T6, 25/02/2022 01:57

Nhật Bản: Xuất khẩu thủy sản tăng trong năm 2021

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Theo số liệu thống kê từ Bộ Tài chính Nhật Bản, xuất khẩu thủy sản của nước này đã phục hồi trong năm 2021 và trong một số mặt hàng còn vượt qua mức trước đại dịch.

Sự phục hồi này phù hợp với tuyên bố của chính phủ vào tháng 12/2021 rằng giá trị hàng năm của xuất khẩu nông, lâm nghiệp và thủy sản của Nhật Bản trong năm sẽ lần đầu tiên vượt quá 1 nghìn tỷ JPY (8,7 tỷ USD). Con số này đạt được nhờ sự gia tăng đáng kể các lô hàng thịt bò đến Mỹ, rượu sake đến Trung Quốc, và các mặt hàng đa dạng khác như rượu whisky, gỗ và ngọc trai.

Dữ liệu về cá, động vật giáp xác, động vật thân mềm và các động vật không xương sống thủy sinh khác (Chương 3 của Biểu thuế hài hòa) đã cho thấy sự phục hồi sau các tác động của đại dịch và thậm chí vượt qua mức trước đại dịch.

Ảnh: The Japan Times

Xuất khẩu của Nhật Bản trong danh mục này (bao gồm một lượng nhỏ cá cảnh và cá giống) năm 2021 đạt giá trị 202,77 tỷ JPY (1,75 tỷ USD), tăng 39% so năm 2020, 21% so năm 2019 và 15% so năm 2018.

Trong danh mục các chế phẩm từ cá (mã HS 16.03 và 16.04), bao gồm các mặt hàng như trứng cá và bột nhão, xuất khẩu trong năm 2021 đạt 65,05 tỷ JPY (560 triệu USD) và dữ liệu hàng năm cho thấy xu hướng phục hồi từ năm 2020, mặc dù không đạt đến mức trước đại dịch.

Giá trị vận chuyển trong năm 2021 đã tăng 10% so với 59,10 tỷ JPY (510 triệu USD) vào năm 2020, nhưng vẫn giảm 9% so với 68,67 tỷ JPY (590 triệu USD) vào năm 2019 và giảm 12% so với 73,69 tỷ JPY (630 triệu USD) năm 2018.

Các mặt hàng thủy sản xuất khẩu chính của Nhật Bản là sò điệp, cá thu, cá đuôi vàng, cá ngừ và hải sâm chế biến. Các lô hàng xuất khẩu sang các thị trường lớn như Trung Quốc, Hồng Kông và Mỹ đều tăng. Trung Quốc cũng đã vượt Hồng Kông để trở thành nhà nhập khẩu hàng đầu của Nhật Bản với mặt hàng chính là sò điệp.

Xuất khẩu sò điệp đã tăng 104%. Nguyên nhân là đơn giá tăng do nhu cầu ăn uống ở Trung Quốc và Mỹ phục hồi và tác động của việc giảm sản lượng tại Mỹ. Các lô hàng cá cam (seriola) đông lạnh cũng tăng 43% do nhu cầu dịch vụ thực phẩm tại Mỹ tăng trở lại, trong đó chủ yếu là fillet đông lạnh.

Trong số các loại thủy sản chế biến sẵn, giá trị xuất khẩu hải sâm giảm 14% do nhu cầu từ Hồng Kông giảm. Các loại sò điệp (thường được sấy khô) cũng có nhu cầu ít hơn từ Hồng Kông, một phần do các lô hàng lớn trong năm 2020 tồn kho ở mức cao.  

Hải Phong

Theo Seafoodsource

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!