Nhu cầu Riboflavin trong chế độ ăn của TTCT

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Riboflavin (Vitamin B2) là một loại vitamin tan trong nước được tổng hợp bởi thực vật và vi sinh vật. Hợp chất này cần thiết cho các phản ứng sinh hóa trong tất cả các tế bào sống. Nó hoạt động như một tiền chất của hai dạng coenzym, flavin adenine dinucleotide (FAD) và flavin mononucleotide (FMN), cần thiết cho các phản ứng ôxy hóa khử và sản xuất năng lượng ở động vật thông qua quá trình chuyển hóa carbohydrate, lipid, protein và thể ketone.

Thử nghiệm

Chế độ ăn cơ bản không có riboflavin (R0) được xây dựng như một đối chứng để chứa 100 g/kg bột cá (bột cá ngừ và bột cá mòi) và 400 g/kg khô đậu nành làm nguồn protein chính. Dầu cá được sử dụng như một nguồn lipid chính. Để chuẩn bị sáu chế độ ăn thử nghiệm bổ sung, riboflavin đã được bổ sung vào chế độ ăn đối chứng ở nồng độ 10, 20, 30, 40, 50 và 60 mg/kg (được chỉ định lần lượt là R10, R20, R30, R40, R50 và R60). Phương pháp sắc ký lỏng hiệu năng cao (HPLC) của Hasselmann đã được sử dụng để xác định nồng độ riboflavin của thức ăn và được tìm thấy có chứa 1,41 ± 0,45 (R0), 6,38 ± 0,76 (R10), 17,87 ± 1,20 (R20), 25,26 ± 0,12 (R30), 37,11 ± 2,21 (R40), 46,01 ± 0,62 (R50) và 55,11 ± 2,63 (R60) mg/kg trong chế độ ăn khô.

Tôm khỏe mạnh và có kích thước đồng đều (0,17 g/con) được chọn ngẫu nhiên và chuyển sang các bể dung tích 215 L. 25 cá thể tôm được thả vào mỗi bể để thực hiện bốn lần lặp lại cho mỗi nghiệm thức. Tôm được cho ăn 6 lần/ngày (08h, 10h, 12h, 14h, 16h và 18h) trong 8 tuần. Tỷ lệ cho ăn hàng ngày là 12% trọng lượng cơ thể tôm khi bắt đầu nghiên cứu và sau đó giảm dần xuống 3% vào cuối nghiên cứu. Trọng lượng và tổng số tôm của mỗi bể được đo hai tuần một lần để điều chỉnh lượng thức ăn theo tốc độ tăng trưởng. Trong quá trình thí nghiệm, các thông số nhiệt độ, pH, ôxy hòa tan và amoniac được ghi nhận thường xuyên tương ứng lần lượt là 28 – 310C, 7,47 – 7,81, 5,7 – 6,77 mg/L và 0,04 – 0,1 mg/L.

Bổ sung riboflavin mang lại nhiều lợi ích cho TTCT. Ảnh: ShutterStock

Tôm được bỏ đói một ngày trước khi lấy mẫu. Những con tôm riêng lẻ trong mỗi bể được đếm và cân. Dữ liệu thu thập được sử dụng để tính toán mức tăng trọng (WG), tốc độ tăng trưởng cụ thể (SGR), tỷ lệ chuyển đổi thức ăn (FCR), hiệu quả sử dụng protein (PER) và tỷ lệ sống. Để lấy mẫu tan máu, ba cá thể tôm được chọn ngẫu nhiên từ mỗi bể (12 con mỗi nghiệm thức) và gây mê bằng cách nhúng vào bể nước đá. Hemolymph được lấy mẫu từ phần đáy của vết đâm ở chân bò thứ 3 bằng ống tiêm 1 mL với kim cỡ 25 và trộn ngay với cùng chất chống đông máu, dung dịch Alsever (A3551, Sigma-Aldrich, St. Louis, MO, Mỹ). Ly tâm tan máu (800 × g trong 20 phút ở 40C) để tách huyết thanh. Dịch nổi được loại bỏ và giữ ở – 800C để phân tích các thông số miễn dịch và máu. Những cá thể tôm khác được mổ xẻ sau khi thu thập máu và các mẫu ruột giữa dài khoảng 1 cm được thu thập vào dung dịch cố định của Davidson để phân tích mô học. Ba cá thể khác trong mỗi bể được giữ ở – 200C để kiểm tra thành phần dinh dưỡng của cơ thể.

