Việt Nam tự hào về chất lượng cá tra so với các nước nuôi trồng thủy sản (NTTS) lớn khác. Cá tra Việt Nam có thể chế biến được hơn 50 món ăn khác nhau, rất linh hoạt cho bữa ăn gia đình. Sản xuất cá tra ở Việt Nam không hề được chính phủ tài trợ như ở Trung Quốc.
Thức ăn nuôi cá tra chiếm 80 – 90% tổng chi phí sản xuất. Cá giống được cho ăn với hàm lượng protein thô khoảng 36%, cá càng lớn hàm lượng này càng giảm, chỉ còn 26% trước khi thu hoạch, với sự thay đổi cung cấp toàn phần đáng kể 1,5:1. Bột cá sử dụng trong thức ăn khá đắt đỏ nên khoảng 50% protein được trộn từ đậu nành và cám gạo. Bên cạnh đó, trong thức ăn nuôi cá cũng được sử dụng thêm nhiều thành phần axit amin tổng hợp. Một yêu cầu quan trọng đối với cá tra xuất khẩu là trong thành phần thức ăn của cá tuyệt đối không được phép có các chất kích thích tăng trưởng, thậm chí cả các hoạt chất nguồn gốc tự nhiên cũng bị cấm triệt để. Trường hợp có dịch bệnh xảy ra, người nuôi thường dùng thuốc diệt khuẩn để xử lý ao.
Trang trại đầu tiên tôi ghé thăm cho biết, cứ 6 tháng họ thu hoạch 1 lần. Trang trại này có các ao nhỏ song song nhau. Mỗi ao có bảng nhỏ hiển thị số ao và ngày thả giống. Người nuôi kiểm tra cá thường xuyên theo ngày tháng để theo dõi chế độ ăn và quyết định thay đổi khẩu phần ăn cho cá khi cần thiết. Để đảm bảo nguồn ôxy cho cá, một kênh nhỏ dẫn nước chảy vuông góc với các ao. Kênh này ở vị trí cao hơn các ao để nước có thể chảy xuống do trọng lực. Ở phía đối diện mỗi ao là một đường ống nhỏ thoát nước, được bố trí để giữ cho mực nước trong ao luôn cân bằng. Việc cho cá ăn được thực hiện hoàn toàn thủ công và cần nhiều sức lao động, bởi mỗi bao nặng khoảng 40 kg. Các bao thức ăn được đặt trên một bè gỗ hình chữ nhật, phía trên có một sợi dây thừng vắt ngang ao. Trong thời gian cho ăn, người nuôi chỉ cần di chuyển bè đến vị trí họ muốn, sau đó đổ thức ăn xuống nước. Tất cả rất đơn giản nhưng cực kỳ hiệu quả.
Sau đó tôi đi thăm trang trại thứ hai. Chúng tôi rời khỏi TP. HCM trong một cơn mưa nhiệt đới tầm tã, lái xe với tốc độ cao trên đường cao tốc mới. Khoảng 2 giờ sau, con đường thu hẹp dần với 4 km cuối cùng là đoạn đường bê tông, dẫn đến một ngõ cụt cách mép một nhánh phụ sông Mê Kông khoảng 400 m. Đứng đây nhìn ra xa, tôi thấy bên kia bờ là một nhà nhỏ và một cửa hàng thức ăn chăn nuôi. Xa hơn là những ao cá. Neo ven sông là một chiếc xuồng nhỏ. Người lái xuồng cười vui ra hiệu cho tôi bước xuống. Với đủ thứ như balô, máy ảnh, sổ ghi chép, tôi rất sợ chiếc xuồng sẽ lật úp; nhưng thật ngạc nhiên, tôi đã sang bờ bên kia an toàn mà vẫn hoàn toàn khô ráo.
Ao nuôi cá tra ở đây diện tích khoảng 6.000 m2 và không có đường dẫn nước vào như trang trại đầu tiên; do đó, có một động cơ diesel ồn ào liên tục chạy, khuấy nước để đưa không khí vào ao. Ao sắp đến kỳ thu hoạch, trọng lượng trung bình của cá khoảng 1,2 kg/con, tổng sản lượng khoảng 600 tấn. Cũng giống như ở các trang trại nuôi khác, việc cho cá ăn tiêu tốn nhiều sức lao động. Công việc cho ăn được thực hiện đều đặn 2 lần/ngày trong điều kiện nhiệt độ và độ ẩm khá cao. Tất cả các bao thức ăn được vận chuyển đến trang trại cá bằng những chiếc xuồng lớn, sau đó cất giữ trong kho, đến khi cho ăn mới được vác ra bờ ao. Nhiên liệu cho thiết bị, máy móc cũng được vận chuyển theo cách đó.