(TSVN) – Ngành tôm đang lên đời, gọi “cô tôm” cho văn hoa. “Cô tôm” khá “nhõng nhẽo”! Làm sao để “cô tôm” ngày càng “dịu dàng” chăm ăn, mau lớn, dáng vóc đẹp? Lý thuyết chuyện này là một nghệ thuật, nhưng cụ thể ở đây là một quy trình nuôi mở, rất nhiều biến số, ai “làm toán” giỏi, giải được các ẩn số mới được “cô tôm có cảm tình”.
Dân số ngày càng tăng, nhu cầu thực phẩm tăng theo, đặc biệt là nguồn thực phẩm chất lượng cao tăng theo. Lượng tôm trong tự nhiên giảm mạnh, không đủ đáp ứng đòi hỏi này. Phải đẩy mạnh nuôi tôm, đây là cứu cánh. Khởi đầu, người ta nuôi tôm ở dạng gần như tự nhiên. Tôm giống từ trong thiên nhiên được đưa vào các ao đầm. Tôm phát triển tự nhiên và sau đó theo con nước, rơi vào các phương tiện bắt giữ.
Theo đà sự phát triển của khoa học – kỹ thuật – công nghệ, của ngành di truyền học, tôm bố mẹ có chọn lọc tính trội ra đời, giúp tôm to hơn, lớn mau hơn… Đi liền đó là quy trình nuôi tương ứng.
Tùy theo khả năng kiểm soát của người nuôi tôm, ban đầu mật độ thả thưa, dần dần mật độ nuôi tăng lên.
Tuy nhiên, môi trường nuôi tôm ngày càng xấu đi, tác động không nhỏ tới thủy sinh nói chung, tới “cô tôm” nói riêng. Ảnh hưởng nghiêm trọng nhất là môi trường nước. Người nuôi dù cố gắng xử lý nước nuôi tôm, vẫn rất khó loại bỏ hết những tạp chất, dư chất nguy hại. Vùng ĐBSCL – thủ phủ nuôi tôm lớn nhất nước ta, tất cả các con sông, kênh, rạch, hồ, ao, đìa, ít nhiều đều bị ô nhiễm, bởi sự xả nước thải của biết bao khu công nghiệp; từ nước thải và rác sinh hoạt hàng ngày. Trong đó, có không ít dư lượng các loại hóa chất nguy hiểm.
Đâu là các giải pháp, để vượt qua những thách thức với ngành nuôi tôm hiện nay? Ta có thể nhìn sang Ecuador – cường quốc nuôi tôm số 1 thế giới. Trên phạm vi cả nước, Ecuador áp dụng mô hình nuôi thưa, cộng với nguồn nước nuôi không bị ô nhiễm, khiến diện tích thực thả nuôi tôm chiếm tỷ lệ hết sức cao trong các khu nuôi (kênh cấp nước, ao nuôi, kênh xả thải). Diện tích thực thả nuôi trên các khu nuôi ở Ecuador có thể đạt trên 80%.
Hiện nay, ngành tôm Trung Quốc triển khai mô hình nuôi tôm thâm canh trong nhà màng. Tuy nhiên, để khắc phục tình trạng gây ô nhiễm, họ chấp nhận nuôi tuần hoàn (RAS), như vậy tỷ lệ diện tích thực thả nuôi tôm chỉ chiếm khoảng 10% diện tích khu nuôi. Bởi phải chừa diện tích đất cho xử lý nước thải để tái sử dụng.
Còn ở Indonesia, tận dụng lợi thế xứ vạn đảo, người dân nuôi tôm ven biển, kết hợp hình thành rừng phòng hộ và quảng bá cho thương hiệu tôm trung hòa carbon của họ.
Nhiều quốc gia đang chuyển hướng mạnh mẽ, theo mô hình nuôi tôm trung hòa carbon, nhằm cho ra thực phẩm có nguồn gốc tự nhiên, được kiểm soát an toàn, thế giới rất ưa chuộng sản phẩm này.
