(TSVN) – Những ngày qua, thời tiết diễn biến bất thường đã khiến nhiều diện tích tôm nuôi ở các địa phương bị thiệt hại nặng. Trước tình hình trên, các cơ quan chức năng cùng người dân đang triển khai nhiều biện pháp để ứng phó hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại.
Thiệt hại nặng
Thời tiết bất lợi khiến người nuôi tôm ở một số xã như Tam Giang, Tam Tiến của huyện Núi Thành (Quảng Nam) bị thiệt hại. Phó Chủ tịch UBND xã Tam Tiến Nguyễn Xuân Uy cho biết, hiện toàn xã có 370 ha ao nuôi tôm, trong đó ao nuôi lót bạt 40 ha, ao nuôi vùng triều 330 ha. Những ngày qua, thời tiết thay đổi thất thường là nguyên nhân chính khiến tôm nuôi chết hàng loạt, gây ảnh hưởng đến đời sống kinh tế người dân.
Tại Quảng Ngãi, từ đầu năm đến nay, thời tiết thường xuyên thay đổi, khiến tôm bị dịch bệnh và chết hàng loạt. Rất nhiều diện tích nuôi tôm trên địa bàn tỉnh phải bỏ trống hồ sau vụ tôm đầu năm gặp thất bại. Thôn Mỹ Tân, xã Bình Chánh (huyện Bình Sơn) được xem là “thủ phủ” nuôi tôm của địa phương. Thế nhưng, thời điểm này hàng loạt hồ tôm nơi đây nằm trơ đáy, hệ thống quạt sục khí hồ tôm nằm im lìm.
Cho tôm ăn với khẩu phần và chế độ phù hợp theo kích cỡ và mật độ nuôi. Ảnh: TB
Chị Lê Thị Nghĩa, thôn Mỹ Tân chia sẻ, vụ này chị thả nuôi 40 vạn tôm giống, nhưng tôm thường xuyên bị dịch bệnh, dẫn đến chết dần, chỉ còn khoảng 15 vạn con. Tuy nhiên, cách đây khoảng 10 ngày, ao tôm nuôi được 80 ngày tuổi bỗng dưng chết hàng loạt, gây thiệt hại gần 70 triệu đồng. Trong khi đó, ao còn lại, tôm được gần 60 ngày tuổi cũng chậm lớn.
Theo các hộ nuôi tôm ở Bình Chánh, vụ tôm năm nay, có 10 hộ nuôi thì cả 10 hộ bị thua lỗ. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng tôm chết hàng loạt là do năm nay thời tiết diễn biến phức tạp. Mưa lớn, không khí lạnh, trời mù xen kẽ nắng liên tục, có hôm sương muối dày đặc, làm cho con tôm bị sốc, mắc bệnh và chết.
Cũng từ đầu tháng 4 đến nay, tại các huyện ven biển Cầu Ngang, Duyên Hải, Châu Thành và thị xã Duyên Hải của tỉnh Trà Vinh, nhiệt độ trong ngày chênh lệch lớn, đã ảnh hưởng xấu đến môi trường nước, khiến hơn 454 ha nuôi tôm bị thiệt hại với số lượng gần 270 triệu con. Theo Chi cục Thủy sản, Kiểm ngư và Biển đảo Trà Vinh, lượng tôm bị thiệt hại hầu hết trong giai đoạn 20 – 45 ngày tuổi được nuôi theo mô hình thâm canh, bị nhiễm các bệnh đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp, bệnh đường ruột,…
Còn tại Cà Mau, nắng nóng đã khiến 98 ha diện tích tôm nuôi quảng canh cải tiến thiệt hại, chủ yếu do bệnh đỏ thân (15 – 40%), tập trung ở Đầm Dơi, Trần Văn Thời và Phú Tân. Nhiệt độ nước không ổn định gây ảnh hưởng tới tôm, dẫn đến chết.
Chủ động triển khai nhiều giải pháp
Trước tình hình dịch bệnh trên tôm diễn biến phức tạp, các cơ quan chức năng cùng người dân đang khẩn trương triển khai nhiều biện pháp để ứng phó hiệu quả, hạn chế thiệt hại.
Theo Chi cục Thủy sản – Biển đảo Quảng Ngãi, người dân cần tuân thủ lịch thời vụ, đảm bảo quy trình nuôi, khi cấp nước vào ao nuôi, cần chọn con nước lúc đạt đỉnh triều cường. Sử dụng túi lọc, bổ sung thêm vôi để đảm bảo độ kiềm và độ mặn trong nước ao nuôi. Xử lý nước cấp thật kỹ trước khi cấp vào ao nuôi. Ngoài ra, người nuôi cần thường xuyên theo dõi bản tin dự báo thời tiết để có các biện pháp phù hợp khi trời chuyển lạnh đột ngột hoặc nắng nóng gay gắt, tránh ảnh hưởng đến sức khỏe của tôm nuôi.
Đồng thời, tăng cường sục khí, tránh hiện tượng phân tầng nhiệt độ, đặc biệt vào ban đêm. Định kỳ bổ sung vitamin vào thức ăn nhằm tăng sức đề kháng cho tôm. Duy trì các yếu tố môi trường trong ngưỡng thích hợp, giữ mực nước trong ao tối thiểu từ 1,3 – 1,5 m, sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý nước và đáy ao nuôi. Với những hộ có điều kiện, có thể đầu tư lưới che cách mặt nước từ 0,8 – 1 m nhằm giảm ánh nắng tác động trực tiếp lên ao nuôi.
Bên cạnh đó, người nuôi cần mạnh dạn đầu tư, ứng dụng khoa học, công nghệ vào nuôi tôm. Mặt khác, thay vì nuôi tôm với mật độ cao, người nuôi cân nhắc lựa chọn mô hình, mật độ nuôi sao cho phù hợp. Bảo đảm tỷ lệ nuôi thành công cao, từ đó giúp giảm giá thành sản xuất, thu được tôm cỡ lớn và gia tăng lợi nhuận.
Sở Nông nghiệp và Môi trường Trà Vinh cũng chỉ đạo các đơn vị chức năng tại các huyện ven biển tập trung kiểm tra, giám sát chặt chẽ thời tiết, môi trường, đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo người nuôi thường xuyên theo dõi, quan trắc nguồn nước cấp, nước trong ao nuôi, vận hành tốt hệ thống quạt, bảo đảm cung cấp hàm lượng ôxy cần thiết trong vùng nuôi. Đối với diện tích tôm nuôi bị thiệt hại, yêu cầu hộ nông dân không xả nước thải chưa qua xử lý và không xả bỏ tôm chết, tôm bệnh ra ngoài môi trường, vệ sinh ao nuôi đúng kỹ thuật, bảo đảm tiêu diệt mầm bệnh.
Nguyễn Hằng
(Tổng hợp)