Nhiều triển vọng từ mô hình khuyến ngư ở Thanh Hóa

Chưa có đánh giá về bài viết

Hoạt động khuyến nông ở tỉnh Thanh Hóa gặt hái nhiều thành công, đặc biệt trên lĩnh vực khuyến ngư, góp phần thay đổi cơ cấu đối tượng thủy sản nuôi, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.


Nuôi trồng gắn với bảo vệ môi trường

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Thanh Hóa Nguyễn Duy Minh cho biết, năm 2013, Trung tâm đã triển khai xây dựng nhiều mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng theo quy trình VietGAP.

Đến nay, qua tổng kết các mô hình trình diễn cho thấy, với quy trình kỹ thuật mà Trung tâm xây dựng, tôm hoàn toàn sạch bệnh, tỷ lệ sống cao, nhanh lớn và đồng đều kích cỡ; tôm thương phẩm khi được lấy mẫu phân tích đều đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Nhiều mô hình đã đạt và vượt năng suất năng suất trên 10 tấn/ha, cho thu nhập 600 – 700 triệu đồng/ha.

Cũng trong năm qua, thực hiện dự án phát triển nuôi thủy sản mặn lợ, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Thanh Hóa xây dựng mô hình nuôi cá chim vây vàng trong ao được thực hiện tại gia đình anh Hoàng Văn Tùng (xã Xuân Lâm, huyện Tĩnh Gia) với quy mô 4.000 m2. Sau 9 tháng nuôi, anh Tùng thu 2.800 kg cá thịt, cỡ trung bình 600 g/con, tỷ lệ sống 80%, năng suất 8 tấn/ha, giá bán bình quân 145.000 đồng/kg, tổng doanh thu gần 300 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi 120 – 150 triệu đồng.

Nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản áp dụng VietGAP cho hiệu quả cao được tỉnh Thanh Hóa nhân rộng

Tuy nhiên, tại các ao, đầm nuôi tôm, các vùng nuôi cá lồng ven biển, môi trường vùng nuôi đang có chiều hướng ngày càng xấu, dịch bệnh diễn biến phức tạp, tình trạng lạm dụng hóa chất vẫn còn, chất thải từ sinh hoạt, sản xuất làm ảnh hưởng các nguồn nước, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường nước… Trước tình hình đó, tỉnh đã triển khai các mô hình nuôi trồng thủy sản bền vững với môi trường như nuôi hàu Thái Bình Dương; nuôi tôm xen canh, luân canh với đối tượng khác (như cua, cá); nuôi đa canh, đa con…

Cùng đó, mô hình nuôi tôm sú luân canh, xen canh nuôi cua, rong câu, cá rô phi đơn tính trên vùng triều ven biển rất phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế của các hộ nông dân trong tỉnh; Hình thức nuôi này nâng cao hiệu quả kinh tế, cải thiện môi trường ao nuôi tăng thu nhập 1,5 – 2 lần so nuôi chuyên canh. Mô hình nuôi hàu thương phẩm giàn bè ở khu vực Nghi sơn và Lạch Bạng lần đầu tiên được thực hiện, song kết quả bước đầu rất khả quan, thu nhập gấp trên 3 lần so với tổng vốn đầu tư.

 

Đẩy mạnh khai thác

Sở NN&PTNT Thanh Hóa đã giao cho Trung tâm Khuyến nông tỉnh thực hiện, nhân rộng mô hình “Ứng dụng máy dò ngang Sona trong nghề lưới vây” và “Cải hoán tàu cá bằng vật liệu Polyurethane (PU)”. Hiện, đã có 9 phương tiện thuộc phường Quảng Tiến và xã Quảng Cư (thị xã Sầm Sơn) được lắp đặt máy dò ngang, bước đầu đã mang lại hiệu quả rõ rệt trong khai thác xa bờ. Đại diện Chi cục Khai thác và Bảo vệ Nguồn lợi Thủy sản tỉnh cho biết, với những tính năng vượt trội trong việc dò nguồn cá, máy dò ngang đã mang đến cho ngư dân niềm phấn khởi. Sử dụng máy dò ngang, sản lượng đánh bắt có thể tăng 20 – 30% so với các thiết bị dò thông thường.

Ngư dân Phạm Văn Phúc (phường Quảng Tiến, thị xã Sầm Sơn) có 2 tàu cá, công suất trên 200 CV, cho biết, trước kia ông sử dụng máy đo sâu dò cá hiệu quả khai thác chưa cao; từ khi được trang bị máy dò ngang, doanh thu từ đánh cá của 2 phương tiện tăng gấp đôi và tiết kiệm được gần 400 lít dầu cho những chuyến đi biển dài.

Mô hình cải hoán tàu cá bằng vật liệu PU nhằm giảm chi phí sản xuất và bảo quản chất lượng sản phẩm sau khai thác, kéo dài thời gian bảo quản sản phẩm cho tàu khai thác xa bờ, được ngư dân các xã Quảng Nham (huyện Quảng Xương), Ngư Lộc (huyện Hậu Lộc)… đưa vào ứng dụng. Đến nay đã có hơn 100 phương tiện áp dụng vật liệu PU vào trong hầm bảo quản.

Theo nhiều ngư dân, sau khi sử dụng hầm cá làm bằng vật liệu PU, độ tươi của cá được nâng lên đáng kể so với bảo quản bằng hầm EPS thông thường, từ đó chất lượng sản phẩm được nâng lên. Tỷ lệ sản phẩm kém chất lượng giảm còn 5% (trước đây 30%). Kết cấu của hầm được lót xung quanh bằng inox rất thuận tiện công tác vệ sinh, không thấm nước như hầm EPS, do đó hạn chế việc giảm chất lượng sản phẩm cũng như việc bảo quản an toàn vệ sinh thực phẩm. Thực hiện mô hình này bước đầu cho thấy kết quả khả quan: sản phẩm được bảo quản sạch, tăng lợi nhuận cho ngư dân sau chuyến khai thác. Trên cơ sở đó, mô hình đang được nhiều ngư dân đồng tình, nhân rộng.

Giám đốc Sở NN&PTNT Thanh Hóa Lê Như Tuấn đánh giá cao những mô hình thủy sản năm 2013 được hệ thống khuyến nông Thanh Hóa triển khai, có đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của ngành.

>> Năm 2013, Trung tâm Khuyến nông Thanh Hóa và các trạm khuyến nông đã thực hiện 545 mô hình trình diễn; trong đó 390 mô hình trồng trọt, 90 mô hình chăn nuôi thú y, 20 mô hình lâm nghiệp, 20 mô hình thủy sản…

Anh Vũ

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!