Việt Nam cũng đang bám sát xu thế nói trên của thế giới. Chúng ta đã phát triển mạnh những vùng nuôi sinh thái như tôm – rừng hoặc tôm – lúa. Các tỉnh: Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau đã, đang đẩy mạnh mô hình nuôi tôm quảng canh, quảng canh cải tiến.
Để tăng năng suất nuôi tôm, Việt Nam cần dừng lại ở mức chịu tải của tự nhiên, mật độ nuôi không quá 40 con/m2. Chúng ta quyết liệt không quá coi trọng thúc đẩy tăng sản lượng, mà nên tập trung tăng giá trị sản phẩm làm ra. Khi chưa đảm bảo yếu tố cần thiết nhất là nước nuôi sạch và khả năng xử lý nước thải, kiên quyết không khuyến khích mở rộng diện tích nuôi tôm thâm canh. Những vùng nuôi này khuyến khích nuôi tôm tuần hoàn (RAS), chậm mà chắc và lâu bền. Khu nuôi tôm nào có hoàn cảnh thuận lợi cho nuôi thâm canh thì duy trì, nhằm phát huy điểm mạnh từng khu vực, địa phương. Khu vực nuôi tôm sát biển, khuyến khích kết hợp trồng rừng phòng hộ, vừa an toàn cho khu nuôi, vừa đáp ứng xu thế người tiêu dùng thế giới, tăng lợi thế cạnh tranh.
Vậy, với những hộ nuôi tôm nhỏ lẻ, manh mún thì sao? Diện tích nhỏ, nuôi thưa sẽ không đủ thu nhập sinh sống. Một ha nuôi tôm quảng canh chỉ đạt nửa tấn, nuôi thâm canh năng suất gấp chục lần. Con đường tất yếu là nuôi tôm thâm canh, nhưng chỉ nên ở quy mô nhỏ, diện tích nuôi tốt nhất, giới hạn tối đa 20% diện tích khu nuôi. Diện tích đất còn lại, để xử lý nước đầu vào và đầu ra, nhằm giảm thiểu rủi ro cho ao nuôi nhà mình và các ao nuôi quanh đó.
Câu chuyện này, người nuôi tôm quy mô nhỏ lẻ ở ĐBSCL, đang được các chuỗi sản xuất liên kết xử lý khá bài bản. Trở ngại chính hiện nay là người nuôi tôm chưa mạnh dạn giảm tỷ lệ diện tích mặt nước nuôi nhiều hơn nữa, để dành cho diện tích đất cho khu xử lý nước thải.
“Cô tôm” “hiền hòa” hay “nhõng nhẽo”, mạnh khỏe hay yếu ớt, chủ yếu là do chủ quan người tạo nên. Toàn ngành tôm phải có sự chuyển biến rõ nét và mạnh mẽ, để vươn lên xứng đáng với vị thế Việt Nam là cường quốc tôm của thế giới.
Chúng ta cần bắt đầu đổi mới, từ chính sách quốc gia nhất quán dẫn dắt, hướng dẫn, khuyến cáo mô hình nuôi, quy trình nuôi tôm phù hợp, cho những vùng nuôi có hoàn cảnh cụ thể, cần bắt đầu từ các cơ sở cung ứng tôm giống; bắt đầu từ những quyết sách làm giảm ô nhiễm môi trường…
Ngay bây giờ, nên khuyến khích không mở rộng diện tích nuôi tôm thâm canh, ở những khu vực không đủ điều kiện cần và đủ (nhất là giữ vững những vùng nuôi thưa, nuôi quảng canh), để có nhiều sản phẩm tự nhiên nhất.
>> Ngành tôm Việt Nam có khá nhiều cái nhất so các nước. Diện tích nuôi tôm lớn nhất, khoảng 750.000 ha, nhưng tỷ lệ nuôi thành công của ta thấp nhất (khoảng 40%, bằng 2/3 so Ấn Độ và bằng 1/2 so Ecuador). Chưa kể, hơn chục năm qua, tôm nuôi ở nước ta bị dịch bệnh thiệt hại nhiều nhất.
TS Hồ Quốc Lực
(Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta)