Nhiều chông gai cho ngành tôm năm 2024

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Theo VASEP, trong quý I/2024, xuất khẩu tôm của Việt Nam đạt trên 686 triệu USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2023. Ngành tôm toàn cầu bắt đầu trở lại đà phục hồi, mặc dù vẫn khiêm tốn bởi mức nền của năm ngoái khá thấp.

Tình hình có nhiều biến chuyển

Trong quý đầu năm 2024, tại một số thị trường xuất khẩu tôm chính của Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc và EU tiếp tục ghi nhận mức giảm từ 2% – 14% so với cùng kỳ. Với tình hình như hiện tại, dự đoán nhu cầu tôm được có thể vẫn chưa tăng trở lại mặc dù nguồn cung dồi dào, do đó giá bán khó tăng, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta chia sẻ. 

Tại Đại hội Hội đồng cổ đông năm 2024 của Công ty CP Thực phẩm Sao Ta, ông Hồ Quốc Lực nhận định tình hình xuất khẩu tôm của Sao Ta nói riêng và các doanh nghiệp tôm nói chung đang phải đối mặt với nhiều thách thức khi nhu cầu yếu, trong lúc nguồn cung lại khá dồi dào, giá bán nhìn chung khó tăng trở lại.

Cụ thể, tại Nhật Bản vốn là thị trường tiêu thụ tôm lớn nhất của công ty Sao Ta, chiếm tỷ trọng 45%. Đồng Yên mất giá và tình hình kinh tế khó khăn đã làm thay đổi nhu cầu tiêu dùng của người dân nước này. Người dân dần chuyển từ hải sản sang thịt heo và gà cho các bữa ăn hằng ngày.

Trong khi đó tại thị trường Mỹ, chiếm 30% thị phần xuất khẩu của Sao Ta, các doanh nghiệp tôm đang phải đối mặt với vụ kiện chống trợ cấp thuế. Đối với tôm từ Việt Nam, yêu cầu ký quỹ sẽ là 2,84% đối với Công ty CP Thuỷ sản Sóc Trăng; 196,41% đối với Công ty TNHH Thuỷ sản Thông Thuận và 2,84% đối với tất cả các nhà cung cấp Việt Nam khác. 

Ông Lực cũng bày tỏ quan ngại về khả năng tiêu thụ tôm tại các thị trường xuất khẩu của Việt Nam trong những tháng còn lại của năm. Trước tình hình phức tạp tại thị trường Mỹ, công ty Sao Ta sẽ tập trung theo dõi diễn biến, đồng thời đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng không vướng thuế như tôm tẩm bột, tôm chiên… 

Dự kiến, sắp tới đây DOC sẽ tiến hành các cuộc điều tra phúc thẩm tại Việt Nam, nếu mức thuế dành cho con tôm Việt Nam xuất khẩu giảm dưới 2% thì vụ kiện có thể sẽ được hủy bỏ. Ngược lại nếu tình hình xấu hơn, lối dẫn tôm Việt vào thị trường Mỹ sẽ ngày càng thu hẹp.

Cũng bàn về vấn đề này, ông Lê Văn Quang – Tổng Giám đốc CTCP Thuỷ sản Minh Phú, cho rằng việc Mỹ áp thuế chống trợ cấp là cơ hội tốt để Việt Nam được đà bức phá. Tuy nhiên, ông Quang cũng thừa nhận rằng áp lực cạnh tranh từ Ấn Độ và Ecuador vẫn là mối lo lớn của ngành tôm Việt Nam bởi giá bán cạnh tranh của các nước này. 

Doanh nghiệp đồng lòng vượt trở ngại

Trước những biến chuyển khó đoán như hiện tại, các doanh nghiệp đang chuẩn bị nhiều biện pháp ứng phó. Công ty CP Thủy sản Minh Phú đang không ngừng tìm ra giải pháp để gia tăng đơn hàng trong và ngoài nước. Thời gian qua, công ty đã tích cực tham gia các hội chợ, triển lãm trên thế giới nhằm giới thiệu sản phẩm, đưa con tôm Việt Nam đến gần hơn với bạn bè quốc tế. Hiện Công ty CP Minh Phú cũng đang đẩy mạnh nghiên cứu với mục tiêu hạ giá thành nuôi tôm để cạnh tranh với ngành tôm của Ecuador. 

Với Công ty CP Sao Ta, ông Lực cho biết, kể từ tháng 7/2023, công ty đã đưa vào vận hành khu trang trại Vinfarm ở Vĩnh Thuận, Kiên Giang. Nhờ đó, giúp mở rộng vùng nuôi tôm lên 203 ha, nâng tổng diện tích vùng nuôi lên 525 ha, với khả năng cung ứng 16.000 tấn tôm nguyên liệu/năm. 

Chia sẻ về định hướng trong thời gian tới, đại diện Công ty CP Sao Ta kỳ vọng thị trường Nhật Bản sẽ phục hồi sớm, đồng thời tìm kiếm cơ hội mới tại Trung Quốc.

Trong bối cảnh thị trường xuất khẩu tôm đối mặt với nhiều khó khăn, các doanh nghiệp Việt Nam đang không ngừng nỗ lực để tìm kiếm các đối tác tiềm năng và mở rộng thị trường nhằm gia tăng kim ngạch xuất khẩu. Đồng thời, chú trọng vào việc đầu tư đổi mới công nghệ và thiết bị, cũng như mở rộng quy mô sản xuất, nhằm nâng cao chất lượng và giá trị của sản phẩm. Mục tiêu là tăng cường năng lực cạnh tranh của các mặt hàng thủy sản xuất khẩu, đặc biệt là con tôm trên thị trường thế giới.

Oanh Thảo

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!