Nhiều địa phương ghi nhận tình trạng cá lồng bị chết sau mưa

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Những ngày gần đây, một số tỉnh như Kon Tum, Lâm Đồng, Phú Yên đã ghi nhận hiện tượng cá nuôi lồng bị chết hàng loạt, gây thiệt hại không nhỏ cho người nuôi trồng thủy sản.

Kon Tum: Cá chết trên lòng hồ thủy điện Yaly

Sáng 20/6, cá lồng được nuôi trên lòng hồ thủy điện Yaly (xã Yaly, huyện Sa Thầy) bị chết hàng loạt. Ước tính có khoảng 25 tấn cá lăng bị chết, thiệt hại lên đến 3,8 tỉ đồng. Được biết, các lồng cá lăng này đã nuôi trong thời gian dài, gần đến kỳ thu hoạch nên gây thiệt hại nặng nề cho người dân. 

Người dân thu gom cá chết tại lồng nuôi lòng hồ thủy điện Yaly, chủ yếu là cá lăng. Ảnh: Chi Huỳnh

Một số người nuôi cá cho rằng do lượng nước trong lòng hồ rút nhanh, nước đổ về nhiều gây sục bùn, dẫn đến tình trạng cá chết. Hiện tại, các mẫu nước thuộc các lồng bè có cá chết đã được mang đi kiểm nghiệm để xác định nguyên nhân cụ thể. 

Trước đó, ngày 18/6, nước hồ thủy điện Yaly bắt đầu xuống khoảng 1 m; đến ngày 19/6 tiếp tục xuống 2 m. Mực nước xuống nhanh và kết hợp mưa lớn dẫn đến nước đục, cá bị sốc nước, thiếu ôxy, ngộp nước rồi chết.

Lâm Đồng: Người nuôi cá lồng mất trắng vài trăm triệu

Sau những trận mưa đầu mùa, hàng chục tấn cá của người dân trong các lồng nuôi trên hồ Mai Thành (phường Lộc Tiến, TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng) bị chết gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỷ đồng. Hiện tượng cá chết sau các trận mưa vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại khiến các hộ dân ở đây như ngồi trên đống lửa. Được biết, tình trạng cá chết vào đầu mùa mưa như mọi năm đều xuất hiện, tuy nhiên năm nay lại tăng mạnh. 

Cá chết hàng loạt trong các lồng nuôi của các hộ dân thuê mặt nước hồ Mai Thành. Ảnh: Văn Long

Ông Trần Văn Tiến là người nuôi cá nhiều nhất trên hồ Mai Thành. Hiện tượng cá trong các lồng của gia đình ông bị chết xuất hiện từ ngày 22/6 và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Hiện đã có khoảng 60% lượng cá trong các lồng của gia đình ông Tiến bị chết. “Đến trưa ngày 24/6, lượng cá bị chết của tôi và hồ nuôi của con trai tôi đã khoảng 15 tấn. Số cá này gia đình tôi phải liên tục vớt lên rồi bán lại cho người dân dùng làm phân bón với giá vài ngàn đồng/kg. Trong khi đó, hiện nay giá cá trắm đang dao động từ 85.000 – 90.000 đồng/kg, cá rô phi và diêu hồng bán giá 45.000 – 47.000 đồng/kg. Thiệt hại quá lớn.” Ông Tiến lo ngại. 

Cũng theo ông Tiến, mọi năm vào đầu mùa mưa đều có cá chết do thiếu ôxy nhưng không đáng kể. Tuy nhiên, do năm nay thời tiết nắng kéo dài, nhiệt độ cao nên khi trời mưa liên tục, lượng axit trong nước mưa cao nên cá bị chết hàng loạt do thiếu ôxy.

Liên quan đến tình trạng như vừa nêu, UBND phường Lộc Tiến đã có báo cáo gửi UBND thành phố Bảo Lộc nhằm xác định nguyên nhân cá chết, đồng thời đề xuất phương án hỗ trợ cho người dân khắc phục hậu quả.

Phú Yên: Cá biển nuôi lại chết hàng loạt

Tính đến ngày, 25/6, đã có hơn 29 tấn cá biển nuôi tại xã Xuân Cảnh thuộc đầm Cù Mông, thị xã Sông Cầu (tỉnh Phú Yên) bị chết; chủ yếu là cá mú, cá bớp, cá chim, dìa của 30 hộ nuôi lồng bè. 

Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Phú Yên đã thu mẫu cá để xét nghiệm tìm nguyên nhân gây bệnh. Đồng thời, Chi cục Thủy sản tỉnh cũng thu mẫu nước khu vực nuôi cá gửi Viện Khoa học Năng lượng và Môi trường phân tích và đo các thông số tại hiện trường.

Cá biển nuôi bằng lồng bè tại thị xã Sông Cầu bị chết vào tháng 5 vừa qua. Ảnh: AN

Theo nhận định ban đầu của Sở NN&PTNT Phú Yên, nguyên nhân gây ra tình trạng trên là do mật độ lồng nuôi quá dày. Trong đó, có nhiều bè nuôi nhuyễn thể 2 mảnh vỏ để làm thức ăn cho tôm hùm, gây cản trở nước lưu thông và tiêu thụ nhiều ôxy vào ban đêm, dẫn đến hiện tượng thiếu ôxy cục bộ tại vùng nuôi.

Ngoài ra, khoảng 2 – 3 ngày trước khi cá chết, tại khu vực này thường có gió Tây Nam hoạt động, thời tiết nắng nóng bất thường, có nơi lên đến 39 độ C kết hợp với mưa dông vào chiều tối đã gây hiện tượng phân tầng nhiệt làm trên mặt mát, dưới đáy nóng. Từ đó thúc đẩy quá trình phân hủy chất hữu cơ tầng đáy, tiêu hao hàm lượng ôxy hòa tan, phát sinh khí độc… ảnh hưởng trực tiếp tới cá nuôi và các loài cá tự nhiên. Trước đó, từ ngày 18 – 20/5, hơn 129 tấn tôm hùm, cá nuôi tại đầm Cù Mông cũng bị chết đột ngột, gây thiệt hại trên 38 tỉ đồng.

Sở NN&PTNT Phú Yên khuyến cáo người dân bố trí lồng bè nuôi trong khu vực được quy hoạch nuôi trồng thủy sản và có mực nước tối thiểu 4 m khi triều kiệt. Mật độ lồng và cá nuôi cần phù hợp với chất lượng nước và khả năng lưu thông nước của vùng nuôi, đồng thời tăng khoảng cách giữa các lồng, bè nuôi để tạo điều kiện nước lưu thông tốt, tránh hiện tượng bị thiếu ôxy cục bộ tại lồng nuôi.

Minh Khuê

(Tổng hợp)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!