T3, 14/03/2023 01:20

Nhiều tỉnh thành thực hiện cao điểm chống khai thác IUU

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Thời điểm này, nhiều địa phương ven biển đang rà soát, ra quân, quyết liệt xử lý các tàu cá vi phạm khai thác IUU nhằm gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) trong thời gian tới.

Quảng Ninh: Phát hiện 6 tàu khai thác thủy sản trái phép

Theo thông tin từ Bộ Chỉ huy Bộ Đội Biên Phòng tỉnh Quảng Ninh, Đội tuần tra kiểm soát của Đồn Biên phòng Đảo Trần (đóng tại xã Thanh Lân, huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh) vừa phát hiện, bắt giữ 6 tàu khai thác thủy sản trái phép. Đội tuần tra xác định 6 tàu cá này đã khai thác thủy sản bằng hình thức kéo lưới rê, sử dụng tàu cá không phù hợp khai thác thủy sản tại vùng lộng; các chủ tàu không mua bảo hiểm cho các thuyền viên.

Các tàu cá vi phạm gồm QN-1140TS (do Vũ Nho Huấn, SN 1984 điều khiển); QN-0542TS (do Nguyễn Văn Hin, SN 1976 điều khiển); QN-90615TS (do Đỗ Duy Văn, SN 1981 điều khiển); QN-1123TS (do Nguyễn Tư Hải, SN 1994 điều khiển); QN-90628 (do Nguyễn Văn Quyết, SN 1975 điều khiển) và QN – 90659TS (do Nguyễn Văn Tuyên, SN 1994 điều khiển). Tất cả thuyền viên trên các tàu này đều trú tại thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh.

Ảnh minh hoạ. Ảnh: Lưu Hương

Hiện các tàu vi phạm đã được lai dắt vào Trạm kiểm soát Biên phòng Vụng Tây (xã Thanh Lân, huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh) để xử lý theo quy định pháp luật.

Nam Định: 1.178 tàu cá được cấp phép khai thác thủy sản

Tiếp tục thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương, các bộ, ngành chức năng và UBND tỉnh về triển khai các nhiệm vụ, giải pháp chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của EC, từ đầu năm 2023 đến nay, Sở NN&PTNT tỉnh Nam Định đã cấp mới, cấp lại 25 giấy phép khai thác thủy sản cho các tàu cá đủ điều kiện theo quy định; riêng trong tháng 2/2023 đã cấp mới 4 giấy phép.

Tính đến hết tháng 2/2023, Sở NN&PTNT tỉnh Nam Định đã cấp giấy phép khai thác thủy sản cho 1.178/1.257 tàu cá, đạt 93,72%; đã thực hiện đăng kiểm mới cho 27 tàu cá. Tính đến đầu tháng 3/2023, toàn tỉnh có 1.805 tàu, thuyền khai thác thủy sản với tổng công suất là 298.368CV. Trong đó, huyện Giao Thủy có 674 tàu, Hải Hậu 645 tàu, Nghĩa Hưng 432 tàu, Trực Ninh 53 tàu và huyện Mỹ Lộc 1 tàu.

Số đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình là 511/539 tàu, đạt 94,81%. Sở NN và PTNT đã bố trí trực ban các ngày làm việc trong tuần, theo dõi và xử lý dữ liệu giám sát phát hiện 1.190 lượt tàu mất tín hiệu trong ca trực; 193 tàu cá mất tín hiệu trên 10 ngày.

Thời gian tới, Sở NN&PTNT tỉnh Nam Định tiếp tục chỉ đạo Chi cục Thủy sản tăng cường thực hiện đăng ký, đăng kiểm tàu cá theo quy định; tuyên truyền, tổ chức kiểm tra và cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho các cơ sở nuôi trồng thủy sản và tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên.

Hà Tĩnh: Bắt giữ 8 tàu cá khai thác hải sản sai quy định

Theo thông tin từ Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh, đơn vị này vừa phát hiện, đấu tranh ngăn chặn và bắt giữ 8 tàu cá bằng lưới giã cào có hành vi đánh bắt hải sản sai quy định.

Cụ thể, trong khoảng thời gian từ 10 – 12 giờ ngày 8/3, lực lượng phòng chống ma túy và tội phạm cùng Đồn Biên phòng Thiên Cầm (thuộc Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh) đã phát hiện, bắt quả tang 6 tàu cá đã sử dụng lưới giã cào để đánh bắt hải sản tại khu vực đảo Én, thuộc huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh). Các tàu cá này mang biển kiểm soát: HT 90382 TS do ngư dân Nguyễn Tiến Sỹ (62 tuổi) làm chủ; HT 20835 TS do ngư dân Trần Văn Tiệp (36 tuổi) làm chủ; HT 20081 TS do ngư dân Trần Đình Bắc (44 tuổi) làm chủ; HT 20692 TS do ngư dân Nguyễn Hữu Luyến (46 tuổi) làm chủ; HT 20489 TS do ngư dân Nguyễn Văn Vĩnh (40 tuổi) làm chủ; HT 20809 TS do ngư dân Trần Xuân Lung (52 tuổi) làm chủ. Các chủ tàu cá nêu trên đều quê ở huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh).

Tiếp đó, vào lúc 15 giờ 30 phút ngày 9/3, cũng tại khu vực trên, lực lượng tuần tra tiếp tục phát hiện và bắt giữ tàu cá mang biển kiểm soát TH 92148 TS do ngư dân Hoàng Văn Viên (33 tuổi) làm chủ phương tiện cùng với 3 thuyền viên quê ở thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa đang sử dụng lưới giã cào đánh bắt hải sản sai quy định.

