Một chiều cuối năm, mấy anh em chúng tôi vừa ngồi lai rai món ba khía rang me vừa tán gẫu chuyện đời.
Người nói cái mùi ba khía mằn mặn, beo béo thấm vào đầu lưỡi tạo nên một cảm giác lâng lâng, khó tả. Người nhắc đến vị công tử Bạc Liêu mà lại thích ba khía. Cậu Huy thích món này không chỉ để thưởng thức mà còn để hồi tưởng lại thời ông cha mình đi mở đất phương Nam.
Có thể nói mắm ba khía là đặc sản số 1 của vùng đất cuối trời Tổ quốc, là món ngon mùi nhớ. Ai mà đụng đũa tới nó như chạm vào một vùng ký ức xa xăm. Mặc dù gần đây, nhiều nhà hàng, quán ăn đã biến tấu con ba khía thành nhiều món ăn độc đáo như ba khía rang me, rang mỡ hành, ba khía luộc, ba khía nấu chao…; món nào cũng lừng lẫy nhưng chưa có thứ hương vị nào đi vào hồn, vào ký ức chúng ta bằng món mắm ba khía.
Gần đây, nhiều bà nội trợ khéo tay đã dùng mắm ba khía trộn thêm với thịt bò, thịt heo luộc, xem ra vẫn hấp dẫn nhờ còn giữ được cái tinh hoa của mùi vị nguyên sơ. Cái mùi vị đặc trưng của con ba khía hòa quyện cùng các chất cay chua khiến cho người ăn ấn tượng mãi không quên. Ở quê tôi, nhiều người còn ăn ba khía với khoai lang nấu, một món ăn đơn sơ, mộc mạc nhưng tuyệt kỹ, khó có món nào bì kịp.
Con ba khía muối, nó ngon từ càng đến thịt, từ gạch đến trứng, độc đáo nhất là “nước ba khía”, một thứ nước tuyệt hảo nhờ sự phối ngẫu giữa các vị chua – cay – ngọt – mặn – béo và đậm đà quyến rũ.
Ngày nay, giữa trăm nghìn món ngon vị lạ nhưng trong lòng chúng ta vẫn nghe rất đỗi thân quen cái mùi ba khía dịu êm giống như tiếng đàn kìm ngọt lịm. Nhất là những ngày hội hè, lễ tết, có khi cả tuần chỉ thịt với cá ngán ngẩm, lúc đó ta mới thấy thương nhớ ba khía, nhớ ơi là nhớ. Người miền Tây có câu Đừng lo cưới vợ miệt đồng. Ba khía cơm nguội ăn ròng cả năm. Đúng vậy, ba khía ăn hoài mà vẫn không ngán.
Vùng ven biển, nơi cây mắm lấn trước, cây đước theo sau, bộ rễ cắm sâu vào lòng đất tạo thành những nơi trú ẩn an toàn cho họ hàng nhà ba khía, nhiều nhất là ở U Minh, Cái Nước, Năm Căn…; nổi tiếng nhất là ba khía Rạch Gốc, vì tại đây ba khía nhờ ăn trái mắm nên con nào cũng mập mạp, càng đỏ, mai, thân màu vàng nâu, nặng, dưới yếm có túi trứng, nhiều gạch son, ngon, béo và mùi vị đặc trưng so với ba khía các nơi khác.
Hồi xửa hồi xưa, khi tới mùa “hội ba khía”, chúng bám dày đặc trên các gốc mắm, bò lềnh khềnh trên bãi bờ hoặc leo lên thân cây đeo thành chùm, người đi bắt chỉ cần dùng bao tay hoặc cây gạt, chúng sẽ rơi vào thúng hoặc xuồng. Ba khía sau khi muối thành phẩm nó trở thành một món ăn nổi tiếng khắp Nam kỳ Lục tỉnh. Nhiều thương lái để nguyên lu, nguyên khạp chở thẳng lên Sài Gòn và sang nước bạn Campuchia để bán.
Giờ đây, quê hương con ba khía đã đổi đời, dòng họ ba khía không còn đất dung thân và món mắm ba khía cũng trở thành đặc sản quý hiếm.
Nhớ lắm ba khía ơi!