Những vòng xoáy căng thẳng đối với ĐBSCL

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Ngày 1/8/2022 tại TP Cần Thơ, VCCI Cần Thơ và Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright, đã công bố Báo cáo Kinh tế thường niên ĐBSCL năm 2022. Kết quả nghiên cứu hơn một năm qua của Báo cáo nói trên chỉ rõ: ĐBSCL đang đối diện khá căng với “vòng xoáy môi trường”, cùng với “vòng xoáy về kinh tế và xã hội”, đang kéo vùng ĐBSCL tụt dốc.

Vòng xoáy môi trường và hậu quả đáng lo

Báo cáo cho biết, sự bùng nổ của công nghiệp chế biến nông, thủy sản trong thập niên 2000, đã không tạo được sự đột phá lớn cho kinh tế của ĐBSCL. Sinh kế của người lao động chưa được cải thiện như kỳ vọng, chủ yếu do phụ thuộc quá lớn vào thị trường xuất khẩu và giá trị gia tăng thấp của hoạt động chế biến nông thủy sản.

Đáng chú ý, đóng góp của ĐBSCL cho công nghiệp chế biến – chế tạo của cả nước ngày một giảm; giai đoạn 2015 – 2019, tốc độ tăng trưởng của vùng ĐBSCL đã bắt kịp cả nước, song tỷ trọng giảm liên tục, từ 24,9% xuống chỉ còn 16,7%, và tỷ trọng lao động giảm từ 18,7% xuống còn 18%. Năng suất trung bình công nghiệp chế biến – chế tạo của vùng thấp hơn hẳn so với cả nước.

Nguyên do ĐBSCL đang phải đối diện nhiều thách thức lớn cả về môi trường, kinh tế và xã hội. Các thách thức này lại tương tác ảnh hưởng lẫn nhau, gây ra nhiều vòng xoáy đổ vỡ, khiến nền kinh tế khó phát triển bền vững.

“Về môi trường, biến đổi khí hậu và biến động nước xuyên biên giới, cùng những vấn đề nội tại rất đáng lo: Khai tài nguyên thiên nhiên cạn kiệt (ví dụ như khai thác cát và nước ngầm quá mức), lạm dụng các loại nông dược, ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí,… đã tác động rất lớn đến hệ sinh thái, đời sống, và sinh kế của hàng triệu người dân ĐBSCL”, Báo cáo viết.

Báo cáo nhấn mạnh đến những thách thức do chính ĐBSCL gây ra làm giảm chất lượng đất và nước. Đó là sử dụng số lượng lớn chất hóa học (phân bón trong trồng trọt và hóa chất trong NTTS), làm vi sinh vật hiếu khí bị giảm và thay bằng vi sinh yếm khí, thải nhiều chất độc trong đất hơn. Kết quả tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp giữa kỳ năm 2020 cho thấy khoảng 30% số hộ nông nghiệp vùng ĐBSCL có đất trồng trọt bị thoái hóa. Chất lượng môi trường giảm, cùng với sản xuất chú trọng về số lượng hơn chất lượng, dẫn đến giá trị nông, lâm, thủy sản không cao, tăng trưởng kinh tế thấp.

Bên cạnh đó là những hạn chế trong đầu tư, đến thời điểm này, ĐBSCL chưa có một cảng biển quốc tế thực thụ. Tổng lượng hàng xuất/nhập khẩu container từ các cảng biển ở ĐBSCL chiếm tỷ trọng rất nhỏ so với cả nước, đã vậy lại còn suy giảm lớn trong hai năm đại dịch COVID-19 vừa qua. Ngành logistics tại ĐBSCL đang đứng trước rất nhiều khó khăn, thiếu các trung tâm logistics trọng điểm và các hệ thống trung tâm vệ tinh, hệ thống kho ở các cảng, thiếu đơn vị kiểm định vệ sinh an toàn thực phẩm.

Phá vỡ vòng xoáy tụt dốc để vươn lên

Trưởng nhóm nghiên cứu Báo cáo nói trên là TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright cho rằng: “Chỉ bằng cách phá vỡ một số mắt xích của các vòng xoáy đang kéo nền kinh tế – xã hội – môi trường ĐBSCL đi xuống, sau đó đảo ngược thành các vòng xoáy đi lên, thì ĐBSCL mới có thể chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế và nâng cao thu nhập cho người dân một cách bền vững”.

Mắt xích quan trọng đầu tiên cần phải đảo ngược là thay đổi quan điểm về an ninh lương thực. Cần chuyển nhanh theo chủ trương mà Chính phủ đã xác định cho ĐBSCL: Sản phẩm chiến lược là thủy sản – trái cây – lương thực. Giảm bớt thâm canh lúa cũng giúp giảm ô nhiễm môi trường, khôi phục chất lượng đất, giảm phát thải CO2, đồng thời tạo điều kiện cho ĐBSCL xây dựng các vùng chuyên canh nông nghiệp quy mô lớn và hình thành các đô thị động lực với cơ sở hạ tầng hiện đại.

Một mắt xích quan trọng khác cần phải đảo ngược là giải phóng sức sống của khu vực nông nghiệp và tình trạng suy thoái môi trường. TS Vũ Thành Tự Anh nhấn mạnh: Lợi thế cạnh tranh của ĐBSCL chủ yếu đến từ điều kiện tự nhiên sẵn có. Thế nhưng, các tài nguyên sẵn có này, hoặc đang bị khai thác kiểu tận diệt tới mức báo động đỏ, hoặc đang đứng trước rủi ro to lớn từ những tác động bên ngoài, hoặc đang dần mai một theo năm tháng, hoặc đang bị cơ chế chính sách cản trở. Hậu quả là vừa không phát huy hết được nội lực phong phú của mình, vừa tác động rất lớn đến hệ sinh thái, bào mòn sức sống của đồng bằng, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống và sinh kế của hơn 17 triệu dân ĐBSCL.

Những mắt xích quan trọng còn lại cũng rất cần phải đảo ngược là khẩn trương hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, để kết nối thuận lợi với các thị trường. Đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện hệ thống logistics có hiệu quả cao, được coi là tiền đề cho việc tổ chức các trung tâm đầu mối, gắn kết với các vùng chuyên canh nông nghiệp và thủy sản. Cuối cùng, cần nhanh chóng đảo ngược, tạo sự bứt phá mạnh về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực của ĐBSCL.

Các quá trình này nên được hỗ trợ tích cực bởi những thay đổi về khoa học – kỹ thuật như: Cơ giới hóa, chuyển đổi số, sản xuất thông minh, nông nghiệp xanh, kinh tế tuần hoàn. Kết quả của tất cả những quá trình nói trên là sự thay đổi cơ cấu nông nghiệp, nhờ đó hiện đại hóa sản xuất và phát triển nền kinh tế theo cơ chế thị trường, tăng thu nhập một cách ổn định cho nông dân, và phát triển nông nghiệp bền vững theo mô hình “thuận tự nhiên”. Theo đó, tất cả phải đảm bảo các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội – môi trường có tính cân bằng và hài hòa.

Sáu Nghệ

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!