Kết quả về tăng trưởng

Hiệu suất tăng trưởng của tôm tăng dần khi tăng lượng riboflavin lên đến 40 mg/kg trong thức ăn. Nhóm R0 thể hiện hiệu suất tăng trưởng thấp nhất so với tất cả các nhóm khác ngoại trừ nhóm R10. FBW, WG và SGR của tôm ăn được cho ăn R40 cao hơn đáng kể so với tôm ở các nghiệm thức  R0, R10, R20 và R30. Tuy nhiên, FBW, WG và SGR của nhóm R50 và R60 tương đương với R20, R30 và R40. Giá trị PER cao hơn đáng kể đã được quan sát thấy ở nghiệm thức R40 so với đối chứng. Tuy nhiên, FCR và tỷ lệ sống không bị ảnh hưởng đáng kể bởi sự gia tăng riboflavin trong khẩu phần ăn. Mức riboflavin tối ưu trong chế độ ăn được ước tính là 40,9 mg/kg trong chế độ ăn theo mô hình đường đứt đoạn hai độ dốc cho sự tăng trưởng.

Hình 1: Mối quan hệ giữa tăng trọng (%) và lượng riboflavin trong chế độ ăn dựa trên phân tích hồi quy

Kết quả về miễn dịch bẩm sinh

Các chỉ số hoạt động PO, NBT, SOD và GPx cao nhất đã được quan sát thấy ở tôm được cho ăn chế độ ăn R40. Hoạt động PO cao hơn đáng kể ở nhóm R40 so với nhóm R0 và R10. Hoạt tính lysozyme cao hơn đáng kể ở tôm thuộc R30 và R40 so với tôm cho ăn chế độ ăn R60. Hoạt động NBT cao hơn đáng kể ở nhóm R40 so với các nhóm R0, R10, R20, R50 và R60. Hoạt động SOD cũng cao hơn đáng kể ở nhóm R40 so với nhóm R0. Hoạt động của GPx tăng đáng kể ở nhóm R40 so với các nhóm R0, R10 và R20. Thật thú vị, nhóm R0 cho thấy giá trị thấp nhất, thấp hơn đáng kể so với tất cả các nhóm khác.

Thành phần cơ thể, sinh hóa máu

Về hàm lượng protein, lipid và tro toàn cơ thể của tôm, không có sự khác biệt đáng kể giữa tất cả các nghiệm thức. Hàm lượng tro trong cơ thể tôm cho thấy xu hướng giảm tuyến tính với sự gia tăng mức độ riboflavin trong thức ăn. Về kết quả các chỉ tiêu sinh hóa máu, sự khác biệt đáng kể không được thể hiện ở mức glucose, triglyceride, protein và cholesterol trong máu của tôm ở các nghiệm thức thử nghiệm. Đồng thời, chỉ tiêu về ADCdm và ADCp cũng không bị ảnh hưởng đáng kể bởi sự gia tăng của riboflavin trong khẩu phần.

Hình thái ruột

Theo đó, nhung mao dài hơn đáng kể ở tôm được cho ăn khẩu phần R50 và R60 so với tôm ăn khẩu phần R0, R10 và R20. Nhung mao ruột của tôm ăn chế độ ăn R0 ngắn hơn đáng kể so với nghiệm thức khác.

Mức riboflavin tối ưu trong chế độ ăn uống có thể cải thiện hiệu suất tăng trưởng, hiệu quả sử dụng thức ăn, phản ứng miễn dịch bẩm sinh và chiều cao nhung mao ruột của tôm. Mức tối ưu của riboflavin trong thức ăn của TTCT là 40,9 mg/kg.

Xuân Chinh

Lược dịch

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!