T2, 06/07/2020 10:16

Những “thân cò” ngược sóng

Chưa có đánh giá về bài viết

Cả thôn Lộ Diêu (xã Hoài Mỹ, huyện Hoài Nhơn, Bình Định) có hơn 50 thuyền đánh bắt gần bờ, mỗi chiếc thuyền như thế thường chỉ chở được 2 người. Theo quan niệm có phần “tâm linh” của ngư dân, phụ nữ ít khi được đến gần thuyền hay bước lên thuyền. Nhưng ở Lộ Diêu lại khác, ở đó có những người đàn bà đi biển.

Khoảng 8 giờ sáng, đang mùa trăng nên thủy triều xuống thấp, bãi biển Lộ Diêu đẹp đến mê hồn với những tảng đá phủ đầy rêu xanh và những doi cát vàng gợn sóng. Những người “chạy rẫu” ngồi trên bờ “tám chuyện”, mắt vẫn ngóng ra khơi xa để chờ thuyền về. “Thuyền bà Muôn về kìa, không biết hôm nay có làm ăn được gì không?”, một người trong nhóm reo lên.

Bà Muôn sau chuyến đi biển trở về – Ảnh: Việt Quốc

Đàn bà đi biển

Trong đợt sóng lô xô và ánh sáng của buổi sớm mai hắt ngược từ biển, tôi kịp nhận ra dáng người phụ nữ trên thuyền với chiếc áo tím và chiếc nón lá; đôi tay nhịp nhàng, đều đặn đưa mái chèo loang loáng trên mặt nước. Thuyền vừa cập bờ, những con sóng còn đánh thuyền trồi lên, hụp xuống một chặp nữa. Bà Phạm Thị Muôn, 51 tuổi, nhảy phắt xuống nước, gọn gàng chụp lấy sợi dây cột ở đầu mũi thuyền để kéo vào. Ông chồng vừa tắt máy, bà đã tất tả bước lên bờ với chiếc giỏ xách nhựa trên tay, bên trong có mấy con ghẹ, một con cá bò da, vài con cá sơn và 2 con chình biển. Đưa số cá cho bạn buôn trên bờ, bà giữ lại 2 con chình, rồi đến phụ chồng khiêng thuyền lên bờ cát.

Xong việc, bà kiếm chỗ mát ngồi nghỉ ngơi. Vừa lấy cái nón quạt lấy quạt để, bà vừa kể: “Tôi đi biển gần 10 năm rồi, cũng chẳng phải giỏi giang gì đâu, nhưng con cái đứa đi câu “bò gù”, đứa đi làm ăn xa, nhà chỉ còn hai vợ chồng, tôi không đi thì lấy ai để mà phụ ổng. Tôi lớn lên ở biển, nhưng có bao giờ ra khơi xa đâu. Lần đầu tiên lên thuyền say cắm đầu, ói tới mật xanh mật vàng luôn. Mấy bữa đầu ổng chở tui ra rồi chở về, mềm như cọng bún, nhưng riết rồi cũng quen”. Trên gương mặt sạm đen vì nắng và gió, nụ cười đôn hậu vẫn ẩn sau nửa chiếc khăn che mặt của bà Muôn.

Sáng nay ra khơi thất bại nên chị Nguyễn Thị Lực cùng chồng vào bờ sớm. Núp dưới chiếc thúng để vá lại tấm lưới bị rách, chị Lực cho biết: “Cả thôn Lộ Diêu này có khoảng trên dưới 20 phụ nữ đi biển. Phần lớn chị em chúng tôi phải ra khơi bởi nhà neo người. Con cái đi tàu lớn hoặc đi học, đi làm ăn xa, nhà chẳng còn ai, nên vợ phải theo chồng ra khơi”.

Thông thường, ngư dân Lộ Diêu chỉ đánh bắt “trong lộng” (vùng biển gần bờ) nên họ rời khỏi nhà tầm 3 giờ sáng, đến khoảng 8 giờ là đã vào bờ để kịp đưa cá lên chợ. Vai trò của người phụ nữ ở Lộ Diêu rất quan trọng. Họ vừa là bạn đồng hành của người chồng trong những chuyến ra khơi và cũng là hậu phương vững chắc cho gia đình. Người chồng đi biển về có thể nghỉ ngơi để chuẩn bị cho chuyến đi sau, nhưng người vợ vẫn phải tiếp tục công việc. Họ đi tiêu thụ những sản vật của biển sau một đêm đánh bắt, sau đó vá lưới, rồi về còn lo cơm nước.

“Thời bây giờ có nhiều thay đổi nên mới có chuyện đàn bà đi biển, chứ ngày xưa, trước lúc ra khơi người ta còn chẳng cho đàn bà đến gần chiếc thuyền chứ đừng nói đến chuyện bước lên để mà đi. Nhưng phải nói thẳng là “mấy bả” đi biển cũng giỏi chẳng thua kém cánh đàn ông chúng tôi”, lão ngư Đỗ Phải, 70 tuổi, nhìn nhận về những người phụ nữ đi biển ở thôn Lộ Diêu quê mình.

 

Ở Lộ Diêu, phụ nữ đi biển giỏi chẳng kém gì đàn ông – Ảnh: Việt Quốc

Nắng, gió rát mặt

Chị Lê Thị Liên chỉ mới 26 tuổi, nhưng thoáng nhìn cứ ngỡ chị phải ngoài 30, bởi gương mặt đen sạm vì nắng, gió bào mòn sau những chuyến ra khơi. Chị Liên chia sẻ: “Chồng đi bò gù đến cả tháng mới về, tôi ở nhà đi phụ với cha. Phụ nữ trên bờ cực một thì ra khơi cực gấp bội. Ra ngoài ấy, cha kéo lưới đằng đầu thì tôi phải phụ vớt chì ở đằng cuối của lưới”. Nói đoạn, chị chìa bàn tay thô ráp và chai sần ra trước mặt tôi rồi tiếp lời nửa đùa nửa thật: “May mà tôi đã lấy chồng chứ nếu còn con gái, bàn tay này mà nắm tay người yêu chắc người ta chạy mất dép…”.

