Nằm giữa chiều dài bờ biển và vùng đất liền của tỉnh Thừa Thiên – Huế, hệ đầm phá Tam Giang – Cầu Hai có diện tích mặt nước 21.600 ha, chiếm 48,2% tổng số diện tích mặt nước các đầm phá ven bờ Việt Nam.
Phá Tam Giang chạy dài khoảng 27 km bắt đầu từ cửa sông Ô Lâu đến cửa sông Hương với diện tích 5.200 ha. Hệ đầm hứng nước gần như tất cả các con sông lớn trong tỉnh Thừa Thiên – Huế nên nước đầm tương đối ngọt vào mùa mưa lũ và chuyển sang nước lợ vào mùa khô. Chính nguồn nước lợ tạo nên từ sự hòa trộn giữa nước biển và nước sông nơi một địa vực đặc thù đã làm cho tôm cá ở đầm phá Tam Giang – Cầu Hai có phong vị đặc biệt…
Hệ đầm phá Tam Giang – Cầu Hai có nguồn động, thực vật được đánh giá là phong phú và lớn nhất ở khu vực Ðông Nam Á, với 230 loài cá, tôm (trong đó có 30 loại tôm, cá có giá trị kinh tế), chiếm 1/3 sản lượng khai thác hằng năm của địa phương. Ở đây còn có 63 loài động vật đáy, 43 loài rong, 70 loại chim, 15 loại cò biển, 171 loài phù du thực vật, 37 loại phù du động vật…
Đánh bắt thủy sản trên phá Tam Giang – Ảnh: Thiên An
Nhờ thiên nhiên ưu đãi nên Thừa Thiên – Huế có nhiều sản vật nổi tiếng như cá dầy, cá đối, cá dìa, cá hanh, cá bống, cá vược, cá chình… Người dân địa phương thường ca tụng là “cá Tam Giang là cá vua ăn”. Không những vậy, đặc sản tôm chua ngon nhất chỉ có thể là tôm đất được đánh bắt tự nhiên tại phá, sản phẩm làm ra tôm có màu đỏ au, đẹp mà ngon…
Tuy nhiên, do bị khai thác ồ ạt và môi trường suy thoái, nếu như trước năm 1975, sản lượng đánh bắt thuỷ sản trên các đầm phá đạt khoảng 4.500 tấn/năm, hiện sản lượng chỉ còn khoảng 2.000 – 2.500 tấn/năm, giảm đi khoảng 40%, với khoảng 1.500 tấn cá biển. Sản lượng khai thác ở nhiều đầm riêng lẻ cũng thể hiện xu hướng giảm như sản lượng khai thác tôm ở ngư trường tôm bắc Sông Cầu, thuộc Đầm Cù Mông (chủ yếu khai thác tôm Dăm đỏ) với sản lượng khai thác trước đây 200 – 250 tấn/năm, hiện nay chỉ còn 100 – 150 tấn/năm. Đồng thời, chất lượng sản phẩm cũng giảm do kích thước cá thể nhỏ hơn. Năng suất đánh bắt trên đầm phá cũng giảm.
Trước thực trạng trên, tỉnh Thừa Thiên – Huế đã có nhiều hành động nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại đầm phá như: thành lập các khu bảo vệ thủy sản quy mô nhỏ và giao cho cộng đồng ngư dân tự quản, thả tôm, cá tái tạo nguồn lợi thủy sản…