Những bước tiến mới với thức ăn từ côn trùng

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Ngành công nghiệp sản xuất côn trùng đang là sân chơi của đông đảo doanh nghiệp trẻ và các hãng cải tiến trên toàn cầu. Khi châu Âu phê duyệt sử dụng côn trùng trong thức ăn thủy sản vào tháng 7/2017, ngành thức ăn thủy sản trở thành thị trường màu mỡ của các hãng sản xuất côn trùng.

Cộng sinh công nghiệp

Công ty sản xuất côn trùng Innovafeed tại Nesle, miền bắc nước Pháp, đang thuyết phục toàn thế giới tin rằng mô hình “cộng sinh công nghiệp” độc đáo của hãng sẽ vượt các đối thủ trong ngành. Để tạo ra protein côn trùng, Annovfeed xây dựng mối quan hệ cộng sinh giữa 3 công ty trong cùng ngành công nghiệp. Thứ nhất, Tereos, một nhà máy sản xuất tinh bột, cung cấp 100% thức ăn ướt gồm cám mì và phụ phẩm cho Innovafeed. Lợi thế của Tereos đó là không phải sấy khô phụ phế phẩm. Thứ hai, Kogeban sản xuất năng lượng bằng sinh khối gỗ để chạy turbine tạo điện năng và hơi nước cho Tereos. Thứ ba, Innovafeed có dàn ngưng tụ hydro xung quanh turbine và dùng nước nóng để cấp nhiệt cho nhà máy sản xuất côn trùng.

Theo Maye Walraven, Phó Giám đốc phát triển kinh doanh Innovafeed, Công ty sử dụng 100% năng lượng sạch từ Kogeban và tận dụng hơi nước dư thừa từ Kogeban. Do đó, 60% năng lượng được cho nhà máy là năng lượng thải – một lợi thế lớn trong bối cảnh xung đột tại Ukraine và chi phí năng lượng tăng vọt. Đây là một mô hình phối hợp sản xuất nhuần nhuyễn với các hãng cung cấp năng lượng và thức ăn chăn nuôi. Mô hình tuần hoàn không xả thải đã giúp Innovafeed giảm 57.000 tấn khí thải mỗi năm. Các thành phần côn trùng khi thay thế bột cá hay dầu cọ trong thức ăn thủy sản đã giúp tiết kiệm 45.000 tấn nguồn lợi biển và 1.800 ha đất canh tác.

Quy mô

Innovafeed bắt đầu phát triển công nghệ sản xuất côn trùng vào năm 2016 với cơ sở R&D tại Genopole d’Evry. Tại đây, đội ngũ kỹ sư và chuyên gia nghiên cứu, phát triển của Công ty đã tạo ra công nghệ tiên tiến và độc đáo để sản xuất côn trùng quy mô lớn, tối ưu hóa mỗi chu kỳ sản xuất và xây dựng được quy trình sản xuất bột côn trùng, dầu côn trùng hiệu quả nhất.

Sau đó, Công ty đạt mốc sản lượng hàng trăm tấn/năm tại cơ sở thử nghiệm Gouzeaucourt. Hiện, doanh nghiệp này đã hoàn thiện nhà máy sản xuất côn trùng thương mại tại Nesle. Đây là một nhà máy hoàn toàn tự động với diện tích 25.000 m2 xây theo mô hình xếp nhiều tầng với độ cao 12 m. Thiết kế mô-đun giúp tận dụng tối đa không gian, tiết kiệm đất canh tác và tăng sản lượng lên đến 15.000 tấn/năm. Tháng 2/2022, Innovafeed và Archer-Daniels-Midland (ADM) hợp tác xây dựng trang trại sản xuất protein côn trùng lớn nhất thế giới tại Decatur, Illinois, Mỹ. Trung tâm R&D đã khởi công xây dựng vào quý IV/2022. Trang trại này sẽ đi theo mô hình cộng sinh công nghiệp tương tự như tại Pháp (nguồn cung năng lượng và chất nền) với hãng sản xuất ethanol lớn để đạt sản lượng 60.000 tấn protein côn trùng mỗi năm.

Ruồi lính đen Hermitia illucens được lựa chọn bởi vì có thể sản xuất hiệu quả ở quy mô công nghiệp cũng như thành phần dinh dưỡng tối ưu với hàm lượng axit amin tương đương bột cá. Thời điểm tốt nhất để tiến hành thu hoạch là giai đoạn ấu trùng khi sinh khối cao và tỷ lệ protein: dầu cao nhất và tỷ lệ protein: chitin tốt nhất. Annovafeed đã phát triển thành công công nghệ sản xuất ấu trùng ruồi lính đen đạt chất lượng protein, dầu và chitin tốt nhất. Ngoài ra, các chất thải và phụ phẩm cũng được tận dụng tối đa bằng công nghệ thủy phân và chọn lọc di truyền.

Annovafeed phát triển trang trại tự động bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) xuyên suốt chuỗi sản xuất. Ruồi lính đen sinh sản và phát triển thành ấu trùng trong hệ thống nhà kính được kiểm soát chặt chẽ môi trường; nhiệt độ và độ ẩm được duy trì bằng hơi nước từ Kogeban. Nhờ công nghệ chọn lọc di tuyền và kiểm soát điều kiện môi trường, công ty đã rút ngắn đáng kể thời gian thu hoạch. Để quản lý sản xuất vi mô và tự động hóa hoàn toàn, đội ngũ Annovafeed đã sử dụng robot và công nghệ AI độc quyền. Hiện, Innovafeed đã sản xuất được bột côn trùng 70% protein phục vụ ngành NTTS và dầu côn trùng 45% axit lauric làm thức ăn chăn nuôi gia cầm và heo.

Mục tiêu thức ăn thủy sản

Trong lĩnh vực thức ăn thủy sản, hầu hết các hãng côn trùng đều tập trung sản xuất thức ăn cho tôm và cá hồi. Nhiều nghiên cứu của Innovafeed đã chứng minh protein côn trùng có khả năng thay thế 100% bột cá. Thức ăn cho cá hồi của hãng Sktetting cũng sử dụng protein côn trùng để thay thế 50% bột cá và dầu tảo thay thế 100% dầu cá. Sắp tới, Innovafeed sẽ hợp tác với Auchan sản xuất protein côn trùng làm thức ăn cho cá trout, heo và gia cầm.

Năm ngoái, Innovafeed đã tung ra thị trường sản phẩm thành phần thức ăn mới và đạt hiệu quả cao NovaGain dành riêng cho tôm. Ở tỷ lệ bổ sung 5 – 10%, các nghiên cứu đã chứng minh hiệu suất nuôi tôm cải thiện 20 – 30% về tỷ lệ biến đổi thức ăn và tốc độ tăng trưởng riêng. Các peptides hoạt tính sinh học trong NovaGain mang lại cả lợi ích dinh dưỡng và chức năng cho tôm trước hiểm họa dịch bệnh bệnh đốm trắng và hoại tử gan tụy cấp. Do NovaGain có nguồn gốc ruồi lính đen rất giàu các hợp chất hỗ trợ đáp ứng miễn dịch bẩm sinh của tôm và chitin là một hợp chất tự nhiên hoạt động như một chất kích thích miễn dịch.

Vũ Đức

Theo Aquafeed

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!