(TSVN) – Nhận thấy khó khăn trong việc gia nhập thị trường sò điệp tươi sống tại Mỹ – vốn đang “thuộc” về Trung Quốc, Nhật Bản đang lên kế hoạch quyết tâm xuất khẩu sò điệp dùng cho món sashimi sang xứ cờ hoa.
Từ cuối tháng 8/2023, ngành sò điệp Nhật Bản đã dốc sức đa dạng hóa sản phẩm để phần nào bù đắp giá trị xuất khẩu của các sản phẩm thủy sản bị Trung Quốc “cấm cửa”, sau sự kiện Nhật Bản xả nước thải đã qua xử lý từ nhà máy hạt nhân Fukushima ra Thái Bình Dương.
Chế biến sò điệp tại một nhà máy ở Ensenada, Baja California, Mexico.
Trung Quốc vốn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của sò điệp Nhật Bản trước khi lệnh cấm được ban hành. Năm 2022, khoảng 143.000 tấn sò điệp nguyên liệu Nhật Bản được xuất khẩu sang Trung Quốc, trong đó 30.000-40.000 tấn là sản phẩm có vỏ. Trong một thập kỷ qua, Nhật Bản đã mở rộng thị trường sò điệp, đặc biệt tại Mỹ, thông qua hai kênh phân phối khác nhau: (1) lột vỏ và cấp đông tại thời điểm thu hoạch rồi xuất khẩu trực tiếp, và (2) cấp đông sò điệp có vỏ để tái chế biến tại các quốc gia như Trung Quốc. Các sản phẩm này sau đó được tái cấp đông và chuyển sang Mỹ.
Nếu như tại Nhật Bản, sò điệp thường được dùng cho các món sashimi và sushi, thì người tiêu dùng EU thường áp chảo còn người Mỹ quen dùng với món nướng. EU thích sò điệp cỡ nhỏ trong khi Mỹ thích loại to.
Một nguồn tin cho rằng, kể từ sau lệnh cấm của Trung Quốc, các nhà xuất khẩu Nhật Bản đã lên kế hoạch tái chế biến sò điệp tại Việt Nam và Thái Lan, sau đó vận chuyển khoảng 200 tấn thịt sò điệp đông lạnh sang thị trường Mỹ trong năm 2024. Theo đó, chính phủ Nhật Bản đã hỗ trợ các hoạt động tách vỏ sò điệp tại một số quốc gia.
Sau Hội chợ Triển lãm thủy sản Bắc Mỹ (SENA), một đoàn công tác gồm 14 công ty chế biến và xuất khẩu thủy sản Nhật Bản đã tới thăm các cơ sở chế biến tại Ensenada, bang Baja California, Mexico trong 4 ngày. Đây là hoạt động nằm trong dự án thí điểm sản xuất sò điệp Nhật Bản tại Mexico nhằm tái xuất sang Mỹ của Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO). Ensenada cách biên giới Mỹ khoảng 100 km.
Theo kế hoạch, sò điệp xuất sang Mỹ là loại cỡ to, còn sò điệp cỡ nhỏ sẽ được bán trực tiếp tại thị trường Mexico. JETRO đã sắp xếp các buổi làm việc với 15 công ty nhập khẩu Mỹ tại Los Angeles và 6 đơn vị phân phối Mexico tại Baja California. Cùng lúc đó, thử nghiệm chế biến đang được tiến hành tại 3 nhà máy ở Mexico, gồm: Atenea en el Mar, Baja Marine Foods, và Productos Marinos ABC. JETRO cho biết: “Chúng tôi có thể tận dụng nhân công giá rẻ tại Mexico. Chúng tôi muốn mở rộng thị trường sò điệp dùng cho món sashimi tại Mỹ”.
Sau khi Mỹ trở thành thị trường xuất khẩu sò điệp lớn thứ 2 của Nhật Bản vào năm 2023, JETRO hy vọng số người tiêu dùng Mỹ (chủ yếu ở phía đông và các bờ biển phía tây) sẽ tăng lên. Theo JETRO, số lượng các nhà hàng Nhật Bản tại Mỹ đã tăng xấp xỉ 1,8 lần từ 14.129 (năm 2010) lên 26.040 (năm 2023).
An Vy (Theo Undercurrentnews)