Đi theo con đường thâm canh, với trình độ cơ giới hóa, thủy lợi hóa, hóa học hóa và điện khí hóa hàng đầu thế giới, cùng những chính sách hiệu quả, Nhật Bản trở thành một điểm sáng của ngành nông nghiệp thế giới.
Nhật Bản đã hình thành một số hợp tác xã (HTX) nhằm phục vụ các hoạt động tín dụng của nông dân từ năm 1843. Năm 1900, Luật HTX Nhật Bản đầu tiên ra đời nhằm quy định cho 5 loại hình HTX gồm HTX tín dụng, tiếp thị, mua bán, sản xuất và tiêu dùng. Năm 1947, Luật HTX nông nghiệp của Nhật Bản chính thức được ban hành.
Tuy nhiên, chính sách hỗ trợ nông nghiệp kéo dài của Nhật Bản đã đẩy giá nông phẩm nội địa lên cao nhưng làm giảm sức mua của người tiêu dùng và gây tổn thương các nhà cung cấp khác trên cơ sở tạo ra các ảnh hưởng kinh tế mang tính dây chuyền. Nhưng Nhật Bản luôn có chính sách hỗ trợ kịp thời để khuyến khích phát triển nông nghiệp như: hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, cung cấp các trang thiết bị, vật tư cho nông nghiệp, cung cấp thông tin, cho vay vốn tín dụng và hình thành các HTX và tổ chức kinh tế hợp tác dịch vụ nông nghiệp.
GS.TS Yoshiharu Fujii, Trường Đại học Nông nghiệp và Công nghệ Tokyo cho biết, HTX nông nghiệp được xây dựng trên cơ sở cộng đồng nông thôn để tạo quan hệ cộng đồng vững chắc được bắt nguồn từ bên trong cộng đồng làng xã. Tuy nhiên, ông cũng đề cập đến một trong những vấn đề nghiêm trọng trong nông nghiệp và phát triển nông thôn ở Nhật Bản là việc ngày càng có nhiều đất nông nghiệp bị bỏ hoang, nông dân ngày càng già đi trong khi lớp trẻ kế cận việc làm nông ở nông thôn ngày càng thiếu. Chính vì thế, Nhật Bản đã phát động chiến dịch “một làng xã, một sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu” và đã lan tỏa khắp Nhật Bản với hơn 300 sản phẩm nông nghiệp được phát triển ở Ohita, tạo doanh thu khoảng 100 triệu USD/năm.
Nhật Bản tăng cường đầu tư cho ngành nông nghiệp
Đối với dịch vụ cung ứng vật tư cho sản xuất nông nghiệp, hệ thống HTX nông nghiệp Nhật Bản đứng đầu là Liên hiệp HTX Nông nghiệp quốc gia Nhật Bản (ZEN-NOH) đảm đương 55% thị phần của 15 loại phân bón chính của cả nước; 37% thị phần hóa chất nông nghiệp và 30% thị phần thức ăn tổng hợp. Việc phân phối, cung cấp dịch vụ sản xuất nông nghiệp cho xã viên được thực hiện theo hệ thống xuyên suốt từ ZEN-NOH đến Liên đoàn Kinh tế và HTX Nông nghiệp đa năng. Ngoài ra, HTX Nông nghiệp Nhật Bản còn cung cấp các nhu yếu phẩm cho xã viên với giá hợp lý và chất lượng cao thông qua hệ thống trung tâm mua sắm, siêu thị nhỏ, cây xăng, cửa hàng kinh doanh…
Hệ thống HTX nông nghiệp của Nhật Bản được xem là cầu nối giữa người sản xuất và người tiêu dùng nhằm mục tiêu đưa nông sản từ trang trại tới bàn ăn với chất lượng, giá cả, thời gian nhanh nhất. Qua đó, HTX nông nghiệp còn có thể điều chỉnh giá theo mùa, tránh trung gian ép giá, nâng cao sức cạnh tranh của các sản phẩm, cân đối cung cầu. Khâu tiếp thị và phân phối hàng nông sản thông qua HTX nông nghiệp Nhật Bản được thực hiện qua các khâu phối hợp cùng vận chuyển; phối hợp lựa chọn sản phẩm; phối hợp tiêu thụ và phối hợp điều chỉnh cung cầu để ổn định giá cả.
Hiện, hệ thống HTX nông nghiệp Nhật Bản đã xây dựng các kho lạnh nhằm bảo quản sản phẩm. Hình thức thanh toán trong quá trình giao dịch được HTX áp dụng cho nông dân theo hình thức ủy thác vô điều kiện để nông dân có thể gửi các sản phẩm bán mà không yêu cầu về giá, thời gian và nơi bán sản phẩm; Phí dịch vụ trên thực tế giúp người nông dân tiêu thụ sản phẩm nhưng họ phải trả cho tiền phí dịch vụ để chi trả các chi phí giao dịch và chi phí vận chuyển các sản phẩm và thanh toán chung giúp người nông dân chuyên chở và bán sản phẩm để có được giá cả ổn định. Với cách làm này, lợi thế kinh tế của quy mô từ việc phân bổ và tiếp thị với số lượng lớn sẽ mang lại lợi nhuận cao hơn cho người nông dân.
Nhằm trợ giúp cho việc tiêu thụ nông sản cho xã viên của các HTX nông nghiệp tại các chợ bán buôn trong cả nước, chính phủ Nhật Bản đã ban hành luật bán buôn. Theo đó, các chợ đầu mối bán buôn trên cả nước đều được hình thành và hoạt động bởi các công ty tư nhân. Các chợ này sẽ trả một khoản hoa hồng nhất định cho người bán buôn các loại hàng hóa dễ bị thối hỏng nhằm ổn định giá cả. Chính vì vậy, thị phần bán buôn của các loại nông sản hàng hóa của HTX nông nghiệp tại Nhật Bản khá cao (rau: 80,3%, quả: 57,2%, thủy sản: 68,6%, thịt bò: 22,5%, thịt lợn: 12,8%, hoa: 83,7%…).
Nguyên tắc hoạt động của HTX tín dụng nông nghiệp là hoạt động tương hỗ. HTX nông nghiệp huy động vốn từ xã viên có tiền nhàn rỗi cho xã viên có nhu cầu vay để sản xuất. Hiện, nguồn huy động vốn đã tăng quá nhu cầu cho vay và số vốn dôi dư này được chuyển cho Ngân hàng Nông, lâm, ngư nghiệp trung ương để phục vụ cho các ngành khác. Bên cạnh đó, HTX còn là nơi tiếp nhận vốn cho vay và hỗ trợ lãi suất từ Chính phủ nhằm đảm bảo cung cấp nguồn vốn dài hạn với lãi suất thấp cho xã viên sản xuất nông nghiệp. Tổ chức tín dụng HTX nông nghiệp còn tiến hành nhiều hoạt động như chiết khấu hóa đơn, giao dịch trao đổi trong nước, bảo lãnh pháp lý, giao dịch ngoại hối. Đó là lý do vì sao mà Nhật Bản có nền công nghiệp và dịch vụ phát triển, nhưng họ vẫn chú trọng vào phát triển nông nghiệp và phần lớn người nông dân Nhật Bản đều tham gia HTX nông nghiệp.