Nhật Bản: Nâng cao chất lượng cá nuôi qua hệ thống nhân giống mới

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Nhật Bản mới đây đã đạt được tiến bộ trong việc cải thiện di truyền cá ngừ bông, thông qua một quy trình thường xuyên kích thích các đặc điểm mong muốn của loài.

Trung tâm Nghiên cứu Thủy sản của Đại học Ehime tại Ainan, Nhật Bản đã đưa cá ngừ bông ra thị trường thông qua Triển lãm Thủy sản Osaka vào năm 2020.

Cá ngừ bông được nuôi tại trường đại học Ehime. Ảnh: Trường đại học Ehime

Trước đây, cá ngừ bông là sản phẩm khai thác tự nhiên, nhưng sau này các nhà nghiên cứu tại Nhật Bản đã bắt đầu nhận thấy loài này có một số đặc điểm phù hợp để nuôi trồng thương mại, như: trưởng thành sớm, kích thước dễ quản lý, hương vị tương tự cá ngừ vây xanh.

“So với cá ngừ vây xanh, cá ngừ bông nhỏ hơn, dễ quản lý hơn trong môi trường nuôi, và lớn nhanh hơn”, Giáo sư Takahiro Matsubara của Đại học Ehime cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản (MAFF), “Vì vậy, chúng tôi tin rằng cá ngừ bông là một đối tượng nuôi tiềm năng cho lợi nhuận tốt, đồng thời hương vị của cá ngừ bông thơm ngon như cá ngừ vây xanh. Những nghiên cứu này rất phù hợp trong bối cảnh quốc tế đang thắt chặt các quy định khai thác cá tự nhiên”.

Trọng lượng thu hoạch của cá ngừ bông là 2 kg, đồng nghĩa với việc loài cá này có thể được nuôi trong lồng cùng kích thước với cá cam, cá tráp biển; trong khi đó cá ngừ vây xanh đòi hỏi lồng nuôi lớn hơn. Do các trại nuôi cá ở Ehime hầu hết có quy mô vừa và nhỏ, nên số vốn đầu tư ban đầu đối với một đối tượng đang nghiên cứu không quá lớn – là quan tâm hàng đầu của trường.

Thông qua việc tinh chỉnh hệ thống gây giống sáng tạo của mình, Ehime bắt đầu kích thích sinh sản sớm, sử dụng dữ liệu để phân tích gen góp phần cải thiện hương vị cá và bảo quản đông lạnh các tế bào gốc chất lượng cao. Những phương pháp này đóng góp rất lớn cho sự phát triển nhanh chóng của các tính trạng tốt đẹp của đối tượng nuôi. Thậm chí cho phép các nhà nghiên cứu tại trường đại học bảo tồn di truyền của những loài cá chất lượng cao đã chết.

Với nghiên cứu của mình, Ehime hy vọng có thể áp dụng hệ thống này cho các loài khác để đạt được kết quả chất lượng trong thời gian ngắn hơn so với các phương pháp lai tạo truyền thống.

An Vy

Theo Seafoodsource

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!