Nhiều biến động thị trường thủy sản toàn cầu

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Chiến sự giữa Nga và Ukraine chưa hạ nhiệt, thì hàng loạt ổ dịch COVID-19 mới bùng phát tại Trung Quốc – mắt xích quan trọng nhất trong chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu, khiến thị trường thủy sản thế giới liên tục chao đảo.

Chi phí tăng

Chiến sự giữa Nga và Ukraine bùng nổ, kéo theo nhiều chi phí tăng cao và lệnh cấm thương mại bao trùm. Về khía cạnh thương mại, những yếu tố này đang tạo ra những hiệu ứng lan truyền đến thị trường thủy sản toàn cầu nói riêng, gây ra tình trạng khan hiếm hàng hóa cục bộ ở nhiều khu vực trên thế giới.

Tại thị trường Mỹ, Cơ quan Nghề cá Quốc gia (NFI) đang kêu gọi các thành viên “chừa đường lui” cho cá thịt trắng nhập khẩu từ Trung Quốc bởi các nhà máy chế biến tại Alaska sẽ điêu đứng nếu thiếu đi nguồn cung mặt hàng giá rẻ này. Trước đó, Chính phủ Mỹ đã ban hành lệnh cấm nhập khẩu nhiều hàng hóa từ Nga, trong đó có thủy sản; đồng thời loại bỏ quốc gia này khỏi quy chế ưu đãi thương mại đặc biệt Tối huệ quốc. Dù thừa nhận đây là biện pháp nên làm của Chính phủ Mỹ để phản đối chiến tranh, nhiều công ty thủy sản Mỹ cũng gặp nhiều khó khăn hơn khi phí chồng phí và nguyên liệu chế biến bị thiếu hụt.

Tại Nhật Bản, cả tuần nay khu chợ thủy sản Niigata không còn cá hồi Na Uy để bán. Khu chợ này chủ yếu kinh doanh cá hồi tươi sống nhập khẩu từ Na Uy nhưng theo các hãng kinh doanh thì cho tới nay, họ không thể mua được hàng vì các chuyến máy bay từ Na Uy sang Nhật Bản đã bị gián đoạn do chiến sự tại Nga; đồng thời chi phí vận chuyển cũng tăng vọt. Nhiều hãng kinh doanh tại khu chợ có thể sẽ chuyển sang giải pháp tiêu thụ cá hồi đông lạnh, dù vậy giá của sản phẩm này cũng đắt lên từng ngày.

Chiến sự giữa Nga và Ukraine bùng nổ gây ra tình trạng khan hiếm hàng hóa cục bộ ở nhiều khu vực trên thế giới. Ảnh: Urbanitas

Phó Giám đốc Công ty Lineage, ông Brain Beattie cho biết, Công ty đang thiếu lao động do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nay càng khó thêm khi chi phí nhiên liệu tăng phi mã do xung đột chính trị giữa Nga – Ukraine. Tại Lineage, tồn kho tăng vọt trong kho lạnh khắp các cơ sở của Lineage. Thông thường thời điểm này trong năm, nhu cầu kho lạnh có xu hướng giảm nhưng năm nay tình hình diễn biến trái ngược khi dư địa kho lạnh còn trống thấp nhất trong lịch sử dù chưa bắt đầu vào mùa cao điểm.

Chuỗi cung ứng đứt gãy

Chính sách “zero COVID” của Trung Quốc đang có nguy cơ đẩy toàn bộ chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu bị gián đoạn. Các nhà phân phối thủy sản Trung Quốc đang ngày càng rối trước các quy định kiểm tra bắt buộc và chồng chéo. Phần lớn các thành phố của Trung Quốc yêu cầu thực phẩm lạnh phải đi qua nhà kho giám sát tập trung tại một thành phố cụ thể, trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ – ngay cả khi sản phẩm đã trải qua quá trình tương tự tại cảng đến của Trung Quốc. Chi phí kho bãi và kiểm tra đang đè nặng lên các nhà nhập khẩu và phân phối thủy sản.

Hải quan Trung Quốc (GACC) đang tiến hành thực hiện giải pháp phòng ngừa khẩn cấp sau khi phát hiện một số mẫu thủy sản nhập khẩu dương tính với virus corona. Trong tháng 3, Hải quan nước này đã tiến hành lấy mẫu và kiểm tra hàng loạt lô tôm đông lạnh nhập khẩu và đã tạm dừng nhập khẩu tôm từ Ecuador trong 20 tuần và từ Ấn Độ trong 14 tuần. GACC cho biết, họ không chỉ phát hiện virus corona trong sản phẩm TTCT Ấn Độ, mà còn nhiều loại thủy sản khác gồm mực và bạch tuộc đông lạnh, mực ống đông lạnh.

