Nhất thiết phải lập giá sàn thu mua

Chưa có đánh giá về bài viết

Sau một giai đoạn giá tăng cao, người ta ngỡ rằng cá tra sẽ trở lại thời kỳ “hoàng kim”, nhưng “niềm vui ngắn chẳng tày gang”, giá cá rớt thê thảm, người nuôi rơi vào đường cùng. Vậy, cách nào để lấy lại sự công bằng cho họ? Để phần nào giải đáp cho câu hỏi này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Tiến sỹ Nguyễn Việt Thắng – Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam (ảnh).

Mặc dù được dự báo sẽ khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ, nhưng đến thời điểm này, biến động cá tra đã vượt qua khả năng kiểm soát của các nhà quản lý. Vậy theo ông, nguyên nhân là do đâu?

Trong nhiều năm nay, mặc dù Việt Nam là nước xuất khẩu gần như độc quyền về cá tra, nhưng chúng ta vẫn không thể khẳng định được thế mạnh đó mà hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường, vào các nhà nhập khẩu. Do vậy, trong điều kiện kinh tế khó khăn như hiện nay, việc các nhà nhập khẩu giảm sản lượng mua hàng đã dẫn đến tình trạng ứ đọng trong nước.

Một điều đáng nói là năm nay hoàn toàn không có tình trạng cung vượt quá cầu, mà sản lượng cá tra nguyên liệu trong nước vẫn nằm trong kế hoạch sản xuất (đó là 1,2 triệu tấn nguyên liệu năm 2012). Nên không thể nói đây là tình trạng dư thừa. Mà nguyên nhân thừa chỉ là do nhu cầu tiêu thụ của thị trường thế giới, đặc biệt là EU giảm, doanh nghiệp không xuất khẩu được nhiều, dẫn đến việc tồn đọng cá nguyên liệu trong dân.

Mặt khác, trong một thời gian dài, ngân hàng thắt chặt tín dụng cộng với lãi suất cao khiến doanh nghiệp không thể tiếp cận được nguồn vốn, nên không thể thu mua cá dự trữ như những năm trước. Hơn nữa, cũng do khó khăn nên nhiều người nuôi yêu cầu phải thanh toán ngay bằng tiền mặt và không cho thiếu nợ nên doanh nghiệp cũng khó có thể thu mua được. Nhiều lý do cộng lại đã khiến giá cá tra nguyên liệu giảm sút như trong thời gian qua.

 

Với giá cả lên xuống thất thường như vậy, người ta đang nghĩ đến nhiều phương án để “giải cứu” người nuôi cá tra. Theo ông, cách nào là hữu hiệu?

Hiện nay, giá cá tra nguyên liệu dường như vẫn đang bị thả nên người nuôi thu lãi thì ít mà chịu lỗ thì nhiều. Việc này lặp đi lặp lại trong nhiều năm nay nhưng vẫn không có cách khắc phục. Và chịu thiệt thòi nhiều nhất và cuối cùng vẫn là người nuôi. Tuy nhiên, chưa khi nào mà người nuôi cá chịu lỗ nặng như thời gian vừa qua, do vậy, cần cấp bách cứu họ. Theo tôi, biện pháp tốt nhất là đặt giá sàn thu mua nguyên liệu cho cá tra. Việc này cần phải thực hiện ngay và thực hiện đồng bộ giữa các cấp ngành, giữa nhà nước, doanh nghiệp và người nuôi.

 

Cụ thể sẽ thực hiện như thế nào, thưa ông?

Việc thực hiện giá sàn trong thu mua nguyên liệu nghe tưởng chừng phức tạp, nhưng thực chất hoàn toàn có thể làm được. Tuy nhiên, cần phải có sự vào cuộc của các nhà quản lý và các nhà khoa học, cũng như những nhà chuyên môn, để có sự tính toán cụ thể và chính xác. Các đơn vị, ban ngành sẽ phải cùng ngồi lại để tính toán kỹ các chi phí đầu vào, từ con giống, thức ăn, thuốc thú y thủy sản… nhằm cho ra giá sàn hợp lý. Và nó sẽ là trung bình của các chi phí đầu vào.

Thiết lập giá sàn trong thu mua cá tra nguyên liệu có thể là một phương án để “giải cứu” người nuôi                                Ảnh: Lê Hoàng

  Nhưng hiện nay, trong điều kiện chúng ta chưa nắm được giá các nguyên liệu đầu vào thì việc đặt giá sàn thu mua sẽ khó và có thể khiến người nuôi bị thiệt hơn?

Việc thực hiện giá sàn không phải để áp dụng cho một năm hay một vụ, mà nó thực hiện theo từng thời điểm. Do vậy, sẽ không có chuyện khiến người nuôi thiệt. Hơn nữa, việc đưa ra giá sàn đã được tính toán rất kỹ, trung bình của các chi phí đầu vào, nhằm đảm bảo hợp lý để người nuôi không lỗ. Việc này cần phải làm một cách công khai, minh bạch.

Tuy nhiên, chúng ta thực hiện tính giá theo mức chung của thị trường chứ không phải mức chi phí đầu tư đặt ra của các hộ nuôi, nên cũng khó tránh khỏi những ý kiến về giá, bởi có người kêu nhiều, có người nói ít. Và chúng ta áp dụng giá sàn là để đảm bảo người nuôi không bị lỗ, chứ không thể đảm bảo là mức giá sàn cho họ lãi nhiều hay lãi ít được.

 

Vậy giá sàn thu mua nguyên liệu này sẽ thực hiện khi nào và cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm chính, thưa ông?

Như tôi đã nói, việc thực hiện giá sàn này phải làm ngay bây giờ và cần sự vào cuộc của tất cả các cấp ngành. Nhà nước cũng phải có chính sách đối với việc thu mua cá tra nguyên liệu giống như đối với việc thu mua dự trữ lúa gạo như hiện nay. Ngân hàng và doanh nghiệp cũng cần phải vào cuộc và có trách nhiệm hỗ trợ khâu đầu ra. Và Hội Nghề cá Việt Nam sẵn sàng đứng ra làm cầu nối giữa các nhà, điều hành, theo dõi và giám sát các khâu thực hiện trong chu trình này. n

Trân trọng cảm ơn ông!

 

>> Đến thời điểm hiện nay, giá cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL dao động ở mức 20.000 – 22.500 đồng/kg, tăng nhẹ so với giữa tháng 7/2012. Tuy nhiên, với mức giá này, người nuôi vẫn bị lỗ từ 2.000 – 3.000 đồng/kg. Nhiều hộ nuôi đã phải “ém cá” chờ giá tăng hay treo ao, chuyển sang nuôi thủy sản khác…

Thu Hồng

(Thực hiện)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!