T2, 06/07/2020 10:21

Những người tiếp sức cho ngư dân vươn khơi bám biển

Chưa có đánh giá về bài viết

Trên những chuyến biển lênh đênh giữa đại dương thì con thuyền được xem là ngôi nhà của ngư dân. Để những chuyến ra khơi an toàn, hiệu quả thì con thuyền phải thật sự vững chắc, bền bỉ trước sóng to gió lớn. Vì vậy, những người thợ đóng tàu thuyền vẫn thường được xem là những người song hành tiếp sức cho ngư dân vươn khơi bám biển.

Là một trong những thợ đóng thuyền có thâm niên tại Phan Thiết, ông Ngô Diệp – ngụ phường Đức Nghĩa trông vẫn dẻo dai, mạnh mẽ ở cái tuổi ngoài 50. Chúng tôi gặp ông Diệp tại cơ sở đóng sửa tàu thuyền Lộc Minh (phường Hưng Long) khi ông và các bạn nghề đang hoàn thành các công đoạn cuối cùng để đóng chiếc thuyền 450 cv cho một ngư dân huyện đảo Phú Quý. Tâm sự với chúng tôi, ông cho biết khi mới 17 tuổi, đã bắt đầu theo cha làm quen với nghề đóng sửa tàu. Nghề này có nhiều khâu tương đồng với nghề mộc nhưng tay nghề của người thợ đóng thuyền phải vững hơn và phải am hiểu từng con nước, trang thiết bị lắp đặt trên tàu. Một yếu tố nữa không thể bỏ qua khi bước vào nghề đóng sửa tàu thuyền là người thợ phải có sức khỏe thật tốt để chống chọi với nắng gió, vì để hoàn thành mỗi chiếc tàu thường phải mất từ một tháng trở lên.

Quả đúng vậy, nếu không có lòng đam mê, tình yêu nghề thì thật khó để người ta có thể bám trụ trọn tuổi lao động của mình với nghề đóng tàu, bởi nghề đóng tàu thường gián đoạn. Khi mùa biển vào chính vụ cá Nam cũng là thời điểm người thợ đóng tàu phải đôn đáo các nơi tìm công việc khác để mưu sinh. Vì vậy mà nghề này thường chỉ duy trì theo lối cha truyền con nối. Anh Huỳnh Thanh – ngụ khu phố 5, phường Lạc Đạo, một thợ đóng tàu tại cơ sở đóng sửa tàu thuyền Lộc Minh cho biết: “Trong thời gian xưởng tàu nghỉ, tôi cùng một số anh em bạn nghề thường tìm đến khu vực cảng cá để xin làm bốc vác ở những vựa thu mua. Xoay xở như thế trong nhiều năm, tôi cũng đủ sống được với nghề.”

 

Lấy đá chuẩn bị ra khơi Ảnh: Đ.Hòa

Tranh thủ lúc các thợ đóng tàu nghỉ ngơi giữa buổi, chúng tôi tiếp cận với ông Ngô Diệp để được biết về quy trình đóng mới tàu cá đánh bắt xa bờ. Theo ông Diệp, để đóng một chiếc tàu, đầu tiên phải làm hoàn chỉnh bộ khung. Sau khi chuẩn bị vật liệu gỗ và cân chỉnh kích thước thân tàu, người thợ sẽ nối giữa long cốt và cây xỏ mũi tạo liên kết giữa long cốt và dàn công đà. Khi làm bộ khung sườn xong là tiếp đến công đoạn be tàu. Khâu này đòi hỏi làm cho các tấm be sao cho thật khít với thân tàu. Người thợ dùng dây mực bắn thành đường chỉ rồi dùng cưa tách từng tấm ván be. Phía mũi và lái tàu phải dùng lửa để hơ nóng tấm ván be, sau đó mới khoan lỗ đóng chốt đinh. Để cố định những tấm ván be, người thợ thường dùng lửa đốt uốn phía mũi lái và sử dụng gỗ tạp để đóng lẹp. Sau đó là dựng ca-bin. Khâu này chú ý xung quanh thưng gỗ phải có hệ thống cửa sổ chìm, khi trời nắng, kéo thả xuống bên hông thân tàu, và lúc mưa gió thì kéo lên đóng lại. Tiếp đến là công đoạn dựng dàn hầm. Nếu con tàu rộng 6m thì cứ khoảng cách 1m lại dựng 1 hầm tàu. Sau đó làm sàn boong, sàn lái và mũi tàu. Gỗ lát sàn thường dày 2cm, cần lát sau cho các đường gỗ thật khít. Khoảng cách giữa phía dưới bánh lái và long cốt là chân vịt và bánh lái. Người thợ phải khoan lỗ để nối liền láp của máy tàu nối với chân vịt. Khâu trát xảm hồ là công đoạn cuối, có vai trò quan trọng trong quá trình đóng mới tàu thuyền. Sau khi ghép các tấm be gỗ tàu sau, khoảng cách giữa các be người ta tạo những đường hèm để làm cho nước biển không lọt vào thân tàu. Sau đó, người thợ dùng mỡ cây trai bột và dầu rái trộn nhuyễn trét lấp kín các đường hèm sao cho thật khít và phẳng. Quy trình đóng tàu hoàn thành khi người chủ tàu lắp đặt các trang thiết bị, động cơ tàu.

Tìm hiểu các bước hoàn thành con tàu, chúng ta thêm hiểu và quý những người thợ đóng sửa tàu thuyền. Họ không chỉ làm việc để mưu sinh mà còn tiếp sức cho ngư dân vươn khơi bám biển.

Châu Tỉnh

Báo Bình Thuận

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!