Australia là thị trường NK tôm đứng thứ 16 trên thế giới, chiếm 1,4% tổng giá trị NK tôm của toàn thế giới năm 2016.
Australia là thị trường NK tôm đứng thứ 16 trên thế giới
Mỗi năm trung bình Australia NK khoảng 40 nghìn tấn tôm từ các nguồn cung trên thế giới. Trong 5 năm (2012-2016), khối lượng NK tôm vào Australia đạt cao nhất 45,5 nghìn tấn năm 2012 và đạt thấp nhất 38,3 nghìn tấn năm 2015.
Chín tháng đầu năm 2017, giá trị NK tôm của Australia đạt 207,9 triệu USD; tăng 7,9% so với cùng kỳ năm 2016. Việt Nam là nguồn cung tôm lớn nhất cho Australia, chiếm 35,6% tổng giá trị NK tôm của Australia. Thái Lan là nguồn cung lớn thứ hai, chiếm 27,4%. Tiếp đó là Trung Quốc chiếm 24,5%. Trong 3 nguồn cung tôm lớn nhất cho Australia, NK từ Việt Nam và Thái Lan tăng lần lượt 15,4% và 28,4% trong khi Trung Quốc giảm 12,6%.
Trong số các nguồn cung chính cho Australia, NK từ Myanmar tăng mạnh nhất 429% so với cùng kỳ năm 2016.
Tôm nước ấm nguyên liệu đông lạnh (HS 030617) là sản phẩm chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng NK tôm vào Australia, tiếp đó là tôm chế biến (HS160521). Chín tháng đầu năm 2017, tôm nước ấm nguyên liệu đông lạnh chiếm 39,8% tổng NK tôm vào Australia trong khi tôm chế biến chiếm 35%.
NK tôm chế biến trong thời gian này tăng gần 108% trong khi NK tôm đông lạnh nguyên liệu giảm 31,8%. Nguyên nhân là do Australia đưa ra lệnh cấm NK tôm chưa nấu chín vào đầu năm nay để ngăn ngừa virut đốm trắng lây lan vào tôm nuôi của nước này. Giá tôm trên thị trường Australia trong thời gian này cũng tăng từ 10-15% do nguồn cung giảm. Mặc dù, tính tới hiện tại, Australia đã gỡ bỏ lệnh cấm NK tuy nhiên điều kiện NK khắt khe hơn nên NK tôm nguyên liệu đông lạnh vào nước này vẫn thấp.
Trên thị trường Australia, tôm Việt Nam không phải cạnh tranh về giá với nước đối thủ. Năm 2016, giá tôm NK từ Việt Nam vào Australia đạt 7,4 USD/kg; trong khi tôm Trung Quốc và Thái Lan có giá lần lượt 7,5 USD/kg và 7,2 USD/kg; tôm NK từ Ấn Độ vào Australia đạt 11,8 USD/kg. Ngày càng có nhiều người tiêu dùng Australia lựa chọn tôm đông lạnh NK từ các nước châu Á như Thái Lan và Việt Nam do giá thành thấp hơn và chất lượng ngày càng được cải thiện.
Australia đang có xu hướng thu hẹp số lượng thị trường NK và tập trung NK vào một số thị trường chính. Bên cạnh đó, yêu cầu chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm thủy sản NK vào Australia rất khắt khe nên ít nhà cung cấp có thể đáp ứng được các tiêu chuẩn này. Các tiêu chuẩn nghiêm ngặt đối với thủy sản NK cũng được cho là một biện pháp bảo hộ của chính phủ Australia đối với ngành sản xuất, chế biến và XK thủy sản trong nước. Do các rào cản quá khắt khe nên Australia gần như không phải là thị trường “hấp dẫn” đối với nhiều nhà cung cấp trên thế giới.