thực hiện đúng các quy định. Tất cả các bộ, ngành, địa phương phải coi đây là nhiệm vụ cấp bách, đồng thời là nhiệm vụ lâu dài, vì sự phát triển bền vững của nghề biển.
Hồng Hạnh