Cũng tại khu vực đảo Én, vào khoảng 20 giờ, ngày 10/3, lực lượng tuần tra đã phát hiện, bắt giữ tàu cá mang biển kiểm soát HT 20669 TS do ngư dân Dương Văn Thành (57 tuổi, quê ở xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) làm chủ khi đang sử dụng lưới giã cào đánh bắt hải sản. Hiện các vụ việc nêu trên đang được lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục hoàn chỉnh hồ sơ để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Được biết, tàu cá sử dụng lưới giã cào hoạt động bằng cách cho 1 tàu (giã cào đơn) hoặc 2 tàu công suất lớn (giã cào đôi) chạy song song và kéo theo một tấm lưới phía dưới gắn thanh sắt nặng nên có thể cào sâu tận đáy. Đặc biệt, mắt lưới của lưới tàu giã cào thường rất nhỏ nên sẽ tận thu hết cả cá tôm lớn nhỏ. Khi tàu cá sử dụng lưới giã cào giã cào đi qua, ngoài hải sản bị mắc lưới, hệ sinh vật tầng đáy bị hủy diệt, dẫn tới nguồn lợi thủy sản cũng cạn kiệt. Bên cạnh đó, trên đường kéo lưới rất dễ va chạm và cuốn lưới đánh cá, ngư cụ của ngư dân khác đang hành nghề đánh bắt hải sản ở ven biển.

Theo quy định, để tránh hủy diệt hệ sinh thái biển ven bờ, các tàu, tàu cá sử dụng lưới giã cào chỉ được phép khai thác ở khu vực nước sâu, có phạm vi cách bờ ít nhất 24 hải lý.

Bình Định: 180 ngày cao điểm chống khai thác IUU

Tỉnh Bình Định hiện có 5.700 tàu cá đăng ký hoạt động khai thác thủy sản. Đến nay, 100% tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên khai thác vùng khơi đã lắp thiết bị giám sát hành trình. Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Định phân công cán bộ trực Trung tâm giám sát tàu cá 24/24 và công bố số điện thoại đường dây nóng để theo dõi hoạt động tàu cá.

Tàu cá đánh bắt vượt ranh giới cho phép, không duy trì hoạt động hoặc vô hiệu hóa thiết bị giám sát hành trình sẽ bị xử lý nghiêm. Hiện có 318 tàu của Bình Định thường xuyên hoạt động ngoài tỉnh thuộc nhóm có nguy cơ cao về vi phạm IUU, chủ yếu là tàu cá có chiều dài dưới 15 m và hoạt động ở ngư trường phía Nam.

Tỉnh Bình Định đang triển khai đợt cao điểm 180 ngày ra quân, giải quyết dứt điểm tình trạng khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU). Các địa phương ven biển tỉnh Bình Định đã thành lập ban chỉ đạo và phân công cụ thể từng cán bộ của xã, thôn và đảng viên tham gia công việc này. Các thành viên trong ban chỉ đạo khảo sát từng trường hợp cụ thể, nhất là tàu cá của địa phương đi vào các tỉnh phía Nam làm ăn.

Sở NN&PTNT Bình Định cho biết, trong tháng 3 này, tỉnh thành lập 2 tổ công tác vào các tỉnh phía Nam làm việc, gặp gỡ, yêu cầu ngư dân chấp hành đúng quy định khi đi đánh bắt. Đồng thời, Sở cũng sẽ tham mưu UBND tỉnh rà soát, bổ sung những giải pháp để làm sao hoàn thiện trong giải pháp thực hiện 180 ngày của UBND tỉnh. Trong đó, tập trung việc xử lý nghiêm đối với các tàu thuyền vi phạm, nhất là tàu thuyền đã vi phạm từ năm 2022, đầu 2023. Kiên quyết xử lý các trường hợp mà môi giới, đưa tàu cá đi hoạt động khai thác nước ngoài. Tập trung xử lý trường hợp tàu mất kết nối, tàu vượt ranh giới cho phép trên biển.

Sóc Trăng: Xử lý nghiêm các tàu cá vi phạm IUU

Xác định rõ nhiệm vụ bảo vệ nguồn lợi thủy sản và chống khai thác IUU, sớm gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của EU, thời gian qua Sóc Trăng tập trung thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp. Đó là ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài; tăng cường công tác kiểm soát chặt chẽ tàu cá xuất bến, nhập bến; kiên quyết không cho tham gia hoạt động khai thác thủy sản trên biển nếu không đảm bảo theo quy định, đặc biệt là kiểm tra thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS), đảm bảo trạng thái hoạt động trước khi cho tàu cá xuất bến; điều tra, xử lý, xử phạt nghiêm các vụ việc vi phạm nếu xảy ra.

Theo Sở NN&PTNT tỉnh, thực hiện công tác chống khai thác IUU, gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của EC, ngành chức năng Sóc Trăng chỉ đạo các đơn vị chức năng làm thực hiện nghiêm túc. Các đơn vị như Bộ đội biên phòng tỉnh, Chi cục Thủy sản, Ban Quản lý cảng cá Trần Đề theo nhiệm vụ được giao đã hoàn thành việc lắp đặt thiết bị VMS, hoàn thành việc đánh dấu tàu cá theo quy định với 100% tàu cá khai thác xa bờ đã gắn thiết bị giám sát hành trình. Việc này bảo đảm kiểm soát chặt chẽ tàu cá ra vào cảng, giám sát sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng, thực hiện công tác xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản, đúng quy định của pháp luật.

Minh Hiếu

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!