Hiện các cảng chính của Trung Quốc vẫn mở cửa, nhưng số lượng tàu container đang chờ cập cảng ngày càng tăng, một số tàu phải chuyển hướng sang cảng khác. Tình trạng tắc nghẽn ở cảng biển có nguy cơ gây ra một cú sốc lớn đối với chuỗi cung ứng toàn cầu. Nếu tình trạng này còn kéo dài, thì nhiều mặt hàng sẽ biến mất khỏi các siêu thị hoặc thiếu hụt trầm trọng khi các nhà máy mất kết nối với nhau. Chính sách “zero COVID” đã dẫn đến việc đóng cửa một phần cảng trong năm qua, làm thêm lo ngại về sự gián đoạn chuỗi cung ứng và sự gia tăng chi phí sản xuất. Trong khi đó, căng thẳng Nga và Ukraine đang khiến giá dầu và khí đốt tăng, làm tăng thêm rủi ro lạm phát.

Cơ hội trong khủng hoảng

Theo dự báo của Cơ quan Khí tượng và Đại dương quốc gia Mỹ (NOOA), nhập khẩu tôm của Mỹ trong năm 2022 sẽ tiếp đà tăng của năm ngoái. So với EU hay Trung Quốc, Mỹ vẫn là thị trường sôi động hơn. Cước vận chuyển sang EU vẫn cao, trong khi thị trường Trung Quốc dày đặc hàng rào kiểm soát COVID-19. Doanh thu tôm trong ngành dịch vụ ẩm thực của Mỹ đã tăng vọt trong năm qua dù chưa phục hồi về mức trước đại dịch. Tuy nhiên, nhu cầu tiêu dùng tôm cỡ lớn 26 – 30 con/kg và dễ chế biến lại đang có xu hướng tăng rõ rệt tại thị trường này. Gần 137.500 tấn tôm đã được tiêu thụ qua các kênh dịch vụ ẩm thực trong năm 2021, tăng 25.000 tấn so với năm 2020. Tôm bóc vỏ ghi nhận doanh số tăng mạnh nhất với 700 tấn, tương đương 9%. Giá tôm cỡ lớn cũng tăng khoảng 14% so năm 2021, tuy nhiên mức tăng này được đánh giá vừa túi tiền và tương đối rẻ hơn so với các loại thủy sản cao cấp khác cũng đang tăng giá mạnh như tôm hùm, sò điệp, và cua.

Nhiều hãng kinh doanh cua tại Mỹ như Direct Source, Arctic Seafoods, Orce Bay Seafood và Deiss Sales đã mất hàng triệu USD khi lệnh cấm nhập khẩu thủy sản Nga chính thức có hiệu lực vào ngày 25/3/2022. Direct Source đã nhập khẩu 2.833 tấn cua huỳnh đế từ Nga vào năm ngoái, trị giá 128,4 triệu USD, giá trung bình 45,35 USD/kg trong khi cua nhập khẩu từ Hà Lan đắt hơn, tới 60 USD/kg. Trước tình hình này, các quốc gia xuất khẩu tôm hàng đầu thế giới như Ecuador, Ấn Độ, Indonesia đang tích cực đẩy mạnh xuất khẩu tôm sang Mỹ. Mexico cũng đang mở rộng diện tích nuôi cá rô phi, nhằm tăng cường nguồn cung cá thịt trắng cho thị trường Mỹ.

Giáp xác cũng là phân khúc hàng thủy sản tiêu thụ tốt nhất tại Trung Quốc trong năm qua, với tổng doanh số tăng 4% lên 5,8 triệu tấn, theo báo cáo mới đây của Euromonitor. Chính quyền địa phương Trung Quốc cũng xúc tiến cho hoạt động thương mại điện tử, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và ngư dân triển khai bán hàng trực tuyến ở phạm vi rộng lớn hơn. Nhiều doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc đang triển khai dự án tập huấn, hỗ trợ doanh nghiệp thủy sản nhỏ bán hàng trực tuyến và hỗ trợ vận chuyển.

>> Số ca nhiễm COVID tại Trung Quốc vẫn không ngừng tăng và để bảo vệ chính sách “zero COVID”, Chính phủ nước này đã tiến hành phong tỏa hàng loạt thành phố. Một số nhà máy chế biến thủy, hải sản buộc phải đóng cửa, các bến cảng và công ty vận tải cũng không thể hoạt động hết công suất như trước. Tại Thâm Quyến, thành phố lớn thứ 4 của Trung Quốc, các nhà hàng chỉ được phép hoạt động 50% công suất.

Mi Lan

Theo Undercurrentnews

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!