(TSVN) – Theo Nikkei Asia, sản lượng thu hoạch tảo nori – loại rong biển không thể thiếu trong ẩm thực Nhật Bản – đã đạt mức thấp nhất trong 51 năm trở lại đây.
Tảo nori thuộc giống tảo đỏ Pyropia và nguyên nhân sản lượng sụt giảm là do thủy triều đỏ bùng phát ở Biển Ariake, khu vực sản xuất rong biển lớn nhất của Nhật Bản, do lượng mưa thấp và nhiệt độ đại dương cao.
Theo Nikkei Asia, mực nước sông thấp dẫn đến việc giảm các chất dinh dưỡng quan trọng nitơ và phốt pho, dẫn đến chất lượng thấp, rong biển đổi màu, nhưng giá thu mua vẫn tăng 46%, đồng thời giá rong biển bán lẻ dùng trong gia đình cũng sẽ tăng tới 40% bắt đầu từ tháng này.
Trang trại tảo nori ở biển Ariake, Nhật Bản. Ảnh: TFS
Trong vụ thu hoạch rong biển kéo dài từ tháng 11/2022 đến ngày 15/5/2023, Nhật Bản đã sản xuất khoảng 4,8 tỷ tấm nori, lần đầu tiên giảm xuống dưới 5 tỷ tấm sau 52 năm, theo dữ liệu từ Hội đồng xúc tiến kinh doanh rong biển của Liên đoàn nghề cá quốc gia. Trong khi đó, giá bán trung bình trên toàn quốc là 17,24 JPY/tấm (0,12 USD/tấm) (kích thước mỗi tấm 19×21 cm) và lần đầu tiên vượt mốc 17 JPY sau 40 năm.
Nhật Bản là nước sản xuất tảo đỏ Pyropia lớn thứ ba thế giới, sau Trung Quốc và Hàn Quốc. Mặc dù sản lượng thu hoạch Pyropia đang tăng đều đặn ở hai quốc gia dẫn đầu thì Nhật Bản lại có sự suy giảm dần sau khi khối lượng thu hoạch cao nhất của ngành là 480.000 tấn (trọng lượng ướt) vào năm 1994. Năm 2020, sản lượng thu hoạch đã giảm xuống chỉ còn 288.000 tấn.
Cũng như các vấn đề liên quan đến khí hậu, sản xuất tảo biển ở Nhật Bản bị hạn chế do thiếu lao động sẵn có bởi dân số già và mức độ tự động hóa thấp trong quy trình canh tác.
Linh Linh
Theo Thefishsite