(TSVN) – Sang năm 2024, chuỗi cung ứng toàn cầu lại bước vào giai đoạn gián đoạn mới tại hai hành lang thương mại quan trọng là kênh đào Panama và Suez. Trong khi đó, căng thẳng địa chính trị vẫn chưa hạ nhiệt, và tiếp tục tác động đến việc tìm kiếm nguồn cung ứng và phân phối hàng hóa toàn cầu.
Tắc nghẽn tại hai huyết mạch kinh tế Panama và Suez cùng căng thẳng địa chính trị sẽ khiến nhiều quốc gia và doanh nghiệp phải vẽ lại bản đồ thương mại mà họ phát triển suốt nhiều thập kỷ qua. Cùng đó, các doanh nghiệp lâu đời và công ty khởi nghiệp đang thiết lập chuỗi cung ứng mới dựa trên nền tảng năng lượng sạch, nhất là những doanh nghiệp trong lĩnh vực tự động hóa.
Những cú sốc đối với kênh đào Panama và Suez khiến thương mại toàn cầu trong năm 2024 bấp bênh. Ảnh: Shutterstock
Tất cả những điều này đang gây khó khăn lên chuỗi cung ứng từ chất bán dẫn đến hàng tiêu dùng và gia tăng áp lực lên các doanh nghiệp kém linh hoạt hoặc khả năng phục hồi chậm. Những cú sốc và thay đổi đột ngột của dòng hàng hóa và nhu cầu tiêu thụ sẽ gây ra thách thức lớn cho các hãng vận tại biển trong năm nay.
Trong khi đó, chiến sự ở Ukraine và Trùng Đông vẫn đang đe dọa dòng chảy ngũ cốc, dầu mỏ và hàng tiêu dùng. Biến đổi khí hậu cùng tình trạng di cư ồ ạt đang làm gián đoạn các tuyến đường thương mại từ kênh đào Panama đến biên giới Mỹ – Mexico. Các hãng vận tải cũng đang phải chuyển hướng. Kênh đào Panama thiếu nước do hạn hán trong năm 2023 đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng và thương mại toàn cầu giữa châu Á và bờ Đông Mỹ.
Trong khi đó, để tránh nguy cơ bị lực lượng Houthi tấn công, các tàu vận chuyển đã chuyển hướng lượng hàng hóa trị giá khoảng hơn 30 tỷ USD khỏi khu vực Biển Đỏ và tránh cả tuyến đường trọng yếu qua kênh Suez. Bốn trong số các công ty vận tải biển lớn nhất thế giới, bao gồm CMA CGM, Hapag-Lloyd, Maersk và MSC, dừng vận chuyển hàng hóa qua khu vực Biển Đỏ và tránh cả tuyến đường trọng yếu qua kênh đào Suez. Một số tàu đã đang chuyển sang cung đường chạy qua Mũi Hảo Vọng ở Nam châu Phi. Nhưng việc kênh đào Suez đóng cửa thời gian dài sẽ khiến chi phí vận tải biển gia tăng và kéo dài thời gian vận chuyển. Những cú sốc đối với kênh đào Panama và Suez, cùng với biến đổi khí hậu và rủi ro địa chính trị ngày càng gia tăng, sự bất ổn trong chuỗi cung ứng vẫn sẽ tiếp tục tồn tại.
Tuy nhiên, nhiều công ty, gồm các nhà bán lẻ lớn, vẫn đạt được thành công đáng kể trong năm 2023 khi giải quyết ổn thỏa một lượng lớn hàng tồn kho tích tụ suốt thời kỳ đại dịch, và ứng phó linh hoạt với tình trạng tắc nghẽn vận tải và sự thay đổi hành vi mua hàng của người tiêu dùng.
Tỷ lệ hàng tồn kho trên doanh thu của các hãng bán lẻ tại Mỹ giữ mức 1,3 từ tháng 5 đến tháng 10/2023 cho thấy sự ổn định sau những năm bất ổn do đại dịch COVID-19. Doanh số bán hàng trong kỳ nghỉ lễ tại Mỹ tăng 3,1% so với năm ngoái, lượng hàng tồn kho cũng giảm. Tuy nhiên, con số này chứng tỏ doanh nghiệp đang thận trọng nhập khẩu thay vì gấp rút bổ sung thêm hàng hóa như trước đây.
Brian Cornell, CEO chuỗi bán lẻ lớn Target cho biết, khi xây dựng kế hoạch bán hàng cho mùa nghỉ lễ, Target thận trọng định vị hàng tồn kho và giảm giá theo danh mục, từ đó linh hoạt ứng phó với các xu hướng tiêu dùng đang thay đổi chóng mặt. Tuy nhiên, Cornell tỏ ra lạc quan sau khi các báo cáo cho thấy doanh số bán hàng tiếp tục duy trì mạnh trong giai đoạn cuối của kỳ nghỉ lễ giữa những lo ngại về biến thể Omicron mới. Theo Lauren Hobart, CEO Dick’s Sporting Goods, doanh số bán hàng của công ty tăng 1,7% trong quý cuối năm 2023 trong khi lượng tồn kho giảm 2%.
Hiện, hầu hết hàng tồn kho đã hạ xuống mức trước đại dịch và nhiều nhà nhập khẩu đang rục rịch chuẩn bị đơn đặt hàng mới. Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích tại S&P Market Intelligence lưu ý rằng, lãi suất cao đã kéo khiến chi phí hàng tồn kho tăng lên và có thể đẩy một số công ty quay trở lại chiến lược duy trì hàng tồn kho ở mức thấp nhất có thể, ngay cả khi rủi ro về nguồn cung tăng lên.
Ngành vận tải đường bộ, từng chứng kiến nhiều vụ sai thải quy mô lớn, thậm chí phá sản vào năm 2023, nay cũng đang kỳ vọng phục hồi và tăng giá cước nhờ lượng đơn đặt hàng mới trong năm 2024. Dave Bozeman, CEO công ty vận tải C.H. Robinson Worldwide dự báo nguồn cung dịch vụ vận tải đường bộ sẽ thắt chặt hơn vào giữa năm nay để thúc đẩy sự phục hồi giá cước vận tải, miễn là nhu cầu tăng lên. Tuy nhiên, vận tải nội địa vẫn phụ thuộc vào thị trường quốc tế mong manh.
Dòng chảy thương mại toàn cầu đang thay đổi khi các nhà nhập khẩu ngày càng rời xa Trung Quốc và tìm đến các nhà cung cấp thay thế ở các nước khác như Ấn Độ, Việt Nam và Mexico. Năm 2023, Mexico cũng vượt qua Trung Quốc để trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ. Thương mại tăng lên sẽ kéo theo nhu cầu vận chuyển hàng hóa trong năm 2024.
Tuấn Minh
(Tổng hợp)