Nhu cầu cá hồi vẫn cao nhưng triển vọng kinh tế ảm đạm

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Theo phân tích mới nhất từ RaboResearch, các công ty protein động vật phải xoay trục vào năm 2023 để đối phó với những thách thức mang tính cơ cấu về tính bền vững, sức khỏe động vật và sự biến động của thị trường khi tăng trưởng kinh tế chậm lại.

Các nhà sản xuất, chế biến thịt, gia cầm và thủy sản bước sang năm 2023 sau một năm 2022 đầy khó khăn khi giá đầu vào tăng, chuỗi cung ứng gián đoạn và các vấn đề địa chính trị. Bên cạnh đó, còn phải đối mặt với khả năng thích ứng những thách thức về tính bền vững, các mối đe dọa dịch bệnh đối với sức khỏe động vật nếu muốn duy trì khả năng cạnh tranh trên thị trường trong dài hạn.

Trong Báo cáo “Triển vọng protein động vật toàn cầu năm 2023”, Rabobank dự đoán, giá nhiều khả năng sẽ tăng trong năm 2023 do chi phí thức ăn chăn nuôi và giá năng lượng tăng cao.

Sản lượng protein động vật dự kiến sẽ tăng, với mức tăng trưởng hàng năm tại các thị trường chính là 5 triệu tấn hay 1% lên tổng số 430 triệu tấn vào năm 2023, do nhu cầu đối với gia cầm, cá và hải sản bù đắp cho hiệu suất yếu hơn của thịt bò và thịt heo. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng sản xuất sẽ thấp hơn mức 2% của năm 2022. 

Nhu cầu tiêu thụ cá hồi dự kiến sẽ tiếp tục ở mức cao

Rabobank dự đoán nhu cầu đối với cá hồi vẫn ở mức cao, trong khi nguồn cung tăng chậm, do đó giá sẽ có khả năng tăng lên. Thịt gà sẽ được hưởng lợi vì giá của nó. Ngược lại, người tiêu dùng có thể sẽ cắt giảm các loại thịt đắt tiền hơn, chẳng hạn như thịt bò fillet.

Để phát triển hơn trong tương lai, các công ty protein động vật phải xoay trục để trở thành doanh nghiệp bền vững hơn. Rabobank kỳ vọng các nhà sản xuất và chế biến protein sẽ tăng cường các cam kết phát thải vào năm 2023, nhưng điều này sẽ đòi hỏi đầu tư nhiều hơn vào các lĩnh vực như dữ liệu thông minh để giúp hoạt động và chuỗi cung ứng bền vững hơn. Các doanh nghiệp thành công nhất cũng đang chuyển sang một nền tảng chủ động hơn để quản lý rủi ro dịch bệnh. 

Trong khi đó, các công ty cũng đang đối mặt với thách thức về chi phí tăng cao. Đồng thời, cũng phải tính đến hành vi của người tiêu dùng trong môi trường suy thoái, chẳng hạn như việc chuyển sang các sản phẩm tiện lợi như chả cá, xúc xích và hoạt động kinh doanh đi xuống.

Ông Justin Sherrard, chiến lược gia toàn cầu về protein động vật tại Rabobank, cho biết: “2022 là một năm khó khăn chưa từng có đối với ngành công nghiệp protein động vật. Các công ty đã phải vật lộn với giá đầu vào tăng, sự gián đoạn chuỗi cung ứng và xung đột địa chính trị, nhiều vấn đề trong số đó vẫn chưa được giải quyết khi bước sang năm 2023. Những yếu tố này đã làm tăng chi phí trên thị trường, trong khi giá tăng nhanh thì xu hướng tiêu thụ lại có vẻ giảm”.

“Chúng tôi kỳ vọng giá sẽ duy trì ở mức cao trong năm 2023, ngay cả khi sản lượng tăng trưởng ổn định nhờ nguồn cung thủy sản và gia cầm ngày càng tăng. Thách thức lớn hơn chính là làm thế nào để các công ty protein động vật tiếp cận thập kỷ tăng trưởng tiếp theo, không chỉ đơn giản là năm 2023. Những thay đổi về cấu trúc trên thị trường, chẳng hạn như nâng cao nhận thức về dấu chân carbon, cách tiếp cận chủ động để quản lý dịch bệnh, mang đến cơ hội cho các công ty có tư duy tiến bộ nhất đầu tư và phát triển thịnh vượng. Nói cách khác, bây giờ là thời điểm quyết định”, ông nói.

Với phân khúc cá hồi, nguồn cung tương đối yếu trong năm 2022, trong khi nhu cầu tiêu thụ cao, dẫn đến giá kỷ lục. Khi nguồn cung ổn định trở lại và áp lực kinh tế bắt đầu giảm, các nhà phân tích kỳ vọng giá sẽ điều chỉnh nhưng vẫn ở trên mức trước đại dịch. Rabobank dự kiến nguồn cung cấp cá hồi trong năm 2023 sẽ duy trì ở mức bình thường do Na Uy và Chilê có ít cơ hội tăng sản lượng.

Trong phân khúc tôm, các nhà phân tích ghi nhận sự tăng trưởng mạnh trong sản xuất của Mỹ Latinh trong khi nguồn cung ở châu Á giảm. Sự thống trị ngành tôm của Ecuador dự kiến sẽ tiếp tục trong tương lai gần.

Hạnh Nguyên

Theo Thefishsite

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!