Do thành phần dân cư từ nhiều địa phương khác đến cùng với đặc thù ngành biển phải lênh đênh sóng nước hàng chục ngày liền, nên khi cập bến cửa biển thị trấn Sông Đốc, ngư phủ thường phát sinh tâm lý sống buông thả, khiến tệ nạn khu vực ven biển luôn nằm trong tình trạng “nóng bỏng”.
An ninh theo… con trăng
Cửa biển thị trấn Sông Đốc là nơi quy tụ nhiều phương tiện khai thác thủy sản của người dân từ nơi khác tìm đến sinh kế. Là cửa biển lớn nhất tỉnh Cà Mau, một trong những đầu mối trọng điểm trong giao thương hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng thủy sản xuất khẩu của tỉnh. Bên cạnh đó, đây cũng là một trong những điểm “nóng” luôn nằm trong top nhất, nhì của tỉnh về tình hình an ninh trật tự.
Cửa biển thị trấn Sông Đốc luôn “nóng bỏng” tệ nạn mỗi khi ngư phủ cập bến
“Tình hình an ninh trật tự ở đây biến động theo con trăng, thời điểm từ 12 đến 20 âm lịch hàng tháng là phức tạp nhất vì ngư phủ cập bến sau mười mấy ngày lênh đênh trên biển cả. Khi vào đất liền, họ thường tụ tập cờ bạc, nhậu nhẹt, khi ngà ngà say thì gây gổ đánh nhau, gái gú… tạo áp lực rất lớn cho các cấp chính quyền địa phương”, ông Phạm Huy Đính – Trưởng công an thị trấn Sông Đốc – cho biết.
Theo thống kê, từ tháng 11/2012 đến tháng 9/2013 có đến 314 vụ việc xảy ra trên địa bàn, trong đó có 206 vụ đánh nhau, gây rối trật tự xã hội. Ngày 4-5-2013, sau nhiều ngày lênh đênh giữa biển cả, Nguyễn Đức Mỹ (SN 1968, ngụ thị trấn Sông Đốc) rủ bạn bè “chén chú, chén anh”. Cạnh bàn Mỹ, ông Lê Văn Chanh (52 tuổi, ngụ quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ) cũng đang “đấu tửu” cùng anh em để ăn mừng vụ sang nhượng xe thành công. Khi ngà ngà say, ông Chanh cãi nhau với chủ quán về vấn đề tiền bạc. Ông Mỹ ngồi bàn kế bên chửi đổng với ngụ ý: “Ăn nhậu có mấy chục ngàn cũng cãi lộn”. Tưởng ông Mỹ có ý khinh mình, sẵn hơi men còn ngấm trong người, ông Chanh xông vào đâm ông Mỹ tới tấp khiến nạn nhân tử vong tại chỗ.
Tệ nạn cám dỗ
Bên cạnh đó, ngư phủ đa phần là những thanh niên trai trẻ, vạm vỡ sống xa gia đình nên thường tìm đến gái mại dâm sau những ngày làm việc vất vả để đỡ “nhớ nhà”. Tệ nạn mại dâm khu vực này còn được chế thành câu vè mà ngư phủ nào cũng thuộc nằm lòng: “Nhất kênh thầy Tư, nhì xóm Cây Mắm, ba hậu đê, bốn xuồng bán bún. Phục vụ từ trên bờ xuống đến biển luôn”.
“Ngày trước kênh thầy Tư này gái mại dâm đứng đầy. Hễ có khách thì rọi đèn trả giá ì xèo như buôn rau, bán cá ngoài chợ. Mấy năm nay, lực lượng công an làm dữ quá nên họ hoạt động có phần bí mật hơn. Mà mại dâm ở đây chỉ có giảm thôi chứ khó mà dẹp hết được. Ngư phủ đi làm ngoài biển suốt chừng 20 ngày mới quay về đất liền. Mà về đây, chẳng có điểm nào vui chơi lành mạnh, toàn quán nhậu. Khi nhậu say thì họ tìm đến gái gú là chuyện bình thường thôi”, ông Tư Chí (50 tuổi, ngụ thị trấn Sông Đốc) nhận định.
Chạy dọc các tuyến đường gần cửa biển, chen lẫn những khu nhà trọ là các quán nhậu, karaoke phục vụ “thượng đế” cho đến tận sáng. “Đi làm gần cả tháng trên biển, ngày lên đất liền mà cứ ngồi ru rú trong nhà trọ nhìn ra đường hoài cũng chán nên chúng tôi đành kéo nhau ra quán lai rai thôi. Ngoài mấy quán nhậu, karaoke tụi tôi chẳng biết đi đâu nữa”, Tài (35 tuổi, quê An Giang) có thâm niên 10 năm làm ngư phủ phân trần.
Theo thống kê của ngành thủy sản, có đến 6 triệu lao động trong ngành, trong đó 33.000 người bị nhiễm HIV. Thị trấn Sông Đốc là địa bàn có số người nhiễm HIV cao nhất tỉnh. Điều này cũng dễ hiểu khi mà ngư phủ đa phần nằm trong độ tuổi trẻ, gần cả tháng ròng trôi nổi trên biển cả, lúc về có rủng rỉnh tiền trong túi lại xa nhà nên dễ rơi vào lối sống buông thả.