Những gương điển hình nuôi thủy sản trên ruộng lúa

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Việc chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, hay nuôi thủy sản xen ghép trồng lúa đã đem lại giá trị kinh tế cao, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhiều hộ dân.

  1. Nuôi cá, ốc lãi gấp 3, 4 lần canh tác lúa

Nhờ chuyển đổi những diện tích đất cấy lúa xen kẹt, kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, nhiều hộ gia đình trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã có thu nhập cao, đồng thời khắc phục được tình trạng bỏ hoang đất. 1 ha nuôi trồng thủy sản có thể cho thu nhập trên 400 triệu đồng/năm, cao gấp ba đến bốn lần so với canh tác lúa và trồng màu.

Điển hình như gia đình ông Trần Hữu Thương, ở xóm Thành Lập, xã Lục Ba (Đại Từ, Thái Nguyên). Hiện ông Thương có 4 ao nuôi cá với tổng diện tích gần 4.000 m2. Trong đó có 3 ao trước đây là ruộng cấy lúa, với diện tích khoảng 3.000 m2, nhưng gặp khó khăn, dẫn đến năng suất lúa bấp bênh. Hiện nay, ông Thương thường nuôi các loại cá như trắm cỏ, chép, rô phi đơn tính và cá rô đồng theo hướng an toàn. Trung bình mỗi năm gia đình bán ra thị trường khoảng 4 tấn cá, với giá bán từ 40 – 70 nghìn đồng/kg (tùy từng loại cá), sau khi trừ chi phí còn thu về hơn 200 triệu đồng/năm.

Hay như mô hình nuôi ốc nhồi thương phẩm với tổng diện tích 3.600 m2 của gia đình chị Nguyễn Thị Bình, ở xóm Minh Tiến, xã Minh Lập (Đồng Hỷ, Thái Nguyên). Trong 2 năm qua, mô hình này đã đem về thu nhập cho gia đình chị khoảng 200 triệu đồng/năm.

  1. Nuôi cá trên ruộng lúa lãi trên 60 triệu đồng/vụ

Nhằm nâng cao thu nhập cho nông hộ, gắn với thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa sang trồng lúa kết hợp với nuôi trồng thủy sản, đến nay, nông dân ở thành phố Ngã Bảy (tỉnh Hậu Giang) thả nuôi được 75,2 ha cá, đạt 188% so với kế hoạch đề ra năm 2023. Diện tích nuôi cá trên ruộng lúa chủ yếu được nông dân nuôi kết hợp nhiều loại, như: cá lóc, cá sặc rằn, cá chép, cá mè… có bổ sung thức ăn, đồng thời tận dụng nguồn thức ăn tươi sống sẵn có tại địa phương (ốc bươu vàng, cá tạp…). Cá giống được dưỡng trong vèo lưới, ao, mương và tiến hành thả trên ruộng lúa sau khi thu hoạch vụ lúa Hè thu. 

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa sang trồng lúa kết hợp nuôi thủy sản mang lại lợi nhuận cao hơn cho người dân. Ngoài 2 vụ lúa, nông dân còn thu được lợi nhuận từ 1 vụ cá. Sau 6 tháng nuôi, người dân thu hoạch trung bình 5,5 tấn cá/ha, với lợi nhuận từ 60 – 70 triệu đồng/ha mỗi vụ.

  1. Nuôi cá chạch đồng xen canh trong ruộng lúa

Theo Phòng NN&PTNT huyện Trà Ôn, trong năm 2023, Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long đã kết hợp với Phòng NN&PTNT thí điểm nuôi cá chạch đồng thông qua mô hình nuôi cá này xen canh trong ruộng lúa tại xã Nhơn Bình và xã Xuân Hiệp (Trà Ôn) với 5 hộ tham gia. Trong đó, mỗi hộ nuôi cá chạch trên ruộng lúa rộng 1 công, được hỗ trợ 50% chi phí mua 50 kg cá chạch giống (khoảng 10.000 con) và 50% chi phí thức ăn (tương đương 91,5 kg). 

Được biết, sau khi thả cá giống, khoảng 4 tháng nuôi là cá đạt kích cỡ thương phẩm, bình quân từ 20 – 25 con/kg là tiến hành thu hoạch. Đây là mô hình thủy sản mới của tỉnh Vĩnh Long, kỳ vọng thành công sẽ giúp cho nông dân có thêm thu nhập, đồng thời bảo tồn và phát triển loài thủy sản nước ngọt vốn khó nuôi và ngày càng giảm mạnh số lượng trong tự nhiên.

  1. Nuôi tôm càng xanh toàn đực bán thâm canh

Trước ông Huỳnh Tấn Xuyến, ấp Phú Thành, xã Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên có trồng lúa và nuôi tôm thẻ chân trắng song hiệu quả không cao. Được Trạm Khuyến nông huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) hỗ trợ, ông Xuyến đã mạnh dạn chuyển đổi mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng sang nuôi tôm càng xanh toàn đực bán thâm canh. Hiện tại, tôm nuôi được 6 tháng đang bước vào giai đoạn thu hoạch. 

Khác với con tôm thẻ chỉ thu hoạch 1 lần dứt điểm, thì tôm càng xanh được thu hoạch nhiều lần. Ước sản lượng tôm sau thu hoạch dứt điểm 2,7 tấn, trọng lượng tôm khi thu hoạch là 19 con/kg, giá bán được bao tiêu đầu ra là 120.000 đồng/kg, trừ chi phí lợi nhuận hơn 110 triệu đồng/6 tháng nuôi. Mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực cho thấy rõ hiệu quả của tôm càng xanh, thông qua việc tôm nuôi ít gặp rủi ro dịch bệnh, tỷ lệ sống cao, tôm nuôi được quanh năm và đầu ra của tôm thương phẩm ổn định, đem về lợi nhuận tốt cho hộ nuôi.

Anh Vũ

(Tổng hợp)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!