T2, 06/07/2020 02:01

Những anh hùng năm ấy…

Chưa có đánh giá về bài viết

Năm 2019, lễ kỷ niệm lần thứ 60 Ngày truyền thống ngành Thủy sản Việt Nam (1/4/1959 – 1/4/2019) được tổ chức long trọng nhiều nơi trong cả nước. “Biển bạc của ta do nhân dân ta làm chủ” – câu nói của Bác thời ấy đã được nhắc lại mỗi dịp kỷ niệm như thế.

Khoảng một năm sau chuyến thăm lịch sử của Bác, Tổng cục Thủy sản đã được thành lập, đánh dấu một chủ trương quan trọng để thủy sản trở thành ngành kinh tế kỹ thuật trong xây dựng và bảo vệ miền Bắc XHCN và góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

 

Không khí thi đua trong ngành đã góp phần quan trọng động viên lao động nghề cá mọi lĩnh vực tham gia làm nên sự phát triển ngành thủy sản. Chúng ta cùng nhớ lại những người anh hùng đầu tiên của ngành thủy sản, những tấm gương lao động mẫu mực cho đến tận hôm nay. 

Chị Khíu cùng mẹ Suốt và anh hùng Trần Thị Lý tại Đại hội thi đua toàn quốc 1967 ở Ba Rền, Quảng Bình

Những người anh hùng thập niên  sáu mươi

Thuyền trưởng Hồ Xuân Tuyên (1927 – 2011)

Mở rộng ngư trường

Anh quê xã Ân Tường Đông, huyện Hoài Ân (cũng là quê hương của nhà ái quốc Tăng Bạt Hổ), tỉnh Bình Định. Tập kết ra Bắc, sau thời gian được đào tạo anh về công tác tại Đoàn tàu đánh cá Hạ Long, Hải Phòng. Anh được công nhận danh hiệu Anh hùng Lao động sớm nhất trong giai đoạn này, vào năm 1962.

Trong Bằng công nhận Anh hùng Lao động, anh được ghi công: Là thuyền trưởng đội tàu đánh cá Việt Đức, anh luôn nêu cao tinh thần chịu đựng gian khó, luôn quan tâm đến lợi ích của xí nghiệp, tìm mọi cách tăng thêm thu nhập, giảm chi phí, cải tiến phương pháp đánh cá, tìm nơi nhiều cá mở rộng phạm vi hoạt động… Chắc nhiều người còn nhớ bài văn “Đi tìm đàn cá” viết về anh hùng Hồ Xuân Tuyên được đưa vào Sách Văn Tuyển làm giáo khoa một thời cho học sinh trung học.

 

Nguyễn Thị Khíu (1932 – 2009)

 “Nhanh tay lưới, chắc tay súng”

Chị người Bảo Ninh, TP Đồng Hới, Quảng Bình cùng quê mẹ Suốt. Chị không những là hình ảnh đẹp của người phụ nữ tiêu biểu nơi quê hương mình, mà còn là biểu tượng ngư dân một thời “nhanh tay lưới, chắc tay súng” của vùng biển những năm bom đạn vùng Khu Bốn cũ. Vinh dự lớn đến với chị khi năm 1966, tại Đại hội thi đua toàn quốc chị được Nhà nước tặng danh hiệu “Anh hùng chống Mỹ cứu nước” của ngành thủy sản, tại đây chị đã cùng với mẹ Nguyễn Thị Suốt được gặp Hồ Chủ tịch.

Theo báo Quảng Bình: Ngày 4/4/1965, đội Minh Khai (mà chị là đội trưởng) ra khơi đánh cá, máy bay Mỹ ồ ạt đánh phá Đồng Hới. Thuyền của chị bị bắn gãy cột buồm. Một xã viên đề nghị chị hạ buồm xuống quay về nhưng chị nói: “Thuyền của đội trưởng mà về thì ai còn ở lại, HTX lấy gì mà giao nộp sản phẩm cho nhà nước? Phải bám biển làm lẽ sống”. Noi gương thuyền của chị, các thuyền khác cũng tiến thẳng đến ngư trường tiếp tục đánh cá. Máy bay Mỹ vẫn hung hăng đánh phá, một thuyền bạn bị bắn trọng thương, chị kêu gọi chị em đến cứu. Thuyền bạn có 6 người, bị thương 4 người, 2 người chết. Chị cho các chị em băng bó vết thương đưa người vào bờ.

Sau trận bị bắn phá ấy, chị Khíu nghĩ ra một cách là buộc hai bên mạn thuyền một số dây thừng, mỗi dây có buộc thêm một hòn đá đủ nặng, khi bị máy bay bắn thì ôm đá mà nhảy xuống biển, khi lên thì theo dây mà lên khỏi mất phương hướng, do đó hạn chế được thương vong, chị em đều an tâm bám biển. Với ý chí sống chết vì tập thể, cương quyết bám biển sản xuất, chị trở thành con chim đầu đàn của nghề biển Bảo Ninh, được mọi người mến yêu.

 

Vai trò của các điển hình

Từ câu chuyện của hai người anh hùng những năm 1960, nay chúng ta có những lớp anh hùng trong các thế hệ lao động nghề cá kế tiếp. Từ những anh hùng trong thời kỳ “tay lưới, tay súng” đến những anh hùng thời kỳ đổi mới sau những năm 1990 đến tận ngày nay. Anh hùng trong nghề cá được phong để tuyên dương những hành động và cử chỉ anh hùng cao đẹp đáng làm gương trên biển, những tấm gương sáng tạo và tận tụy trên mọi mặt trận lao động nghề cá.

Vươn khơi bám biển là phẩm chất quý báu của những con người anh hùng như vậy, dù ở thời kỳ còn chia nhau lợi ích theo công điểm của HTX đến thời nhấn mạnh hiệu quả theo cơ chế thị trường hiện tại với các tổ chức kinh tế đổi mới…; thời nào cũng cần có những điển hình, những anh hùng tạo nên tấm gương và cảm hứng cho ngành thủy sản. 

Thật tiếc rằng hiện trên các phương tiện truyền thông, thậm chí trong hoạt động kỷ niệm truyền thống ngành thủy sản vẫn chưa dành sự quan tâm xứng đáng để tôn vinh các anh hùng của ngành cũng như sự hy sinh của họ! Bên cạnh đó, cũng cần xem lại những thành tích bị quên lãng hoặc chưa có sự tôn vinh đầy đủ. Hành động từ người dân cũng không ít lần mách bảo lãnh đạo và người làm quản lý để thay đổi một số chính sách và cách làm. Chẳng hạn, ta còn nhớ, năm 2000 và đầu năm 2001 rộ lên việc phá cống lấy nước mặn vào ruộng để nuôi tôm ở một số địa phương tại hai tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu. Thoạt đầu, các nhà quản lý chúng ta coi đó là việc làm sai trái và tự phát phải chấn chỉnh; tuy nhiên, thực tế đã chứng minh việc chuyển một số vùng trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi tôm nói riêng và NTTS nói chung đã đem lại sự thay đổi đáng kể ở ĐBSCL.               

>> “Bước vào năm mới 2020 và Xuân Canh Tý, hãy tin vào thành quả lao động của người làm thủy sản trong thời gian tới và chúng ta cần chú ý hơn nữa việc tôn vinh những anh hùng lao động thuộc thế hệ mới của ngành, tiếp bước những tấm gương lao động xuất sắc những năm xưa” – Nguyên Bộ trưởng Bộ Thủy sản Tạ Quang Ngọc.

Tạ Quang Ngọc (Nguyên Bộ trưởng Bộ Thủy sản) 

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!