Nghe chị Liên nói, bà Phan Thị Thủy, 54 tuổi, cười bằng chất giọng sang sảng của người dân xứ biển, rồi minh họa thêm: “Tôi đi biển đã hơn 10 năm nay, có những chuyến tôi và ông xã chạy một lèo đến gần 2 giờ đồng hồ để ra đến Hòn (tục danh của một hòn đảo cách Lộ Diêu chừng 60 hải lý) để đánh bắt, thậm chí phải ở qua đêm ở ngoài ấy vài ngày mới vào lại. Sau khi tôi lấy chồng rồi mới đi biển. Chú cứ thử nghĩ xem, đi biển trên nắng dưới nước, gió rát mặt, nếu chưa lấy chồng mà bị những thứ ấy bào mòn nhan sắc thì ai mà ưng”.

Đi biển vốn đã cực nhọc với cánh đàn ông bởi phải kéo những tấm lưới nặng. Ấy là chưa kể đến việc phải đối mặt với cái nắng nóng từ trên trời dội xuống và nước muối từ biển phả lên khi sóng yên biển lặng và những cơn nhào giật liên hồi lúc sóng to, gió lớn. Nên, đàn bà đi biển càng cực hơn. Chợt giọng bà Thủy chùng xuống: “Bàn tay yếu mềm của chị em chúng tôi nhiều khi phải tứa máu bởi kéo lưới và những cơn say sóng chí tử. Những ngày tháng đầu tiên ra khơi, do chưa hiểu đặc tính của một số loại cá nên trong lúc gỡ lưới, tôi còn bị nó đâm vào tay lên cơn sốt mê man”.

Nhà của bà Thủy có 3 người con, một đi “mành tôm”, một đi “bò gù”, còn một đi làm ăn tận Sài Gòn. Câu chuyện giữa chúng tôi với những người phụ nữ vừa đi biển về đang lúc rôm rả thì dừng lại bởi gần đó một đôi vợ chồng ngư dân cãi nhau. Cô vợ khóc thút thít bởi cái tát như trời giáng của chồng. Hỏi ra mới biết sáng nay nguyên dàn lưới của họ bị các thuyền giã cào xé nát, quá xót của nên người vợ càm ràm suốt từ ngoài khơi vào đến bờ. Ông chồng bực mình không kiềm nén được nên làm cho vợ bạt tai với lời gầm gừ: “Ngày mai tôi cấm bà ra biển!”.

Bà Thủy lắc đầu: “Chú thấy đó, làm thân phụ nữ ở đây thật khổ!”. Một ông đứng gần chen vào: “Đàn ông xứ biển bộc trực nhưng cũng cộc tính. Nhưng cũng mau làm lành, rồi anh xem”. Quả thật, gầm gừ to là thế nhưng cuộc trò chuyện của tôi với các nữ ngư dân chưa dứt đã thấy anh chồng nọ đến giúp vợ vá tấm lưới. Tiếng anh chùng xuống: “Thâu mà bà, lưới rách thì vá lại, bà cứ cằn nhằn suốt vậy tui chịu sao thấu, mà có phải lỗi của tui đâu. Bà để đó tui vá cho, bà về nấu cơm đi”. Nghe tiếng anh theo gió vang tới, lòng tôi tự dưng ấm lên.

Bán hải sản thu được sau chuyến đi biển – Ảnh: Công Tâm

Thay lời kết

Về Lộ Diêu, tôi được nghe, được cảm nhận về những chuyến đi biển thấm đẫm mồ hôi của những người phụ nữ đi biển. Làn da sạm nắng, lam lũ, vất vả nhưng nụ cười của họ lại rạng ngời, hào sảng. Thấy trong đó có niềm tin vào cuộc sống và chăm chút những hi vọng cho tương lai của con cái.

Hôm tôi về làng biển có gặp Nguyễn Văn Út, sinh viên năm 3 của Khoa Ngữ văn – Báo chí, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh. Út tâm sự: “Gia đình em sống bằng nghề biển. Mấy anh em cùng đi học, rồi em thi đỗ vào đại học, mẹ phải đi biển cùng với cha để có tiền nuôi con. Thương cha mẹ phải vất vả nên em cố gắng học tập; ngoài giờ lên lớp còn tranh thủ đi hát ở các phòng trà, tụ điểm ca nhạc không chuyên để kiếm thêm tiền trang trải cho việc học”. Tiếp lời con, bà Trương Thị Niên cười tươi nói: “Khổ mấy tôi cũng chịu được, miễn cho con học hành đến nơi đến chốn. Nhìn con cái lớn lên, học hành đàng hoàng, tôi thấy không uổng phí những tháng ngày cực nhọc ra khơi, bám biển”.

Rời Lộ Diêu trong cái nắng như thiêu như đốt, từ trên đèo nhìn xuống bãi biển, những chiếc nón lá của những người phụ nữ đi biển lấp lóa trong nắng chói chang. Tôi ám ảnh mãi câu nói của bà Thủy: “Người xưa nói về người phụ nữ: thân cò lặn lội bờ sông, gánh gạo nuôi chồng tiếng khóc nỉ non. Còn bây giờ, chị em chúng tôi đúng là: thân cò lặn lội biển đông, tuổi xuân qua sớm mà không thấy buồn”.

Công Tâm

Báo Bình Định

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!