Nhu cầu protein giai đoạn tăng trưởng của cá rô phi sông Nile nuôi bằng khẩu phần không bột cá

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Cá rô phi sông Nile được nuôi bằng khẩu phần ngô và khô đậu suốt giai đoạn tăng trưởng chỉ cần lượng protein tiêu hóa là 267g để có thể đảm bảo phát triển tối ưu.

Rô phi sông Nile (Oreochromis niloticus) là đối tượng nuôi phổ biến thứ ba trên toàn cầu và 92% sản lượng trên thế giới được nuôi bằng thức ăn thương mại, chiếm 70% tổng chi phí sản xuất. Trong số các chất dinh dưỡng cơ bản để nuôi cá, protein là thành phần quan trọng nhất, ảnh hưởng đáng kể đến năng suất. 

Gần đây, một số nghiên cứu đã xác định hàm lượng protein tối ưu trong khẩu phần ăn của cá rô phi ở các giai đoạn phát triển khác nhau. Tuy nhiên, những nhu cầu này thấp hơn so với nhiều dữ liệu trong các báo cáo trước đó. Cụ thể, cá có trọng lượng trung bình dưới 20 g, 20 – 200 g, và 200 – 600 g có nhu cầu lần lượt 400, 340 và 300 g/kg protein thô (CP). Sự phát triển của chuỗi sản xuất cá rô phi kết hợp với việc sử dụng nhiều con giống siêu năng suất, đòi hỏi phải có những nghiên cứu mới để đáp ứng tốt hơn nhu cầu dinh dưỡng của cá, đặc biệt là những nghiên cứu về nhu cầu protein giai đoạn tăng trưởng với cá có trọng lượng trung bình trên 500 gram.

Xây dựng nghiên cứu 

Nghiên cứu được thực hiện tại Phòng thí nghiệm Công nghệ Nuôi trồng thủy sản (Lataq), Đại học liên bang Parana (UFPR) thuộc Brazil và kéo dài 84 ngày. Cá rô phi được nuôi trong hệ thống thủy sản tuần hoàn (RAS) gồm 15 bể sục hình tròn, dung tích 1.000 lít. Các bể được nối với bể lọc cơ học 2.000 lít và lọc sinh học 30.000 lít. Mỗi bể 1.000 lít được coi là một đơn vị thử nghiệm. Tỷ lệ tuần hoàn nước duy trì 12 lần/ngày/đơn vị thử nghiệm. Tất cả các đơn vị thử nghiệm đều được trang bị hệ thống xiphong tự động ở đáy bể. Xiphong bể lọc cơ học và bể lọc sinh học hàng tuần để loại bỏ cặn. 

Tổng cộng 75 con cá rô phi sông Nile trưởng thành (dòng cải tiến di truyền GIFT) với trọng lượng trung bình ban đầu 412 ± 8,06 g đã được làm quen môi trường trong 60 ngày; sau đó được cân và phân chia ngẫu nhiên vào 5 nghiệm thức, mỗi nghiệm thức lặp lại 3 lần. 

Năm nghiệm thức không bột cá được xây dựng theo công thức isoenergetic, isocalcium và isophosphoric, chủ yếu gồm khô đậu và ngô, đồng thời chứa lượng protein tiêu hóa (DP) tăng dần 216, 244, 268, 294 và 316 g/kg. DP, năng lượng tiêu hóa (DE) và thành phần axit amin thiết yếu đã được xác định. Khẩu phần thử nghiệm được cân hàng ngày và cung cấp cho cả ở tất cả các bể 1.000 lít với 2 lần cho ăn hàng ngày vào lúc 8 giờ sáng và 5 giờ chiều. 

Kết quả và thảo luận 

Hiệu suất của cá rô phi bị ảnh hưởng trực tiếp bởi mức protein trong khẩu phần ăn, do đó, liên quan đến một số quá trình sinh hóa và sinh lý ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng, phát triển và sức khỏe của cá. Protein đóng vai trò quan trọng trong quá trình tổng hợp mô, điều hòa trao đổi chất, phản ứng miễn dịch và các chức năng quan trọng khác. Do đó, nếu cá không được cung cấp đủ protein hoặc mất cân bằng axit amin thiết yếu, quá trình tổng hợp protein có thể bị tổn hại, ảnh hưởng tiêu cực đến chỉ số năng suất. Ngoài ra, các công thức dinh dưỡng cho cá rô phi cũng phải đảm bảo chính xác với mức protein phù hợp để tối ưu hóa sự phát triển và thành phần dinh dưỡng của cá. 

Mối quan hệ giữa tăng trọng (WG), tốc độ tăng trưởng riêng (SGR), và tỷ lệ biến đổi thức ăn (FCR) rất phức tạp và phụ thuộc lẫn nhau. Theo quan sát ghi nhận được, khi các chỉ số SGR và FCR được cải thiện, WG sẽ gia tăng so với trọng lượng ban đầu. 

Tăng hàm lượng protein làm giảm tỷ lệ hiệu quả sử dụng protein (PER), phản ánh hiệu quả của việc chuyển đổi lượng protein tiêu thụ thành tăng trọng lượng cơ thể. Theo quan sát, những khẩu phần isoenergetic với hàm lượng protein cao sẽ có PER thấp. 

Trong thí nghiệm ở Brazil, FCR tốt nhất ước tính 1,82 (tương ứng với yêu cầu 285,76 g DP/kg CP). Các nhà nghiên cứu đều đề xuất nhu cầu DP dao động 267,36 – 304,20 g/kg. DP nằm ngoài phạm vi này sẽ tác động tiêu cực đến FCR. Khẩu phần ăn thiếu hụt protein sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng, trong khi thừa protein làm tăng chi phí trao đổi chất, kéo theo ô nhiễm môi trường do thải quá nhiều nitơ, đồng thời làm tăng chi phí vì protein là thành phần dinh dưỡng đắt nhất. 

Số lượng và chất lượng protein trong khẩu phần ăn ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng tổng hợp protein mới của cơ thể, trong đó có protein cơ thịt của cá. Chế độ ăn thiếu hụt hàm lượng protein hạn chế khả năng cung cấp axit amin thiết yếu để tổng hợp protein. Do đó, khả năng tổng hợp protein tăng lên sẽ làm tăng sự tích tụ protein trong cơ thể. 

Các kết quả nghiên cứu cho thấy, rô phi sông Nile có thể được nuôi bằng khô đậu, ngô trong giai đoạn tăng trưởng mà không cần bột cá. Ngoài ra, tính linh hoạt trao đổi chất của cá liên quan đến nồng độ protein trong khẩu phần ăn, với kết quả hiệu suất phù hợp được ghi nhận ở hàm lượng 268 – 294 g DP/kg CP, hoặc 298 – 327 gram DP/kg CP. Nhìn chung, hàm lượng 267 gram DP/kg CP được khuyến nghị cho rô phi sông Nile ăn chế độ ngô hoặc khô đậu và có trọng lượng 400 – 700 g trong giai đoạn nuôi tăng trưởng. 

Dũng Nguyên

Theo Allaboutfeed

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!