“Sau nhiều cố gắng nỗ lực đề nghị từ phía cơ quan thẩm quyền Việt Nam, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản đã điều chỉnh giới hạn dư lượng tối đa cho phép (MRL) của Trifluralin (một hoạt chất diệt cỏ sử dụng trong cải tạo môi trường nuôi thủy sản) trong sản phẩm thuỷ sản từ 0,001 ppm lên 0,5 ppm”. Dẫn thông tin từ Thương vụ mại Việt Nam tại Nhật Bản, Cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản (Bộ NNPNT) đã cho biết như vậy.
Theo Cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản, Cục đã yêu cầu các doanh nghiệp chế biến thuỷ sản xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản cập nhật quy định của Nhật Bản về MRL của Trifluralin trong thuỷ sản để điều chỉnh các biện pháp kiểm soát phù hợp khi xuất khẩu thuỷ sản vào Nhật Bản.
Ngoài ra, trong tháng 4 vừa qua, cơ quan thẩm quyền Nhật Bản đã cảnh báo liên tiếp 6 lô hàng tôm đông lạnh của Inđônêxia nhập khẩu vào Nhật Bản về chỉ tiêu Benzalkonium chloride (BKC). Theo quy định của Nhật Bản, BKC không được phép sử dụng trong sản xuất thuỷ sản/thực phẩm và có mức giới hạn mặc định là 0,01ppm.
Hiện nay, tại Việt Nam, BKC nằm trong danh mục thuốc thú y, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, hoá chất dùng trong thú y thuỷ sản được phép lưu hành tại Việt Nam với công dụng diệt các loài vi khuẩn, nguyên sinh động vật, nấm trong các ao nuôi và sát trùng dụng cụ nuôi, bể ương.
Theo bà Trần Bích Nga, Phó cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản, các doanh nghiệp chế biến thuỷ sản cần chủ động nhận diện và kiểm soát mối nguy BKC trong sản xuất các sản phẩm thuỷ sản nuôi xuất khẩu vào Nhật Bản để tránh các vướng mắc xảy ra khi lô hàng bị cảnh báo. Các trung tâm chất lượng nông lâm thuỷ sản vùng cập nhật các quy định của Nhật Bản để phục vụ cho hoạt động kiểm tra, kiểm nghiệm và chứng nhận chất lượng, an toàn thực phẩm đối với các lô hàng thuỷ sản xuất khẩu vào Nhật Bản.
Vừa qua, Nhật Bản cũng đã dỡ bỏ quy định kiểm tra Trifluralin đối với 100% lô tôm nhập khẩu từ Việt Nam vào thị trường này và đưa về kiểm tra giám sát bình thường.